Chuyên mục  


Khi “cắm sừng”, “kéo khóa quần” cũng vào bài hát

Đã có không ít bài hát, dù ca từ đời thường, bình thường, nhưng phản ánh đúng tinh thần, tâm tính của giới trẻ cũng như được một bộ phận người nghe “thấy mình trong đó”, như Vợ người ta (Phan Mạnh Quỳnh), Trên tình bạn dưới tình yêu (Khắc Hưng), hay “Khi hai ta về một nhà/Khép đôi mi cùng một giường/Đôi khi mơ cùng một giấc/Thức giấc chung một giờ...” (Một nhà, Dalab)... Tuy nhiên, khi đưa ngôn ngữ nói đời thường vào bài hát, biến những xu hướng thịnh hành thành ca từ, vấn đề đặt ra là người viết phải làm sao để chúng trở nên dễ nghe, chạm được cảm xúc chứ không phải lạm dụng tính thực tế rồi gọi đó là “phong cách”.
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền không ít status có nội dung nhắc đến những câu sau: “Cơm sườn hay bún mắm. Anh muốn ăn cơm sườn hay bún mắm. Cơm sườn ba mươi ka, bún mắm thì bốn mươi ka, bốn mươi ka no baby”. Đó là lời chế lại từ ca khúc Cắm sừng ai đừng cắm sừng em (RIN9), một sản phẩm đánh dấu sự lấn sân ca hát của Phí Phương Anh - quán quân The Face 2016.
Không thể hiểu những câu chữ như thế này được vang thành câu hát: “Cắm sừng ai thì cắm chứ anh đừng cắm sừng em cắm sừng em no baby... Sừng không tự nhiên sinh ra. Sừng không tự nhiên mất đi, mà chỉ là chuyển từ đầu người này sang đầu người khác”. Chưa kể đến đoạn rap thì nội dung còn “hết hồn” hơn: “Lòng chung thủy của người đàn ông đôi khi thật là mong manh, như là cái khóa kéo quần của anh ta phải không”. Ngay dưới kênh phát hành ca khúc “cắm sừng” này, hiển thị lượt like là 48.000, dislike 146.000. Còn bình luận phía dưới cũng cho thấy sự phẫn nộ của người lỡ bấm vào nghe: “Dislike còn nhiều hơn like khác gì thất bại của âm nhạc”, “Thật là xúc phạm người nghe. Cẩu thả từ giai điệu đến ca từ. Nhố nhăng và lố bịch”, “Nhà văn Nam Cao đã từng viết: Sự cẩu thả trong bất kỳ nghề nào cũng là sự bất lương rồi, nhưng sự cẩu thả trong văn học nghệ thuật thì thật là đê tiện”.

Hình ảnh một số sản phẩm âm nhạc có ca từ khiến người nghe... hết hồn

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Một số bài hát khác (cũng là câu hát trong bài), nghe qua cứ như văn nói, như một kiểu dịch lại từ tiếng Anh: Sao anh không ăn?, Em hơi mệt với bạn thân anh, Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu, Mất trí nhớ, Vô duyên, Hết hồn… Theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: “Trong sáng tác, người có kiến thức hay lòng tự trọng tối thiểu về văn học, về tiếng Việt có lẽ sẽ không đặt tên bài hát kiểu tối nghĩa, trần trụi được. Đôi khi các bạn bắt chước cách đặt tên bài hát Âu, Mỹ; nhưng tiếng Anh khác, khi chuyển sang tiếng Việt lại khác. Tên bài hát tiếng Anh có thể trần trụi nhưng khi qua tiếng Việt thì không thể, đó là sự khác nhau của đặc trưng văn hóa - ngôn ngữ”.

Đáng buồn khi âm nhạc bị nhiễm độc

Nghe những “bài hát” mà như phản ánh chuyện tình yêu một cách trần tục và có giai điệu ấy, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng có lẽ những ai quan tâm đến cộng đồng, đến sự phát triển chung của văn hóa xã hội, đặc biệt là quan tâm đến giới trẻ hiện nay, sẽ rất buồn với kiểu ca từ như thế. “Nó chẳng khác nào văn nói, với những hình tượng không thể gọi là nghệ thuật. Đúng hơn, đó là suy nghĩ của người viết trẻ, rồi mượn những nốt nhạc để thể hiện. Nó nằm ngoài sứ mệnh của một tác phẩm âm nhạc”, anh nhìn nhận. Với anh, ca từ trong ca khúc Việt Nam mỗi giai đoạn có những nét riêng, song về cơ bản ca từ là một thành tố quan trọng trong một tác phẩm âm nhạc, vì thế nó phải mang tính nghệ thuật, phải toát lên được nét đẹp tâm hồn, dù nét đẹp đó là vui hay buồn.
Nhiều ý kiến cho rằng với những chính sách cởi mở trong quản lý văn hóa nghệ thuật ở giai đoạn hiện nay, các nghệ sĩ được thoải mái tự do sáng tạo nghệ thuật và tự do phát hành - lan tỏa sản phẩm nghệ thuật của mình mà không vướng phải bất kỳ sự kiểm soát nào của cơ quan chức năng. “Song, không vì vậy mà các nghệ sĩ, đặc biệt nghệ sĩ trẻ, muốn viết sao thì viết, từ nội dung không có ý nghĩa đến ca từ gợi lên những hình ảnh thô tục hoặc không đúng với những giá trị chuẩn mực cơ bản trong quan niệm về thuần phong mỹ tục của người Việt”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận định. Theo anh, “nên hạn chế việc sử dụng ca từ thiếu hình tượng nghệ thuật, cần hạn chế sử dụng ca từ gợi những hình ảnh thiếu lành mạnh và tuyệt đối tránh dùng từ kích động bạo lực hay diễn tả một cách trực tiếp những hình ảnh quan hệ tình dục vì những điều này là vi phạm pháp luật”.
Ở góc độ khác, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh trăn trở: “Có người nói hơi đâu mà lo! Cứ để quy luật cung cầu tự điều tiết. Nhưng, chúng ta lo sợ khi thực phẩm bẩn, e ngại khi không khí ô nhiễm, tôi cho rằng những thứ đó chẳng là gì khi âm nhạc bị nhiễm độc, tâm hồn xuống cấp…”.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020