Tuần trước, Băng Di và bạn trai có chuyến vi vu Đà Lạt cùng nhóm bạn thân. Cô cắm trại qua đêm trong rừng thông, tận hưởng giây phút bình yên, tránh xa ồn ào nơi phố thị. Sau đó, nữ diễn viên cùng bạn bè trải nghiệm vượt thác Datanla - trò chơi mê hoặc người ưa mạo hiểm. Băng Di chia sẻ với Ngoisao.net, do ảnh hưởng của dịch nên lượng người đi nghỉ dưỡng vốn đã giảm mạnh, số người tham gia những loại hình du lịch này càng ít hơn. Thậm chí, công ty mà cô đăng ký tour phải cắt nhiều nhân sự vì không có khách. Thế nên, năm nay Băng Di ưu tiên những kiểu tour kén người đi nhất. Cô muốn thông qua hình ảnh từ chuyến đi của mình truyền cảm hứng đến người yêu du lịch, đồng thời ủng hộ loại hình du lịch thể thao đang gặp khó khăn, giúp ngành du lịch Việt Nam nhanh phục hồi.
Băng Di và bạn trai check-in trước lều. |
Tour vượt thác của Băng Di bắt đầu từ 8h30 đến 16h, bao gồm 6 thử thách theo nhiều cấp độ tại khu vực thác Datanla, chèo thuyền kayak trên hồ Tuyền Lâm. Để chuyến đi diễn ra suôn sẻ, cả nhóm tập trung từ sớm học đu dây, nghe hướng dẫn kỹ thuật. Sau khi học, huấn luyện viên và chính bản thân bạn sẽ tự đánh giá mình đủ sức đi hay không. Bạn có thể dừng cuộc chơi ngay từ đầu nếu cảm thấy không khỏe.
Diễn viên Gạo nếp gạo tẻ tiết lộ cô là người rất nhát gan, sợ độ cao, sợ bị chìm dưới nước vì bơi không giỏi. Trước đây, cô không dám mạo hiểm. Rồi một ngày, cô tự hỏi không lẽ cả đời phải sống với nỗi sợ, vì sao không vượt qua nó? Băng Di bắt đầu chơi thể thao hạng nặng, trekking rừng, thám hiểm hang Tú Làn, tham gia Cuộc đua kỳ thú... và cảm thấy tự tin hơn. Nhờ vậy mà trước khi lên đường, nữ ca sĩ gần như không lo lắng gì, chỉ mong mau đến ngày được chơi. Tuy yếu tố mạo hiểm trong trò này nhiều, nhưng người làm tour đã tính toán kỹ nên cô khá yên tâm. "Vả lại, người hơn 70 tuổi vẫn có thể chơi, không lẽ người trẻ lại không chơi được" - Băng Di hào hứng kể.
Team của Băng Di chụp ảnh trước khu vực nguy hiểm. |
Hoàn tất training, cả nhóm trekking đến khu thử thách đầu tiên, dễ nhất. Người chơi xuống mỏm đá có ít nước chảy, chủ yếu để làm quen với kỹ thuật đu dây. Tiếp đến, khách tiến vào khu vực nguy hiểm, có bảng cấm người ngoài. Đằng sau cánh cổng là địa hình hoang sơ, yêu cầu kỹ năng đu dây, thả tự do với zipline. Độ khó tăng dần. Đá trơn, lượng nước trên thác lớn hơn nhưng mọi người thực hiện khá suôn sẻ.
Nhóm trekking qua nhiều đoạn đường nước suối chảy xiết, phải bám vào dây mà đi, rồi băng qua rừng rậm đến với thử thách thứ 3 là đường trượt nước tự nhiên. Băng Di ví trò này là phiên bản nâng cấp của trượt ống trong công viên nước. Cô trượt xuôi, trược ngược, không quá khó khăn nhưng lại bị uống nước. Buổi trưa, nhóm nghỉ tại bãi trại trên đỉnh thác, dùng bữa với bánh mì chả, trái cây...
Thử thách thứ 4 khó nhằn. Nhóm chia ra hai người một lần, cùng đu dây leo xuống và nhảy tự do khi đi đến 2/3 con thác. Hôm trước, Đà Lạt mưa to nên nước chảy mạnh khiến cánh đàn ông cũng té lên té xuống. Băng Di bị trượt chân giữa đường, trên đầu nước xối xả, táp mạnh vào mặt đến nỗi cô không thể nhìn thấy bạn trai dù anh ngay bên cạnh. Chân loạng choạng tìm chỗ bám. Có lúc cô không thở được vì nước đập vào mặt. Loay hoay một hồi, cô mới vượt qua được.
Băng Di đu dây ở chặng đầu. |
Tiếp đến, Băng Di nhảy tự do không có dây bảo hiểm từ vách đá xuống nước. Lần đầu tiên cô sợ hãi, không dám nhảy và muốn bỏ cuộc. Thế nhưng thấy mọi người đều nhảy, nên cô làm liều, vừa nhảy vừa hét cho đỡ sợ. Rốt cuộc lại cảm thấy rất sảng khoái. Người đẹp leo lên, nhảy xuống lần nữa. Đoạn đường đi đẹp nhưng phải cẩn thận vì dễ té. Thiên nhiên được bảo tồn, không có cầu hay lối đi nhân tạo. Cả đoàn phải vượt địa hình tự nhiên.
Thử thách cuối cùng, cô đặt tên là vượt "thác máy giặt" vì nguồn nước chảy xuống tạo thành cú lốc xoáy. Người chơi leo tới đoạn cần nhảy thì sẽ buông dây ra để cuốn theo dòng nước. Đoạn này khiến cô "chết khiếp" bởi lúc rơi xuống dưới, bạn sẽ bị nước nhấn chìm một lúc. Dù chưa tới một phút nhưng thời gian như kéo dài vô tận.
Băng Di và bạn trai Justin Chiem vượt con thác dữ. |
Sau đó, cả nhóm trekking đường rừng ra ngoài. Tổng đoạn đường trekking khoảng 10 km. Cô cùng bạn trai chèo thuyền kayak trên hồ Tuyền Lâm. Hoàn thành chặng đường, người chơi được tặng chứng nhận đã vượt tất cả thử thách. Đối với Băng Di, điều này rất có ý nghĩa bởi cô đã vượt qua nhiều nỗi sợ của bản thân.
Theo kinh nghiệm của Băng Di, kiểu du lịch này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Cô chơi ngay mùa mưa, nước mạnh nhưng may mắn trời nắng nhẹ, trong xanh, dễ chịu. Mặt khác, đa số những trò này đều được tổ chức những nơi còn hoang sơ, trong rừng nên bạn có cơ hội ngắm sao, cảm thấy yêu những điều đến từ tự nhiên nhiều hơn. Bạn sẽ nhận ra con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên, hiểu được thiên nhiên rất đẹp nhưng nguy hiểm. Và việc bảo vệ thiên nhiên cũng rất quan trọng.
Băng Di trượt thác. |
Băng Di gợi ý bạn nên đi nhóm đông cho vui. Cắm trại thì phải có hoạt động cộng đồng, đốt lửa trại, còn internet, mạng điện thoại thì chập chờn nên giúp mọi người tương tác, quan tâm và kết nối với nhau nhiều hơn. Băng Di chia sẻ thêm, cảm giác sau mỗi lần hoàn thành trò mạo hiểm rất khó tả. Cô như nhận được năng lượng tích cực. Bản thân còn trẻ, chưa vướng bận con cái, nên nếu có thời gian thì cô sẽ nên đi trải nghiệm.
Ngoài ra, đối với Băng Di, du lịch thể thao không đơn thuần tận hưởng mà còn mang lại nhiều kinh nghiệm sống bổ ích. Với những chuyến đi này, khi nhóm bạn đi với nhau, cùng vượt qua thử thách làm mọi người yêu thương, thông cảm cho nhau nhiều hơn. Còn với người ở căn hộ tầng cao như cô thì biết cách đu dây là một lợi thế, có thể giúp nhanh nhẹn ứng biến, thoát khỏi nguy hiểm khi gặp rủi ro. "Mỗi môn thể thao sẽ dạy một thứ, mang đến trải nghiệm mà sau này lỡ trong cuộc sống cần thì vẫn mình có khả năng giải quyết được" - Băng Di chia sẻ.
Cả nhóm hào hứng sau khi chinh phục được một con thác. |
Xem thêm: Hành trình vượt thác cao của Băng Di và bạn trai doanh nhân
Vi Yến
Ảnh NVCC