Chuyên mục  


cayxanhmaula.jpgBuổi công chiếu phim tài liệu "Cây Linden mùa xanh lá" tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tối 19/10. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)

Sau khi được phát sóng trên chương trình VTV đặc biệt của Đài truyền hình Việt Nam, phim tài liệu "Cây Linden mùa xanh lá" vừa chính thức ra mắt cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

Tối 19/10, tại thủ đô Paris, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức buổi chiếu phim tài liệu đặc biệt này với sự tham dự của đông đảo bà con Kiều bào cùng cán bộ nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Pháp.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Đại sứ-Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân và nhà biên kịch Nguyễn Mỹ Linh, tác giả của cuốn phim đã có mặt trong buổi trình chiếu.

Phim kể về lịch sử hình thành của nhà tòa Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, ngôi nhà số 62 phố Boileau ở quận 16 Paris.

Được dẫn dắt bởi những câu chuyện được các nhân chứng kể về lịch sử ngôi nhà, bộ phim đưa người xem về với một thời hào hùng của dân tộc Việt Nam, thời mà bên cạnh các nhà ngoại giao Việt Nam, còn có bà con Kiều bào và bạn bè tại Pháp luôn nỗ lực ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đạt được hòa bình, xây dựng vị thế của một đất nước nhỏ bé, một chính phủ non trẻ trong bối cảnh ngoại giao phức tạp ở những năm 1970.

Và đến tận 50 năm sau, những kiều bào lão thành và cả những người bạn Pháp ngày đó vẫn dành cho Việt Nam tình cảm nguyên vẹn thủy chung không hề đổi thay, như "Cây Linden mùa xanh lá."

[Gặp gỡ những người gieo mầm Tiếng Việt nơi phương xa]

Xin phép xây dựng năm 1973, khởi công năm 1975 và khánh thành năm 1977, ngôi nhà không chỉ là biểu tượng của mối quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp, nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng nền ngoại giao nhân dân, mà còn là biểu tượng của tình yêu quê hương đất nước của đồng bào Việt Nam tại Pháp, trong đó chủ yếu là đóng góp của các hội viên hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp lúc ấy (nay là Hội người Việt Nam tại Pháp-UGVF), được thể hiện bằng tình cảm và vật chất suốt chiều dài thế kỷ.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, nhà biên kịch Nguyễn Mỹ Linh cho biết chị đã rất may mắn khi được Đại sứ Đinh Toàn Thắng gợi mở ý tưởng làm phim về tòa nhà, được tiếp cận với những tư liệu, hồ sơ quý về quá trình thiết kế và xây dựng, và cả nội dung những cuộc thương thuyết giữa phái đoàn Việt Nam tại Pháp với chính quyền Paris, cũng như nội dung công việc của kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa.

Nhà biên kịch Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ: "Quá trình làm phim mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc, đặc biệt là khi đọc những tư liệu đó, và đối với tôi đây là một sự may mắn."

Nói về dự định trong tương lai, chị Mỹ Linh cho biết, sắp tới phim sẽ được chuyển thể sang tiếng Pháp để giới thiệu tới các thế hệ thứ hai, thứ ba của bà con Việt kiều tại Pháp, giúp họ hiểu được những đóng góp và hy sinh của các thế hệ trước đối với đất nước Việt Nam.

Nói về ý tưởng làm cuốn phim, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết ông đã hun đúc ý tưởng này từ lâu. Đại sứ cho rằng cần phải làm một bộ phim tư liệu trong năm nay để ghi lại dấu ấn của tòa nhà 62 phố Boileau, nơi đã là trụ sở của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp trong rất nhiều năm, trước khi tiến hành dự án cải tạo và xây dựng mới trụ sở.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và cũng là 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Chặng đường quan trọng này đã để lại nhiều dấu ấn và cũng trùng hợp với "tuổi đời" của tòa nhà.

Bên cạnh đó bộ phim cũng nhằm mục đích bày tỏ sự tri ân tới những người đã thiết kế xây dựng và giữ gìn tòa nhà này trong hơn 50 năm qua, các thế hệ cán bộ ngoại giao đã từng công tác tại đây và những người đóng góp cho lịch sử nước nhà, lịch sử đối ngoại của dân tộc.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: "Có thể nói, bộ phim đã phác họa việc xây dựng tòa nhà 50 năm trước, đồng thời phác họa nhiều nét lớn trong lịch sử đất nước, trong nền đối ngoại của Việt Nam, cũng như trong sự phát triển của phong trào người Việt tại Pháp. Nhờ có những đóng góp vô cùng to lớn này, đất nước ta và nền ngoại giao Việt Nam đã có được những thành tựu to lớn như hôm nay."

Bộ phim đã để lại nhiều xúc động trong lòng người xem. Sau buổi chiếu, khán giả đã có dịp lắng nghe những chia sẻ của tác giả kịch bản phim và tâm sự của nhiều bà con kiều bào về những kỷ niệm gắn bó của họ với tòa nhà 62 phố Boileau.

Bác Siriphanthong Vanna, một Việt kiều tại Pháp, cho biết thời đó nhiều bà con kiều bào trong các hội đoàn đã tham gia đóng góp cả công sức và vật chất vào quá trình xây dựng ngôi nhà. Bác Vanna cho rằng bộ phim tài liệu đã giúp lưu giữ lại ký ức về tòa nhà.

Mặc dù không biết nhiều về lịch sử tòa nhà, bạn trẻ Trần Nguyễn Minh Đăng, một du học sinh Việt Nam hiện đang theo học tại Đại học Kiến trúc Versailles, vẫn cảm thấy vui khi hiểu thêm được một phần lịch sử Việt Nam trên đất nước Pháp, cảm thấy tự hào và muốn noi theo những tấm gương của thế hệ trước để cố gắng phấn đấu trên con đường học tập của mình.

Tòa nhà 62 phố Boileau sẽ được tháo dỡ trong thời gian tới, sau đó sẽ được thay thế bằng một công trình mới khang trang và hiện đại hơn.

Bộ phim "Cây Linden mùa xanh lá" sẽ là một kho tư liệu quý giá lưu giữ một giai đoạn hào hùng của nền ngoại giao Việt Nam, cũng như thành quả của nửa thế kỷ quan hệ hữu nghị và 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Pháp./. 

Nguyễn Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020