Theo AP, tại buổi họp báo ngày 28/7, bà Anne Descamps - phát ngôn viên của Thế vận hội - cho biết ban tổ chức không có ý thiếu tôn trọng bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào. Dù vậy, họ xin lỗi những người cảm thấy bị tổn thương bởi tiết mục gợi liên tưởng bức tranh The Last Supper (Bữa tối cuối cùng) của danh họa Leonardo da Vinci.
Ông Thomas Jolly - giám đốc nghệ thuật lễ khai mạc - phủ nhận tiết mục lấy cảm hứng từ bức tranh The Last Supper. Theo đại diện ban tổ chức, các màn biểu diễn mang đến thông điệp về sự tự do, bao dung, đa dạng văn hóa và chấp nhận mọi sự khác biệt.
Phía ban tổ chức không nhắc việc video lễ khai mạc biến mất khỏi kênh YouTube Olympics cũng như thời gian khôi phục video trên kênh. Hai ngày qua, nhiều khán giả toàn thế giới chỉ trích dữ dội lễ khai mạc, cho rằng một tiết mục mang ý báng bổ tôn giáo. Hôm 27/7, Hội đồng giám mục của Giáo hội Công giáo Pháp đăng thông cáo, đánh giá lễ khai mạc "đẹp, vui tươi, tình cảm phong phú" song lấy làm tiếc vì tiết mục gây liên tưởng sự chế nhạo đạo Thiên chúa. Hội đồng giám mục gửi lời động viên những người bị tổn thương vì "một số cảnh tượng khiêu khích".
Hiệp hội Anh giáo ở Ai Cập cũng cho biết thất vọng với tiết mục, cho rằng lễ khai mạc có thể khiến Olympic mất đi bản sắc thể thao và thông điệp nhân đạo. Trước đó, tỷ phú Elon Musk viết trên X về màn diễn này: "Vô cùng thiếu tôn trọng những người theo đạo Thiên chúa".
Tuy vậy, một bộ phận khán giả cho rằng nhân vật được sơn xanh, do nghệ sĩ Pháp Philippe Katherine đóng, lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp, tiết mục nhằm tôn vinh lễ hội và rượu nho của Pháp, không liên quan tôn giáo. Bức tranh của Leonardo da Vinci gồm 13 người, khắc họa bữa ăn cuối của Chúa Jesus với các tông đồ trước khi bị đóng đinh. Còn tiết mục có khoảng 20 vũ công, gồm những người chuyển giới, trình diễn.
Một số cảnh ở lễ khai mạc Olympic 2024 còn lưu trên Internet. Video: CCTV
Ngoài tranh cãi về tiết mục "nhại bức tranh The Last Supper"", lễ khai mạc bị nhiều khán giả nhận xét vượt giới hạn đạo đức. Trong đó có đoạn ba vũ công mặc trang phục sặc sỡ, hôn và ôm nhau, sau đó một vũ công làm động tác đóng cửa.
Buổi lễ dài ba tiếng với 10 chương, ban tổ chức đưa nhiều nét văn hóa, nghệ thuật của nước chủ nhà đan xen các nghi thức diễu hành, châm đuốc. Trong chương ba mang tên Tự do, các nghệ sĩ tái hiện vở kịch Những người khốn khổ, chuyển thể từ tiểu thuyết của Victor Hugo. Một trong điểm nhấn ở buổi lễ là phần trình diễn của danh ca Celine Dion. Nhiều khán giả cho biết xúc động khi cô trở lại sau hai năm chữa hội chứng "người cứng".
Celine Dion hát bài "Hymme à L'amour", khép lại lễ khai mạc Olympic 2024. Video: Olympics
Như Anh