Vượt lên giá trị của một lời cổ vũ tinh thần trong 2 kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp phổ thông trung học vừa qua, triển lãm Sĩ tử thật sự là câu chuyện thú vị về những góc rất riêng - mà cũng rất chung - trong cuộc đời của mỗi học sinh, dưới góc nhìn và cách tư duy vừa dí dỏm vừa đầy xúc cảm.
Do 7 họa sĩ của Nhau Studio thực hiện, triển lãm diễn ra ngay tại không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, "trường đại học" đầu tiên của Việt Nam và còn kéo dài tới ngày 10/7. Ngoài phần triển lãm, nhiều hoạt động bên lề được tổ chức, bao gồm các workshop, chương trình vẽ tặng tranh hoặc các buổi tọa đàm trao đổi nghệ thuật chuyên môn dành cho khách tham quan.
"Ơ mình ở trong tranh này"!
Được thể hiện ở 2 hình thức là màu nước ứng dụng và giải phẫu học nghệ thuật, 69 tác phẩm với gần 60 nhân vật trong triển lãm Sĩ tử mang lại nhiều trải nghiệm cảm xúc cho công chúng. Ở đó, người xem không chỉ bắt gặp được nhiều khoảnh khắc, hình ảnh rất quen thuộc của những học sinh trên ghế nhà trường. Họ còn được hiểu phần nào về đời sống của các học sinh thời nay qua những đồ vật thân thuộc gắn bó với các em, cũng như được sẻ chia với các em trước những áp lực học tập trong một quãng đời quan trọng của mình.
Tác phẩm “Thầy giáo Tùng yêu học sinh vô cùng” của Nguyễn Ngọc Linh
Chẳng hạn, đó là hình ảnh "kinh điển" của những học sinh miệt mài đến gục mặt xuống bàn trong những lò luyện thi vì mệt và buồn ngủ trong tác phẩm Còn nốt ca tối. Là hình ảnh nghiêm nghị của người thầy giáo đeo kính trong Thầy giáo Tùng yêu học sinh vô cùng. Là sự yêu thích môn vẽ trong lớp ở Vẽ thêm nhiều năm nữa. Rồi, rất thú vị, trong số các tác phẩm tại Sĩ tử còn cả bức tranh Tự học, gắn với hình ảnh một ni sinh tại trường Trung cấp Phật học Hà Nội đang rất chăm chú với bài học của mình.
Một “sĩ tử” ngoài đời xem triển lãm
Hoặc, đó là cái nhìn hóm hỉnh qua việc thể hiện những đồ dùng quen thuộc của học sinh thời nay như túi đựng bút, thẻ ra vào, tai nghe, kính, ba lô có gấu gắn bông... trong tác phẩm Bất ly thân. Còn với Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe đời sống thể chất và tinh thần của các em được phản ánh một cách gián tiếp qua những bộ môn như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, cầu mây, bơi lội...
Tác phẩm “Một cách giải đề mới” của Vũ Mạnh Linh
Nhờ những nét vẽ trực họa vô cùng sống động của các họa sĩ, không ít những học sinh khi đến triển lãm đã ngạc nhiên khi nhận ra bóng dáng hoặc câu chuyện quen thuộc của mình trong các bức vẽ - tới mức có bạn còn ồ lên: "Ơ, mình ở trong tranh này!". Tương tự, nhiều bạn lại lấy làm thích thú bởi "bộ sưu tập" các học liệu, đồ dùng học tập được vẽ và xử lý màu sắc sinh động, bắt mắt, có hồn.
"Cái khó với chúng tôi là việc phải vẽ nhanh, ghi chép thông tin thời sự nhưng vẫn cần miêu tả được cảm xúc của các emqua bút vẽ" - họa sĩ Thùy Anh.
Trực họa bằng trí nhớ và cảm xúc
7 họa sĩ của dự án đếntừ 2 bộ môn Màu nước ứng dụng và Giải phẫu học nghệ thuật của Trung tâm Đào tạo nghệ thuật Nhau Studio. Họ là Nguyễn Ngọc Linh, Vũ Mạnh Linh, Lê Thị Thảo Vân, Hồng Phúc, Thùy Anh, Trần Thị Chiêm và Phạm Tiến Hưng.
Tác phẩm “Còn nốt ca tối” của Nguyễn Ngọc Linh
Để thực hiện được các tác phẩm này, nhóm họa sĩ đã đến các trường trung học phổ thông tại Hà Nội như trường Ban Mai, trường Chuyên ngữ 1, trường Thượng Cát, Trung cấp Phật học Hà Nội… cũng như các trung tâm luyện thi để trực họa. Tại đây, họcòn có dịp trò chuyện cùng các bạn sĩ tử trong những ngày chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng và lắng nghe nhiều cảm xúc, suy nghĩ, chia sẻ... khác nhau.
Tác phẩm “Tu học” của Lê Thị Thảo Vân
Như lời kể, khi vẽ những tác phẩm, các họa sĩ đã trực họa trong thời gian rất ngắn. Thường họ chỉ mất từ 5-10 phút và gần như không chỉnh sửa khi vẽ trực tiếp bằng bút mực không tẩy xóa. Để "tốc ký" bằng những đường nét của hội họa, các họa sĩ đã phải ghi nhớ nhanh và kỹ tất cả các chi tiết của chủ thể và thực họa ngay tại chỗ. Điều này không chỉ đảm bảo tính thời sự của tác phẩm mà còn thể hiện khả năng của người cầm bút: Vẽ bằng cả trí nhớ, chuyên môn và tình cảm.
Tác phẩm “Bất ly thân” của Hồng Phúc
Dù vậy, theo chia sẻ của họa sĩ Thùy Anh, đại diện Nhau Studio, các họa sĩ của dự án không hề gặp khó khăn khi tiếp cận các lò luyện thi hay các trường học để thực hiện các tác phẩm.
"Trộm vía, chúng tôi được các thầy cô và các em học sinh ở các trường rất ủng hộ dự án này. Các thầy cô chỉ yêu cầu chúng tôi không được làm ảnh hưởng đến việc học trong lớp của các em. Còn giờ ra chơi chúng tôi giao lưu với các em học sinh rất thoải mái" - họa sĩ Thùy Anh kể - "Tất nhiên có những em cởi mở, thích trò chuyện. Và có cả những em ngại tiếp xúc, nên trong một số bức tranh chúng tôi vẽ các em vẫn đeo khẩu trang như ngoài đời".
Nguyễn Thùy Anh tại workshop của triển lãm
Kể thêm, Thùy Anh cho biết: Các họa sĩ không có sẵn chủ đích sẽ vẽ ai hay chọn tư thế nào của các em để vẽ. Thường họ sẽ nhìn một cách bao quát và có những giây phút mình bị thu hút hay ấn tượng bởi một hành động, cử chỉ nào đó của các em, và cầm bút trực họa luôn.
"Tuy nhiên cái khó với chúng tôi là việc phải vẽ nhanh, ghi chép thông tin thời sự nhưng vẫn cần miêu tả được cảm xúc của các em qua bút vẽ"- cô chia sẻ- "Ngoài ra, việc sử dụng màu sắc không như thực tế nhưng lại thể hiện được tâm hồn của tuổi học sinh với những mộng mơ, bay bổng cũng chính là cách các họa sĩ thể hiện cảm xúc của mình trong từng tác phẩm".
Là đơn vị đồng hành cùng sự kiện, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám bày tỏ: "Như các phụ huynh, chúng tôi luôn đặt niềm tin và hy vọng vào các sĩ tử của thế hệ hôm nay. Mong rằng với những nỗ lực, miệt mài học tập, chủ động, tự chủ, sáng tạo, các em sẽ sớm trở thành những người có ích cho gia đình và cộng đồng".
Vài nét về Nhau Studio
Ra đời cách đây 2 năm, Nhau Studio là tổ chức giáo dục nghệ thuật 2 bộ môn Giải phẫu học nghệ thuật và Màu nước ứng dụng do họa sĩ Vũ Mạnh Linh và Nguyễn Thùy Anh đồng sáng lập. Ngoài giảng dạy tại Nhau Studio, Mạnh Linh và Thùy Anh còn giảng dạy tại các trường học cũng như thường xuyên tham gia triển lãm tranh cùng các họa sĩ tại Hà Nội.