Chuyên mục  


"Đi để trở về" do... ưu đãi thuế phí?

Từ ngày 10/7, Nghị định 57/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi trong nước sẽ được bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô.

Honda CRV sắp sửa được lắp ráp tại Việt Nam thay vì nhập khẩu từ Thái Lan

Việc giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu trong bối cảnh doanh nghiệp ô tô trong nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn linh phụ kiện nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Điều này có thể sẽ giúp chi phí sản xuất xe hơi giảm đi rất đáng kể, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của xe hơi tại Việt Nam so với các loại xe nhập.

Chính từ động thái thay đổi chính sách kể trên, khá nhiều mẫu xe nhập có doanh số cao bắt đầu rục rịch chuyển nhập khẩu, sang lắp ráp xe tại Việt Nam.

Mới đây, mẫu Honda CRV cũng được các đại lý tư vấn cho khách nhanh tay chọn mua xe nhập từ nay đến cuối năm 2020 bởi có thể sang đầu năm 2021, bản xe nhập Thái có thể dừng nhập ở Việt Nam.

Một mẫu xe khác có doanh số cao trong phân khúc SUV là Fortuner các bản máy dầu đều được lắp ráp tại Việt Nam từ giữa năm 2019, các mẫu xe máy xăng của Fortuner hiện vẫn được duy trì nhập khẩu từ Indonesia.

Một mẫu xe khác rất ăn khách là Xpander của Mitsubishi cũng được hãng lên kế hoạch lắp ráp tại Việt Nam thay vì nhập 100% từ Indonesia như trước kia. Theo đó, thông tin mới được Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo, các mẫu xe tự động của Xpander đã được hé lộ và có thể khi bán hết các đơn hàng xe nhập, mẫu xe lắp ráp trong nước sẽ được tung ra thị trường.

Toyota Fortuner được lắp ráp tại Việt Nam với các phiên bản máy dầu

Như vậy, có thể nói 3 mẫu xe ăn khách nhất trong phân khúc Crossover, SUV và MPV đã, đang và sẽ được lắp ráp tại Việt Nam. Đây là thông tin tốt lành cho ngành công nghiệp xe hơi khi kéo được trở lại các mẫu xe ăn khách, "mỏ vàng" chủ chốt về doanh số các hãng xe về Việt Nam.

Trước kia, chính Honda CRV và Toyota Fortuner bị các hãng rút từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia với lý do tối ưu hóa lợi nhuận, chi phí sản xuất tại Việt Nam cao và khó cạnh tranh. Tuy nhiên sau khi đường ai nấy đi, gương vỡ lại lành, các hãng xe lại quay đầu trở lại với Việt Nam khi các chính sách, ưu đãi của Chính phủ được đưa ra.

Thị trường xe Việt là "miền đất hứa"

Năm 2019, sở hữu xe ô tô của Việt Nam đứng đáy bảng của khu vực ASEAN với tỷ lệ 23/1.000 dân, trong khi đó tỷ lệ của các nước như Thái Lan, Indonesia, Brunei là từ 500 đến gần 970 xe/1.000 dân.

Các hãng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đang có sự cạnh tranh lớn với xe nhập khẩu

Với quy mô dân số gần 100 triệu dân, trong đó lao động trẻ chiếm trên đa số, tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, liên kết vùng đã khiến cho việc sở hữu ô tô là điều tất yếu của người dân. Chính vì vậy, đây là một trong những động lực để các hãng xe coi trọng hơn thị trường Việt Nam.

So với trước kia, khi Việt Nam chủ yếu chỉ phụ thuộc vào các hãng xe liên doanh như Toyota, Honda, Ford, Mercedes... thì việc Honda rút lắp ráp mẫu CRV tại Việt Nam sang nhập từ Thái, rồi Toyota chuyển từ lắp ráp Fortuner tại Vĩnh Phúc để nhập về từ Indonesia đã ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách, thậm chí chiến lược phát triển của nhiều địa phương.

Tuy nhiên, các mẫu xe lắp ráp trong nước cần nâng cao chất lượng lắp ráp, giảm giá thành bán ra do được nhiều ưu đãi và để hỗ trợ người tiêu dùng Việt

Nay, thị trường xe hơi tại Việt Nam đã thay đổi toàn diện, các hãng xe do người Việt đứng ra sản xuất, nhượng quyền lắp ráp thương hiệu đã trở thành đối trọng với các hãng xe liên doanh và xe nhập. Thậm chí về doanh số, các hãng xe lắp ráp trong nước có khi còn đè bẹp cả liên doanh, xe nhập.

Cụ thể, Trường Hải - Thaco, doanh nghiệp lắp ráp nhiều thương hiệu lớn như Kia, Mazda, Peugeot; Thành Công Motor, lắp ráp độc quyền Hyundai tại Việt Nam đã trở thành những doanh nghiệp xe hơi hàng đầu Việt Nam. Doanh số của hai doanh nghiệp này đủ sức cạnh tranh trực tiếp với Toyota, Honda tại Việt Nam.

Ngoài ra, các hãng xe khác như Nissan, Mitsubishi, Ford cũng đang lắp ráp một số mẫu xe tại Việt Nam, những doanh nghiệp này cũng lên phương án chuyển dây chuyền lắp ráp các dòng xe có doanh số cao về nước để hưởng lợi từ chính sách thuế phí và tối đa hóa doanh thu, gia tăng lợi nhuận.

Mới đây, cùng với sự ra đời của hãng xe Việt VinFast, ba ông lớn của xe hơi Việt Nam là Thành Công, Trường Hải và VinFast đã dần tạo nên sức nặng cho thị trường xe Việt, giúp các hãng xe lắp ráp, sản xuất trong nước đủ sức tạo lợi thế cạnh tranh đối với các hãng xe khác.

Điều này cũng khiến ý định các hãng xe liên doanh muốn biến Việt Nam thành nơi tiêu thụ xe hơi phải tính toán lại và có những bước đi phù hợp nhằm giữ doanh số, thị trường nếu không muốn bị bỏ lại phía sau hoặc đào thải.

Nguyễn Tuyền

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020