Nhu cầu mua xe được “kích thích” sẽ giúp thị trường xe sôi động hơn, các doanh nghiệp sản xuất xe ô tô có cơ hội hồi phục, nối lại chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Khách hàng: Hưởng lợi khi mua xe “nội”
Ngày 28-6-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP (Nghị định 70) quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31-12-2020.
Với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, khách hàng mua các dòng xe này vào thời điểm hiện tại sẽ tiết kiệm được từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Theo đó, Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước từ nay đến hết ngày 31-12-2020 bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21-2-2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10-10-2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về lệ phí trước bạ. Nghị định 70 có hiệu lực ngay từ ngày ký (ngày 28-6). Từ ngày 1/1/2010 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ quay trở lại mức thu cũ.
Trước đó, mức lệ phí trước bạ cũ được áp dụng tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21-2-2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10-10-2016. Theo đó, ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự mức thu lệ phí trước bạ là 2%. Ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (ô tô pick-up chở hàng) có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500kg nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (ô tô pick-up chở hàng) có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500kg nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Riêng đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%.
Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung tại điểm này.
Hiện các thành phố như Hà Nội, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ áp mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô loại 9 chỗ trở xuống là 12%; Hà Tĩnh áp dụng mức phí 11%. Các địa phương còn lại cùng áp dụng mức phí 10%. Như vậy, mức lệ phí trước bạ theo quy định cũ đang chiếm khoảng 10-12% giá thành xe lăn bánh đối với xe ô tô con.
Với việc giảm 50% lệ phí trước bạ, giá lăn bánh các dòng ô tô dưới 9 chỗ ngồi được sản xuất lắp ráp trong nước có thể giảm từ vài chục triệu cho tới hàng trăm triệu đồng.
Ví dụ, đối với dòng xe giá rẻ như Kia Morning, Hyundai i10 có giá từ 290 triệu đến 400 triệu đồng, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp chi phí lăn bánh giảm hàng chục triệu đồng.
Còn đối với các dòng xe đắt tiền hơn như VinFast, Mercedes-Benz với mức giá trên dưới 2 tỷ đồng, người mua sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tùy từng mẫu xe. Với chính sách trên, VinFast với 100% xe sản xuất trong nước sẽ là hãng xe được hưởng lợi nhiều nhất, cùng với đó là TC Motor, Thaco Trường Hải, Toyota, Ford… - là những hãng xe đang có nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước.
Chính sách: Kích cầu tiêu dùng mùa dịch
Cơ quan soạn thảo - Bộ Tài chính cho biết, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là giải pháp góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký sở hữu ô tô, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người tiêu dùng, từ đó góp phần tác động đến tâm lý khách hàng quay trở lại mua xe ô tô sau đại dịch Covid-19.
Đối với nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc giảm lệ phí trước bạ lần này sẽ hỗ trợ các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.
Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe sản xuất, lắp ráp trong nước, phấn đấu đạt tỷ lệ xe sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm 70%, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực ASEAN.
Đồng thời, để phục hồi tốc độ tăng trưởng ngành ô tô, bên cạnh các nỗ lực từ phía các nhà sản xuất, phân phối ô tô trong nước, việc giảm lệ phí trước bạ là giải pháp hỗ trợ tài chính cần thiết nhằm tăng sức mua trong nước, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Tuy nhiên, cũng theo tính toán của cơ quan soạn thảo, việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến tác động giảm thu ngân sách địa phương năm 2020 ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.
Đánh giá về Nghị định 70, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, VAMA đánh giá cao chủ trương cũng như việc cơ quan soạn thảo đã triển khai xây dựng, xin ý kiến, thẩm định của các cơ quan liên quan một cách nhanh chóng.
Chính phủ ban hành Nghị định ngay trong ngày nghỉ (Chủ nhật, ngày 28-6), các cơ quan liên quan như Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng lập tức ban hành Công điện để triển khai Nghị định. “Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam hoan nghênh, trân trọng Bộ Tài chính cũng như Chính phủ đã triển khai chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng trong giai đoạn các doanh nghiệp khó khăn do Covid-19” , Trưởng Tiểu ban Chính sách VAMA Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của đại diện VAMA, thật ra đối với người tiêu dùng, chính sách không quá bất ngờ vì họ đã có thông tin trước đó và chỉ chờ đợi thời điểm chính sách có hiệu lực. Theo ghi nhận từ các đại lý, lượng khách ký hợp đồng đặt cọc trong tháng 5 và tháng 6 để đón đầu chính sách khá nhiều và chỉ chờ đợi chính sách có hiệu lực để chuyển từ hợp đồng đặt cọc sang hợp đồng mua bán và tiến hành các thủ tục đăng ký xe.
Thị trường: “Nóng ngầm” sự sôi động trở lại
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các hãng xe, trong đó có xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh số bán xe ô tô giảm mạnh trong những tháng đầu năm.
Trong đó, tháng 4-2020 ghi nhận mức giảm mạnh nhất với chỉ 11.761 xe - giảm tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Bước sang tháng 5 con số này phục hồi trở lại với 19.081 xe, tăng 62% so với tháng 4. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2019 doanh số bán xe tháng 5-2020 vẫn giảm 30%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh số bán xe các thành viên VAMA đạt 83.181 xe, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 32%, trong khi xe nhập khẩu giảm 38%.
Dù lượng tiêu thụ ô tô giảm mạnh, nhưng theo tiết lộ của nhiều đại lý ô tô, ngay từ tháng 5, tháng 6, thị trường ô tô đã “nóng ngầm”. Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Kinh doanh một đại lý Hyundai chia sẻ, ngay từ thời điểm tháng 5, khi có thông tin về việc Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, rất nhiều khách hàng có nhu cầu mua xe đã đến ký hợp đồng đặt cọc và chờ đợi thông tin giảm phí.
Đến ngày 28/6 vừa qua, khi Chính phủ chính thức ký Nghị định 70, hàng loạt khách hàng đồng loạt đến thanh toán để ký hợp đồng mua bán, đồng thời rút hồ sơ để đi đăng ký.
“Hiện chúng tôi đang phải xử lý khoảng 200 hồ sơ của khách hàng đã ký chờ trước đó, hơn 60 nhân viên “xoay như chong chóng” để hoàn tất thủ tục cho khách hàng đi đăng ký xe”, ông Nguyễn Văn Trường chia sẻ và phân tích, sở dĩ khách hàng chọn thời điểm ký hợp đồng đặt cọc mua xe vào thời điểm tháng 5, tháng 6 thay vì chờ đến khi chính sách giảm phí chính thức có hiệu lực, là bởi vì mua xe thời điểm này khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi “kép”.
Thời điểm này, các đại lý đồng loạt đưa ra các chính sách chiết khấu, giảm giá, quà tặng… để kích cầu tiêu dùng trong giai đoạn dịch bệnh.
“Mua xe vào tháng 5, tháng 6, khách hàng lợi đôi đường vì được hưởng giá thấp, đa phần các mẫu xe chúng tôi bán hòa vốn, thậm chí một số mẫu như Grand i10 chấp nhận lỗ do nhu cầu của khách hàng chạy xe dịch vụ giảm mạnh, xe không bán được.
Nếu khách hàng ký hợp đồng chờ thì sẽ được hưởng mức giá thấp, đến khi Nghị định 70 có hiệu lực, khách mới hoàn tất hợp đồng mua bán và vẫn được hưởng chính sách giảm lệ phí trước bạ. Vì vậy, gần như 100% khách hàng chỉ ký hợp đồng chờ và đến bây giờ mới rút hồ sơ để đi đăng ký xe”, ông Nguyễn Văn Trường cho biết và thông tin thêm, nếu khách hàng có nhu cầu mua xe thì nên tận dụng thời điểm này, khi các chương trình khuyến mại của các hãng xe, các đại lý vẫn còn.
Vì hiện nay, xu hướng giá một số dòng xe đã “nhích” tăng so với thời điểm tháng 4, tháng 5 và với chính sách giảm lệ phí trước bạ, có thể nhiều đại lý sẽ cắt giảm các chương trình khuyến mại.
Dự báo: Kỳ vọng ô tô “nội” bứt phá
Hiện nay, cùng với chính sách giảm lệ phí trước bạ, sắp tới, các dòng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước còn đồng thời được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện mà không cần cam kết sản lượng.
Cụ thể, theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, từ ngày 10/7 sắp tới sẽ áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với tất cả nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành ô tô trong nước. Mức thuế này sẽ được áp dụng mà không ràng buộc sản lượng như quy định trước đó tại Nghị định số 125 ngày 16/11/2017.
Với những chính sách cộng hưởng nhằm thúc đẩy ô tô “nội”, quan sát trên thị trường có thể thấy một số hãng xe đã có động thái chuyển từ nhập khẩu sang sản xuất lắp ráp trong nước. Đơn cử, Honda Việt Nam lên kế hoạch chuyển CR-V từ nhập khẩu sang sản xuất lắp ráp trong nước.
Hiện với mức giá dự đoán khoảng trên 1 tỷ đồng, người mua Honda CR-V phiên bản lắp ráp trong nước sẽ được giảm khoảng 50-60 triệu đồng lệ phí trước bạ. Tương tự, mẫu xe Mitsubishi Xpander thay vì nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia thời gian tới phiên bản số tự động cũng dẽ được lắp ráp tại Việt Nam…
Mẫu xe này đang có giá trên 600 triệu đồng, và vì vậy người mua xe cũng sẽ được giảm khoảng 30-36 triệu đồng lệ phí trước bạ.
Hiện tại, Honda và Mitsubishi cũng đang đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới, dự kiến vận hành vào quý II-2020; Ford Việt Nam cũng tăng vốn đầu tư từ 102 triệu USD lên 184 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp…
Có thể thấy, với chính sách ưu đãi thuế, phí, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang thu hẹp khoảng cách lợi thế đối với xe nhập ngoại, dự báo cuộc cạnh tranh thời gian tới trên thị trường xe sẽ thêm kịch tính và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trong cuộc cạnh tranh này.
“Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là giải pháp góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký sở hữu ô tô, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người tiêu dùng, từ đó góp phần tác động đến tâm lý khách hàng quay trở lại mua xe ô tô sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, để phục hồi tốc độ tăng trưởng ngành ô tô, bên cạnh các nỗ lực từ phía các nhà sản xuất, phân phối ô tô trong nước, việc giảm lệ phí trước bạ là giải pháp hỗ trợ tài chính cần thiết nhằm tăng sức mua trong nước, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước”.
BỘ TÀI CHÍNH
“Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đánh giá cao chủ trương cũng như việc cơ quan soạn thảo đã triển khai xây dựng, xin ý kiến, thẩm định của các cơ quan liên quan một cách nhanh chóng. Chính phủ ban hành Nghị định ngay trong ngày nghỉ, chủ nhật, ngày 28-6, các cơ quan liên quan như Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng lập tức ban hành Công điện để triển khai Nghị định. Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam hoan nghênh, trân trọng Bộ Tài chính cũng như Chính phủ đã triển khai chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng trong giai đoạn các doanh nghiệp khó khăn do Covid-19”.
Ông Nguyễn Trung Hiếu
(Trưởng Tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam - VAMA)
Minh Anh