"Sóng" xe điện mini
Trong năm 2023, một loạt ô tô điện mini giá rẻ rục rịch đổ bộ vào thị trường Việt Nam, đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc. Khác với các mẫu xe xăng đến từ đất nước tỷ dân trước đó được mở bán, các dòng ô tô điện mini này sẽ được lắp ráp tại Việt Nam, thông qua liên doanh của hãng với một công ty sở tại. Việc lắp ráp trong nước thay vì nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc giúp xe tiếp cận dễ hơn với số đông người dùng.
Trong số các xe điện mini giá rẻ chuẩn bị ra mắt tại Việt Nam, mẫu nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng chính là Wuling HongGuang Mini EV . Đây là sản phẩm liên doanh giữa Wuling và TMT Motors, dự kiến được mở cọc chính thức ngay trong quý II/2023.
Wuling HongGuang Mini EV (TMT Motors)
Tương tự Wuling HongGuang Mini EV, Zhidou A1 cũng được lên kế hoạch lắp ráp và mở bán từ tháng 8, với mức giá dự kiến chỉ 100 triệu đồng. Đại diện của hãng cho hay Zhidou có kế hoạch liên doanh với một công ty của Việt Nam để lắp ráp, đổi tên thương hiệu và logo để dễ tiếp cận với người dùng hơn.
Zhidou A1 (Ảnh: Tân Phan)
Và mới đây nhất, VinFast lại làm cuộc đua thêm nóng khi công bố mẫu xe điện mini VF 3 . Hiện HongGuang Mini EV và VF 3 đều chưa công bố giá, nhưng nhiều người nhận định tầm giá sẽ rơi vào khoảng 200-300 triệu đồng, rẻ hơn các mẫu hatchback hạng A chạy xăng.
VinFast VF 3 (Ảnh: VinFast)
Dù các mẫu xe điện mini cỡ nhỏ có giá bán hấp dẫn như thế nào, giới chuyên gia cho rằng phần đông khách hàng vẫn sẽ hướng tới các thương hiệu có hệ thống trạm sạc công cộng để đảm bảo sự thuận tiện trong quá trình sử dụng. Xét về yếu tố này, VinFast có lợi thế hơn hẳn khi là hãng xe duy nhất xây dựng mạng lưới trạm sạc phủ hầu khắp cả nước.
Yếu tố quan trọng để vượt mặt đối thủ
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 6 hãng xe giới thiệu xe điện xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Nhưng để phủ sóng rộng khắp thì mới chỉ có VinFast, khi hãng đã cho xây dựng được 3000 trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho ô tô và xe máy.
VinFast cũng hợp tác với các bên để cùng lắp đặt và khai thác các trạm sạc xe điện, đơn cử như việc bắt tay với Petrolimex. Dự kiến trong hai năm 2022-2023, hơn 500 trạm sạc xe điện VinFast sẽ được lắp đặt và phục vụ khách hàng cùng các trụ bơm xăng dầu trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên toàn quốc.
(Trạm sạc xe điện của VinFast (Ảnh: VinFast)
Như vậy, VF 3 sẽ tận dụng được lợi thế cơ sở hạ tầng trạm sạc của VinFast nên dù là xe nhỏ nhưng vẫn dễ dàng đi xa được. Mẫu xe này cũng có thể sẽ sạc được tại nhà.
Trong khi đó, Mini EV chỉ có cách sạc tại nhà, chỉ phù hợp với nhu cầu di chuyển ngắn. Còn mẫu Zhidou A1 hé lộ rằng sẽ triển khai hệ thống sạc trên toàn quốc và cho phép các hãng xe điện khác sử dụng chung.
Trạm sạc mà Zhidou dự định triển khai (Ảnh: Tân Phan)
Đáng chú ý, ông Phạm Nhật Vượng trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, trước câu hỏi cổ đông về việc VinFast cho các hãng xe điện khác dùng chung trạm sạc xe điện của mình hay không, vị tỷ phú này đã khẳng định:
“Chúng tôi xác định chiến lược rõ ràng là sau 10 năm nữa sẽ cho các hãng xe khác dùng chung sạc. Hiện tại, không có lý do gì bỏ ra 500 – 700 triệu USD để xây dựng các hạ tầng mà lại cho các đối thủ dùng chung. Điều đó không đúng” .
Với chiến lược này, các hãng xe điện khác muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam buộc phải tính đến chuyện xây dựng hệ thống trạm sạc như VinFast. Đáng chú ý, việc EVN - một công ty độc lập không sản xuất xe điện, đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc cũng sẽ là một giải pháp cho các hãng ô tô muốn bán xe điện tại Việt Nam, như mẫu HongGuang Mini EV.
Trạm sạc xe điện do EVN phát triển (Ảnh: EVN)
Việc phát triển hệ thống trạm sạc trên toàn quốc chắc chắn sẽ tiêu tốn một chi phí không hề nhỏ và thời gian dài cũng như yêu cầu sự đồng bộ cao. Liệu các hãng xe điện đến từ Trung Quốc sẽ sẵn sàng đầu tư mạnh tay cho một thị trường hoàn toàn mới và sức tiêu thụ ô tô nói chung chưa phải lớn như Việt Nam hay không? Có lẽ, tính đến thời điểm hiện tại, VinFast đang là người tạm thời dẫn đầu trong cuộc đua xe điện tại Việt Nam.