Chuyên mục  


Theo Takungpao, cổ vật hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Cố cung, Trung Quốc, là ấn của hoàng hậu hiếm hoi được biết đến. Bởi ở các triều đại trước, ấn thường bị nung chảy để chế tác cái mới.

Ấn tượng trưng cho ngôi vị hoàng hậu. Ảnh: DPM

Bảo vật cao 10 cm, khối vuông ở đáy kích thước 14×14 cm. Nghệ nhân chạm trổ hình hai con rồng hợp làm một, chữ khắc là "Hoàng hậu chi bảo". Ấn được triều đình trao cho Uyển Dung dịp đại lễ thành hôn với Phổ Nghi năm 1922. Lúc này, Phổ Nghi đã bị buộc thoái vị nhưng theo điều kiện ưu tiên mà hoàng thất nhà Thanh ký với chính phủ Dân Quốc, Phổ Nghi không phải bỏ đế hiệu và tiếp tục sống trong Tử Cấm Thành, sinh hoạt theo nếp cũ.

Đại lễ thành hôn của Phổ Nghi và Uyển Dung tuân thủ nghi lễ của tổ tiên. Ngày Uyển Dung được phong hoàng hậu, bà được giao ấn Hoàng hậu chi bảo. Triều Thanh quy định nghiêm ngặt với việc chế tác bảo vật cho hoàng hậu, phải qua nhiều lần thẩm duyệt mới hình thành.

Ấn tượng trưng cho thân phận và địa vị hoàng hậu, chỉ có hiệu lực khi đã cử hành lễ tấn phong. Sau đó, vật phẩm được cất giữ trong cung hoàng hậu. Năm ngoái, bảo vật của Uyển Dung được triển lãm tại Bảo tàng văn hóa Cố Cung Hong Kong.

Ấn "Hoàng hậu chi bảo". Ảnh: DPM

Khi được trao ấn, Uyển Dung 17 tuổi, bằng tuổi Phổ Nghi. Để có được ngôi vị, bà trải qua nhiều vòng tuyển chọn. Khi triều đình công khai tin chọn hoàng hậu, các gia tộc bề thế thi nhau tìm cách tiếp cận. Lúc đó, Tái Thọ - chú của Phổ Nghi - phụ trách tổng hợp thông tin về chuyện thành thân.

Hai người được "đưa lên bàn cân" là Uyển Dung và Văn Tú. Phụ nữ trong cung đều đua tranh để giúp cô gái họ ưu ái được lên ngôi, nhằm củng cố thế lực trong cung. Cuối cùng, Phổ Nghi chọn Uyển Dung, Văn Tú được phong làm Thục Phi.

Tháng 10/1922, Phổ Nghi sai gần 1.000 người đến làm lễ nạp tài tại nhà của Uyển Dung ở Bắc Kinh, hơn 100 kiệu chứa lễ vật được trao cho cha của Uyển Dung.

Uyển Dung và Phổ Nghi, hình chụp năm 1922. Ảnh: The Paper

Sau đại lễ thành hôn, Uyển Dung nhập cung, sống trong Trữ Tú cung - nơi Từ Hy thái hậu từng ở. Bà chỉ sống trong Tử Cấm Thành hai năm. Năm 1924, Phùng Ngọc Tường gây chính biến ở Bắc Kinh, Phổ Nghi, hoàng hậu Uyển Dung và Thục phi Văn Tú đều bị đuổi khỏi cung. Từ đó, cả vua và hoàng hậu trải qua nhiều phong ba bão táp. Theo Ifeng, trong tự truyện Nửa đời trước của tôi của Phổ Nghi, ông nhắc chuyện Uyển Dung nghiện thuốc phiện, ngoại tình. Bà còn trở thành công cụ trong tay anh trai, bị anh trai bán đứng cho người Nhật Bản. Uyển Dung chết trong tù ở tỉnh Cát Lâm năm 1946, không một người thân, người bạn nào bên cạnh.

Như Anh (theo Takungpao)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020