6 giờ sáng, TS.BS Phạm Thị Việt Dung tỉnh giấc. 20 phút sau, chị đã phải ra khỏi nhà, tới 7-8 giờ tối, người phụ nữ 40 tuổi ấy mới trở về nhà. Tưởng thế là kết thúc cho một ngày làm việc dài mệt mỏi nhưng nhiều đêm đang ngủ, chị lại phải bật dậy vì có ca cấp cứu ở viện, vì bài giảng chưa soạn xong... Vừa làm công tác quản lý vừa làm chuyên môn, vừa phẫu thuật, điều trị lại vừa giảng dạy, trong guồng xoay của sự bận rộn, với chị, chẳng lúc nào dứt ra được.
Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ, TS.BS Phạm Thị Việt Dung gánh trên vai trọng trách là Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời là trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ bệnh viện Bạch Mai, trưởng đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Hạnh phúc được lan truyền từ những bệnh nhân khiếm khuyết được chính đôi tay mình phẫu thuật và cứu chữa
Nhắc đến TS.BS Phạm Thị Việt Dung, người ta nghĩ đến cô học trò nhỏ của GS đầu ngành về phẫu thuật tạo hình, Trần Thiết Sơn. Giờ đây, cô học trò ấy đã trưởng thành và cùng với ekip của mình luôn chăm chỉ, nhiệt huyết để cho ra đời hàng loạt những "công trình" ấn tượng:
Đó là một cô bé người dân tộc bị nơ vi hắc tố bẩm sinh khổng lồ chiếm hết nửa bên mặt trong những lần đi phẫu thuật nhân đạo, bác sĩ Dung cùng với ekip của mình đã làm biến mất mảng da đen sì đó để cô bé lớn lên, tới trường với sự tự tin và yêu đời. Một lần tình cờ nghe điện thoại của cô bé, bác sĩ Dung sững người khi cô bé thỏ thẻ "Mẹ Dung ơi!". Với BS Dung, lời gọi chứa chan sự yêu thương, kính trọng và chân thành thốt từ trái tim con trẻ đã đủ làm chị ấm lòng.
BS Việt Dung khám cho một bệnh nhi bị dị tật khe hở môi trong một lần đi phẫu thuật nhân đạo.
Đó là một cô gái dị tật không âm đạo được chị phẫu thuật tạo hình âm đạo bằng niêm mạc miệng thành công. Trước khi gặp chị, cô ấy sống tự ti, khép kín, dằn vặt và đau khổ. Nhưng sau khi được phẫu thuật, cô ấy đã lấy chồng, có thể quan hệ tình dục bình thường như bao cặp vợ chồng khác, hai vợ chồng lại nhờ người mang thai hộ và hiện tại đã có bé trai kháu khỉnh hơn 2 tuổi. Khi nhận được thông tin từ bệnh nhân, BS Dung "có cảm giác nghèn nghẹn vì hạnh phúc".
Đó là một bác bệnh nhân ung thư vú ngoài 70 tuổi, đang vẫn rất yêu đời và năng nổ tham gia hoạt động xã hội khi phát hiện ra mình mang bệnh. Với bác ấy, mọi mặt trong gia đình đều viên mãn nên cái mong muốn nhất sau khi phát hiện bị bệnh là nếu còn được sống tiếp thì sẽ là một cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ và đủ đầy chất lượng cuộc sống.
BS Dung đã cùng với ekip thực hiện ca phẫu thuật dài 6 tiếng để tái tạo vú cho bác ấy ngay khi bác sĩ ung bướu cắt bỏ tuyến vú điều trị ung thư. Khám lại sau 6 tháng, bác sĩ và bệnh nhân vui mừng khôn tả khi khối u không còn, sức khỏe bệnh nhân ổn định và bác ấy vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, vẫn vui vẻ tham gia các hội nhóm và hoạt động xã hội.
Bên cạnh những thành công cũng có những khó khăn, thất bại. Có những khó khăn vượt qua được, nhưng cũng có những vướng mắc chưa tháo gỡ được và bác sĩ cũng bất lực.
BS Việt Dung kể, có lần, chị cùng thầy mình mổ chuyển vạt da che phủ khuyết phần mềm lộ toàn bộ mặt trước cho một cháu bé 2 tuổi bị xe tải chèn qua chân. Sau mổ, thầy trò chị cùng cả ekip lên đường đi hội nghị đã sắp lịch trước ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chuẩn bị bước chân lên máy bay thì nhận được tin báo ca mổ diễn biến không tốt, vạt da có nguy cơ bị tắc mạch, thế là cả đoàn lại kéo nhau về, bỏ cả hội nghị, bỏ hết cả vé máy bay khứ hồi, chi phí hội nghị, chi phí đặt chỗ ăn ở…để về dồn toàn lực cứu chân cho cháu bé.
Với ca này thì sự chịu đựng của cháu bé, sự tin tưởng và kiên trì của gia đình bệnh nhân, sự trách nhiệm và cố gắng của bác sĩ đã tạo nên thành công. Chân cháu được cứu không phải cắt cụt và hiện cháu có thể đến trường trên đôi chân mình.
Tuy vậy, có những ca bác sĩ dù có cố gắng cũng đành bất lực. Ngay mới trước tết, một cô gái trẻ bị tai biến chảy máu sau mổ cắt mí ở spa trên nền bệnh lý rối loạn đông máu. Khi vào, ngoài tình trạng máu tụ ở mí mắt, đẩy phòi kết mạc, máu chảy lách vào nhãn cầu làm đẩy lồi cả nhãn cầu 2 bên, một bên thị lực giảm, một bên chỉ còn thấy bóng bàn tay.
Với tình trạng này các bác sĩ không thể can thiệp gì để cứu đôi mắt ngoài việc điều chỉnh rối loạn đông máu và điều trị nội khoa. Sau nỗ lực cố gắng của rất nhiều liên chuyên khoa vẫn không cứu nổi đôi mắt cho cô ấy.
"Những lúc như thế này thực sự là bác sĩ cũng như các đồng nghiệp rất buồn và bất lực. Riêng trong ngành tạo hình thẩm mỹ thì vấn nạn thường xuyên mổ biến chứng và biến chứng rất nặng từ các cơ sở không phép vẫn là nỗi niềm lo lắng và nhiều khi bất lực của cả chuyên ngành", BS Việt Dung chia sẻ.
Với nhiều người, trong số đó có chúng ta, dường như luôn nghĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đơn giản là nâng mũi, nâng ngực, cắt mí... Với TS.BS Phạm Thị Việt Dung, đó chưa phải là đích đến cuối cùng.
Bởi với chị, cảm nhận tuyệt vời nhất không phải là sau mổ thẩm mỹ giúp ai đó xinh hơn mà là sau các ca tạo hình bệnh lý, giúp các bệnh nhân đang ở tột cùng của sự tự ti, tuyệt vọng vì khiếm khuyết của cơ thể do dị tật bẩm sinh, bỏng, chấn thương hay sau cắt bỏ ung thư… trở nên lành lặn cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Với chị, chuyên ngành này tuy không phải cứu bệnh nhân giữa ranh giới của sự sống và cái chết nhưng nó giúp bệnh nhân hoàn thiện hơn, tự tin hơn, yêu cuộc sống hơn. Đó cũng là mục tiêu, là động lực để chị cố gắng hoàn thiện mình hơn trong công việc hàng ngày.
Con đường đến với nghề bác sĩ Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ không phải được trải hoa hồng
Đam mê trong công việc, có vị trí cao khi còn rất trẻ nhưng BS Dung thú thực, trước đây chị không được sự đồng ý của gia đình khi theo đuổi nghề y.
Ngay từ khi còn bé thơ, cô bé Việt Dung đã vô cùng hâm mộ bố - vốn là một thầy thuốc có tiếng ở huyện miền quê nơi cô bé sinh sống. Hàng ngày, cô chơi đùa cùng bạn bè và luôn gợi ý trò chơi bác sĩ - bệnh nhân. Khi ấy, Dung sẽ là bác sĩ nhí, tiến hành thăm khám, bắt bệnh cho bệnh nhân là bạn bè của mình. Chiếc gai bưởi có những lúc trở thành kim tiêm, mảnh áo rách trở thành bông gạc… Cứ thế, tất cả được dàn dựng như mọi hoạt động trong bệnh viện theo óc tưởng tượng bay bổng của cô bé. Rồi có những hôm hàng xóm dắt con sang bắt đền vì "bác sĩ" chọc kim tiêm làm đau hoặc băng chặt làm tím tay con họ. Tuổi thơ cứ thế trôi qua nuôi lớn dần ước mơ trở thành bác sĩ của cô bé.
Đến khi thi đại học, cô bé Việt Dung năm nào thi đỗ cả 3 trường, trong đó có trường Đại học Y Hà Nội. Nghiễm nhiên, đó là ngôi trường cả gia đình gạt ra đầu tiên bởi "nghề bác sĩ khổ lắm, bố không muốn con sau này vất vả!"- Bố kiên quyết. "Học Y làm gì, 10 năm dài đằng đẵng, già mất, thôi học sư phạm rồi còn nhanh lấy chồng con ạ!"- mẹ thở dài. Rồi ngày nhập trường bố cô chở một mạch đến trường đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc đại học Quốc gia) mặc cô van vỉ: "cho con qua nhìn trường Đại học Y một chút thôi!".
Việt Dung cố gắng ngoan ngoãn nghe lời bố theo học trường mà bố chọn được 2 tuần. Nhưng với bản tính cứng cỏi, ngang bướng, "nếu không tự quyết thì mình sẽ không bao giờ thành bác sĩ được nữa", chỉ sau 2 tuần, Việt Dung tự ý rút hồ sơ sang Đại học Y Hà Nội. Với điểm số thuộc hàng top, cô nhanh chóng được đồng ý cho nhập học. Khi biết chuyện thì sự đã rồi, bố mẹ cô đành im lặng chiều theo ý con gái.
Bước chân vào trường Đại học Y Hà Nội từ năm 1998. Năm 2004 sau khi tốt nghiệp đại học, Bác sĩ Việt Dung, bắt đầu tiếp xúc các kỹ thuật trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, vừa học vừa làm nghề đến nay cũng 17 năm. "Ngay từ những ngày đầu khi tiếp cận chuyên ngành này, tôi đã mê mẩn vì sự biến hóa, tinh tế và đầy sáng tạo trong mỗi ca mổ".
Cả chặng đường học Y không phải là con đường nhàn nhã và yên ả. Mỗi ca bệnh là một sự thử thách và khác biệt. Để có được kinh nghiệm trong nghề như hôm nay chị đã phải trải qua thời gian dài đằng đẵng 10 năm học ở trường lớp và sau đó là những năm theo thầy học nghề, phụ việc.
Trong khi tuổi thanh xuân chúng bạn đã gia đình yên ấm thì chị vẫn vùi đầu ở bệnh viện. Ngoài học trên sách vở và bệnh nhân, ngoài giờ chị thường xuyên một mình đến các khoa giải phẫu bệnh, nơi mà khám nghiệm rồi tiêu hủy các mảnh chi thể đứt rời do bệnh lý và chấn thương để tìm tòi và luyện kỹ năng mổ xẻ trên đó.
Chị kể: "Nhiều khi thấy tin nhắn điện thoại, mở ra đọc mà phì cười với nội dung tin nhắn mà đồng nghiệp gửi: anh để phần em cái chân (đã cắt trước khi đem tiêu hủy) trong ngăn lạnh nhé" và lâu lâu chị lại cùng đồng nghiệp làm một chuyến hành hương vào Sài Gòn mổ xác để mày mò nghiên cứu và luyện kỹ năng phẫu tích".
Khi được hỏi, công việc hiện nay của chị có vất vả quá không? Có lúc nào chị thấy nản lòng không? Bác sĩ Dung trả lời: "Nhiều lúc thực sự rất mệt. Nhiều việc căng thẳng và stress, lại phải cân bằng giữa công việc với cuộc sống gia đình nữa. Nhưng biết sao được. Nghề mà. Sự yêu thích công việc nó ăn vào máu mất rồi. Đợt nào lâu lâu không động vào dao kéo là tay chân ngứa ngáy lắm".
"Mệt không quan trọng nhưng có một điều là gia đình, con cái cũng chịu thiệt thòi nhiều lắm đấy. Có những đêm, chồng đi công tác xa, ở viện có bệnh nhân cấp cứu, bác sĩ cũng phải bỏ con nhỏ ở nhà để vào viện. Nhiều lúc con đến gần xin xỏ 'mẹ chơi với con một chút có được không', bận quá lại phải hứa hẹn 'Mẹ bận lắm, đợi mẹ đến tuần sau nhé'!", BS Việt Dung trải lòng. "Nếu nhà báo muốn viết về gương phụ nữ tiêu biểu, có lẽ tôi chưa xứng đáng đâu".
Khi được hỏi "Trong tương lai, chị có dự định gì mới không?". Bác sĩ Việt Dung cười đáp: "Không phải là dự định mới, mà là kế hoạch rất cũ nhưng chưa thành. Dự định làm phó giáo sư năm 37 tuổi nhưng kế hoạch thất bại, năm đó tôi mới thành tiên sĩ. Để làm được điều đó, tôi cũng phải sắp xếp thời gian thật tốt. Ước gì ngày dài hơn để tôi vừa có thể thực hiện được dự định trong tương lai, vừa có thể làm tốt công việc hiện tại mà vẫn có đủ thời gian cho bản thân và gia đình".
Cho đến giờ, sau bao khó khăn vất vả, khi được hỏi: "Vất vả thế, nếu chọn lại, chị chọn nghề gì?". BS Việt Dung cười đáp khảng khái: "Tôi vẫn chọn nghề Y, vẫn chọn chuyên ngành này!".