Chuyên mục  


Dịch giả, nhà thơ Nguyễn Hữu Thăng luôn khiêm tốn chỉ nhận mình là "dân nghiệp dư" trong công việc dịch thuật, đặc biệt là dịch thơ chữ Hán. Thế nhưng, ông lại có được những thành tựu đáng nể với công việc này - mà gần nhất là giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2024.

Giải thưởng này được trao cho tập thơ dịch song ngữ 10 nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Hữu Thăng. Trước đó, năm 2019, ông cũng từng được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ dịch Kiếm Hồ hoài cổ (thơ chữ Hán danh nho Việt Nam).

Tình yêu với văn chương, dịch thuật

Những giải thưởng là sự ghi nhận xứng đáng cho công sức, tâm huyết của dịch giả Nguyễn Hữu Thăng đối với công việc dịch thơ vốn đòi hỏi lắm công phu. Ví như ở tập 10 nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc, tác giả đã tuyển chọn trên 100 bài thơ của 10 nhà thơ nổi tiếng đương đại Trung Quốc, từng được nhiều trang mạng bầu chọn khá tập trung, nhất quán. Những nhà thơ và bài thơ được giới thiệu mang tới cái nhìn khá toàn diện về thành tựu của thơ đương đại Trung Quốc.

Dịch giả Nguyễn Hữu Thăng (thứ 2 từ trái sang) nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2024

Theo Nguyễn Hữu Thăng, thơ đương đại Trung Quốc còn được gọi là "thơ bạch thoại", tức thơ sử dụng ngôn ngữ hiện đại, khác với ngôn ngữ cổ (văn ngôn).

"Thơ bạch thoại thực ra đã xuất hiện từ cuối triều đại nhà Thanh. So với thơ cổ tuy đều là thơ cảm tác trước sự vật hiện tượng nào đó, nhưng thông thường không còn gò bó bởi niêm luật, vần điệu, quan tâm nhiều đến vận dụng tu từ" - ông  cho hay - "Thơ đương đại Trung Quốc chịu ảnh hưởng các trường phái thơ hiện đại phương Tây, có hình thức tự do, nội hàm phong phú…".

Cũng theo ông, thơ đương đại Trung Quốc có hàng trăm trường phái. Có trường phái trở thành trào lưu một thời. Cụ thể, những năm 20 thế kỷ trước có trường phái thơ Thường thức, thơ Luật mới (phái Tân nguyệt); những năm 30 có thơ Hiện thực, thơ Hán viên; những năm 40 - 50 có phái Tân thi, phái Cửu diệp, Chủ nghĩa hiện đại mới; những năm 70 - 80 có phái Mông lung, Tân Biên giới, Sinh viên, Thế hệ thứ ba…; những năm 90 có Thơ trên mạng, Dân gian, Chủ nghĩa thông tin. Và đến những năm đầu thế kỷ 21 có Hạ bán thân, Linh tính…

thodich-1736812937189553806390.jpg

Tập thơ dịch song ngữ “10 nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc” (NXB Hội Nhà văn) đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2024

Đọc 10 nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc, ta dễ thấy những trường phái thơ này được làm sáng rõ thông qua những tên tuổi tiêu biểu. Bởi, hầu hết các nhà thơ được Nguyễn Hữu Thăng chọn dịch đều là "thủ lĩnh" sáng lập, là nòng cốt của một trào lưu thơ nổi bật đương thời. Bằng những lựa chọn mang tính đại diện này, theo dịch giả, bạn đọc sẽ hiểu thêm về bức tranh toàn cảnh của nền thi ca hiện đại Trung Quốc.

Thực tế, trước 10 nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc, gia tài dịch thơ chữ Hán của dịch giả Nguyễn Hữu Thăng còn có nhiều tác phẩm đồ sộ khác. Đó là, Thơ danh nhân Thái Thuận (NXB Văn học, 2017); Thơ chữ Hán danh nho Việt Nam (NXB Hội Nhà văn, 2017); Thơ Đường tuyển dịch (NXB Hội Nhà văn, 2017); Kiếm Hồ hoài cổ (NXB Hội Nhà văn, 2019); Thơ chữ Hán Hoàng Nguyễn Thự (NXB Hội Nhà văn, 2022)…

kiemho-1736812937247808451161.jpg

Cuốn “Kiếm Hồ hoài cổ” đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019

Nhìn vào gia tài này, Nguyễn Hữu Thăng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của mình đối với thơ chữ Hán của các danh nho Việt Nam. Tiêu biểu trong số này phải kể tới tập Kiếm Hồ hoài cổ (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019). Đây là tuyển tập 200 bài thơ quý của các vị vua, các nhà khoa bảng từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn chưa từng được dịch ở bất cứ cuốn sách nào trước đó.

Đặc biệt, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng còn cho biết, thống kê một cách tương đối đến nay ông đã dịch khoảng gần 1.000 bài thơ của các danh nho Việt Nam trong lịch sử, gồm cả sách đã xuất bản và bản thảo.

"Có hàng nghìn, hàng vạn bài thơ chữ Hán của ông cha chưa được dịch ra thơ, chỉ có một số ít bài được dịch nghĩa. Đó là một món nợ của chúng ta" - dịch giả Nguyễn Hữu Thăng.

Nỗi niềm với "kho báu" di sản thơ ca

Tâm huyết dịch thơ chữ Hán là thế, nhưng không phải ai cũng biết Nguyễn Hữu Thăng đã bắt đầu công việc này từ những năm tháng sinh viên.

"Tôi học khoa Trung Văn, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) từ năm 1968 - 1972. Ngay từ thời sinh viên tôi đã bắt đầu dịch thơ chữ Hán được khoảng 70 bài thơ cổ. Ngày đó, các bạn trong lớp vẫn thường gọi vui tôi là "ông đồ", vì tôi còn sáng tác cả câu đối" - ông kể - "Sau khi ra trường, tôi làm nhiều công việc, bộn bề thời gian nên không có điều kiện để tập trung vào công việc dịch thuật. Khi đang công tác, tôi có tác phẩm dịch đầu tiên được xuất bản là Tuyển tập ngụ ngôn hiện đại Trung Quốc (1992). Và, thỉnh thoảng, tôi vẫn dịch thơ".

caulacbo-1736812937170701945118.jpg

Dịch giả Nguyễn Hữu Thăng (phải) hiện đang là Chủ nhiệm CLB Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội

Phải đến năm 2013, khi nghỉ hưu, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng mới có thời gian chuyên tâm cho đam mê dịch thuật của mình. Ông tham gia các CLB giao lưu, sáng tác câu đối, dịch thơ. Thời gian này, ông sáng tác và dịch thơ nhiều hơn. Đến nay, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng đã có khoảng hơn 10 đầu sách văn học dịch, và khoảng 40 sách dịch khoa học thường thức. Trong đó, có nhiều đầu sách được tái bản nhiều lần.

Dịch giả Nguyễn Hữu Thăng vẫn luôn tâm niệm, dịch thuật là công việc tay trái nhưng ông may mắn có được sự ghi nhận ở các giải thưởng uy tín. "Những thành quả này khiến tôi vô cùng tự hào bởi tôi vẫn cho mình là dân nghiệp dư. Tôi không học chuyên ngành về văn học. Tôi làm công việc này chỉ bằng tình yêu với văn chương, dịch thuật" - ông bộc bạch.

Đặc biệt, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng còn tiết lộ về khoảng thời gian ông làm phóng viên thường trú TTXVN tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ông bộc bạch: "Đây là quãng thời gian rất quý báu đối với tôi. Ở đó, tôi có điều kiện để trau dồi vốn ngôn ngữ. Tôi có điều kiện để tiếp xúc với các nhà thơ, nhà văn của Trung Quốc. Chính điều kiện này đã trở thành nền tảng để tôi hoạt động dịch thuật tốt hơn".

Dành nhiều thời gian chuyên tâm với công việc nghiên cứu, dịch thuật, đặc biệt là công việc dịch thơ chữ Hán, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng luôn đau đáu nỗi niềm làm sao để di sản thi ca của ông cha tiếp tục được giữ gìn và lan tỏa. Để làm được điều này, theo ông mỗi bài thơ được dịch phải có sự hấp dẫn, đáp ứng các tiêu chí của công việc dịch thơ.

Như ông quan niệm: "Bản thân khái niệm dịch thơ đã bao gồm 2 tiêu chí là dịch và thơ. Trong đó, dịch thì phải chính xác, dễ hiểu, trung thành với nguyên tác về nội dung và hình thức, đảm bảo các nguyên tắc dịch thuật. Còn thơ chính là chất thơ, phải có hình ảnh thơ, phải có nhịp điệu, mang đến những rung cảm cho người đọc trong bản dịch".

Mặt khác, theo ông Thăng, cần phải thấy rõ được bối cảnh xã hội ra đời của bài thơ, đặc điểm tư tưởng, tâm lý, phong cách thơ của từng tác giả, ý tứ sâu xa của nguyên tác... để lựa chọn thể loại thơ dịch hợp lý, đảm bảo dịch đúng, dịch hay theo tiêu chí "tín - đạt - nhã" cho thành công của bài thơ dịch.

trungquoc-17368129372381483452565.jpg

Dịch giả Nguyễn Hữu Thăng (trái) từng làm phóng viên thường trú TTXVN tại Bắc Kinh (Trung Quốc)

Dịch giả Nguyễn Hữu Thăng còn nêu một thực tế: Hiện nay số người dịch thơ chữ Hán, thơ cổ rất ít. Trong khi, ông cha ta đã để lại một "kho báu" văn học Hán ngữ trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. "Có hàng nghìn, hàng vạn bài thơ chưa được dịch ra thơ, chỉ có một số ít bài được dịch nghĩa. Đó là một món nợ của chúng ta đối với ông cha" - ông giãi bày.

Với mong muốn để nhiều người đọc biết đến "kho báu" văn học chữ Hán của ông cha để lại, trong nhiều năm qua, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng dành nhiều thời gian dịch thơ của các danh nho Việt Nam trải qua nhiều triều đại từ Lý - Trần đến Nguyễn. Ông đều đặn ra sách mỗi năm, mỗi tập sách lúc nào cũng dày cả vài trăm trang.

 Ông bày tỏ: "Làm công việc này, tôi luôn có cảm giác hết sức hào hứng, có khi say mê dịch quên giờ giấc. Tôi có thói quen thường dậy rất sớm. Sự yên tĩnh buổi sáng chính là thời gian dịch hiệu quả".

Dịch giả Nguyễn Hữu Thăng còn tiết lộ, hiện nay ông đã có trong tay khoảng 4 bản thảo dịch thơ chữ Hán. Trong đó, có 2 bản thảo về thơ của danh nho Việt Nam gồm 1 bản thảo khoảng 200 bài thơ ca ngợi Hà Nội và 1 bản thảo gần 300 bài thơ của các nhà nho ở các thời đại khác nhau chưa ai từng dịch.

Vài nét về dịch giả Nguyễn Hữu Thăng

Nguyễn Hữu Thăng sinh năm 1951, là một cựu chiến binh, nhà báo, nhà thơ, dịch giả, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nguyên quán ở Bắc Ninh, sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Phúc, hiện đang sống ở Hà Nội. Ông từng là phóng viên thường trú TTXVN tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và hiện là chủ nhiệm CLB Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội.

AI không thể 'thế chỗ' dịch giả

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020