Sau Giao dịch, tỉ lệ sở hữu của Masan và SK tại The CrownX lần lượt là 85,0% và 4,9%. Trong thời gian sắp tới, Masan có thể sẽ gia tăng tỉ lệ sở hữu tại TCX.
Liên tiếp thu hút các nguồn vốn khủng
SK Group, một trong những chaebol lớn nhất Hàn Quốc đã có những khoản đầu tư lớn vào Masan. Năm 2018, SK đã chi ra gần 11.000 tỷ đồng, tương đương 470 triệu USD, để mua lại 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan Group. Tháng 4/2021, SK Group tiếp tục chi 410 triệu USD mua 16,26% cổ phần WinCommerce (tên trước đây là VinCommerce). Tổng cộng, nhà đầu tư Hàn Quốc đã "rót" hơn 1,2 tỷ USD vào Masan và các công ty thành viên. Đây cũng chính là khoản đầu tư lớn nhất của SK tại thị trường Việt Nam.
Chia sẻ thêm về việc SK tiếp tục đầu tư vào Masan, ông Woncheol Park, Giám đốc Đại diện của SK South East Asia Investment cho biết: "Masan Group luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của chúng tôi trên con đường phát triển. Chúng tôi tin tưởng vào chiến lược tăng trưởng của Masan khi nhân rộng mô hình "mini-mall" và nền tảng tiêu dùng của Tập đoàn sẽ gặt hái các kết quả thành công rực rỡ, mang lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng, đối tác và cổ đông."
Tháng 5/ 2021, nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Alibaba và Baring Private Equity Asia, đã ký thỏa thuận với Masan Group (MSN) mua cổ phần phát hành mới của The CrownX - công ty con của Masan - với tổng giá trị 400 triệu USD, tương đương sở hữu 5,5% vốn sau phát hành. The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ của Masan được thành lập dựa trên việc sáp nhập Masan Consumer Holdings (MCH) và WinCommerce (WCM) - đơn vị sở hữu chuỗi VinMart/ VinMart+. Giao dịch này, theo đại diện The CrownX, cũng củng cố tầm nhìn của các cổ đông về tiềm năng xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ ứng dụng công nghệ đầu tiên của Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc.
Không ngừng ghi dấu ấn thành công
Sau khi cải thiện lợi nhuận thành công tại WinCommerce (WCM) và ghi nhận chuỗi bán lẻ này có quý đầu tiên đạt lãi ròng (Quý 3/2021), ưu tiên trong thời gian tới của Masan là tăng tốc mở rộng mô hình mini-mall tại TCX. Mô hình này là một phần trong chiến lược "Point of Life", tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), kiosk Phúc Long (trà và cà phê), Phano (dược phẩm) và Techcombank (tiện ích tài chính) và Mobicast (nhà mạng di động mới sở hữu thương hiệu Reddi) vào một nền tảng khách hàng thân thiết.
Thành công ban đầu của mô hình VinMart+ tích hợp chuỗi kiosk Phúc Long cho thấy biên lợi nhuận cải thiện rõ rệt. Các kiosk Phúc Long đã và đang đi vào hoạt động đóng góp thêm 5 triệu đồng vào doanh thu VinMart/VinMart+, giúp cải thiện biên EBITDA của các cửa hàng này lên gần 4%. Theo kế hoạch, Masan sẽ triển khai shop-in-shop, dự kiến có hơn 1.000 kiosk Phúc Long tích hợp tại các điểm bán của Wincommerce vào cuối năm 2021. biên lợi nhuận và đạt 1.750 tỷ doanh thu/năm với mô hình kiosk.
Còn phải kể đến một sự đột phá đáng kể khi Masan mở rộng sang lĩnh vực viễn thông bằng việc chi 295,5 tỉ đồng để mua lại 70% cổ phần Mobicast. Đây là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng "Point of Life" và mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. "Point of Life" là hệ sinh thái tiêu dùng duy nhất phục vụ từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số. Đây là những dịch vụ thiết yếu chiếm 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt.
Mô hình này tương tự - Reliance Jio - đã thành công rực rỡ tại Ấn Độ. Nỗ lực chuyển đổi và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại của Masan luôn nhất quán và xuyên suốt để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ vượt trội cho 100 triệu người dân Việt Nam và giúp người tiêu dùng chi trả ít hơn cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Các cửa hàng thí điểm theo mô hình mini-mall đã gặt hái các kết quả thành công bước đầu với lưu lượng khách hàng gia tăng và lợi nhuận cải thiện rõ rệt.
Trong chiến lược trung hạn sắp tới, Masan sẽ tái mở rộng quy mô trên toàn quốc, đồng thời duy trì có lợi nhuận thông qua các chỉ số chính như: Gia tăng mức đóng góp của danh mục nhãn hàng riêng, chiếm 20-25% doanh số kênh bán lẻ hiện đại; Thúc đẩy xu hướng mua sắm nhu yếu phẩm trên kênh online, đặt mục tiêu kênh online đóng góp trên 5% vào tổng doanh thu hay đạt 50.000 đơn hàng / ngày; Chuyển đổi 2.000 – 3.000 đối tác bán lẻ truyền thống của Masan Consumer Holdings thành các đối tác nhượng quyền của WCM; và Phát triển chương trình khách hàng thân thiết và hệ thống thanh toán thông qua ví di động (mobile wallet) nhằm mang đến giá trị dài hạn cho người tiêu dùng, đồng thời duy trì mô hình thu hút khách hàng mới có chi phí thấp.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc của Masan Group chia sẻ: "Thỏa thuận đầu tư của SK đã khẳng định niềm tin vững chắc vào sự thành công của mô hình "mini-mall" trên quy mô toàn quốc, góp phần mang đến các giá trị vượt trội cho người tiêu dùng mỗi ngày. Bước nhảy vọt tiếp theo của Masan là thúc đẩy phát triển nền tảng khách hàng thân thiết và tăng tốc số hóa để phục vụ trọn vẹn nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, từ sản phẩm đến dịch vụ trên cả kênh offline và online."
Masan đặt mục tiêu sẽ khép lại vòng huy động vốn với giá trị từ 200 lên 300 triệu USD vào TCX trước cuối năm nay.
Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế