Chị Vũ Hường (Bắc Kạn) chia sẻ, riêng mùa Tết Hàn thực năm nay chị nhận làm hơn 600 đơn bánh trôi cá chép. Để đảm bảo chất lượng, chị chỉ nhận số lượng có hạn, không nhận ồ ạt nên khách muốn sở hữu bánh phải gọi điện đặt trước nhiều ngày.
Giá cho mỗi con cá chép bánh trôi là 15.000 đồng. Thông thường, chị sẽ bán theo set 3 con hoặc 5 con kèm theo gia vị. Thời gian bảo quản bánh sẽ kéo dài 2 - 3 ngày ở nhiệt độ phòng lý tưởng.
Giá cho mỗi con cá chép bánh trôi là 15.000 đồng
Theo chị Hường, nguyên vật liệu làm bánh trôi cá chép cũng giống như bánh trôi truyền thống, chỉ khác ở khâu xử lý và pha chế bột. Để bột có thể dẻo, quánh như đất sét, người thợ phải ngâm, phơi bột trong nhiều giờ đồng hồ.
“Cách khiến cho bột dẻo là khi trộn phải dùng nước nóng khoảng 60 độ. Sau khi nhào xong, người thợ phải treo bột cho thật ráo trong vòng từ 6- 8 tiếng” – chị nói.
Trung bình cứ 1 cân bột ướt sẽ cho ra khoảng 50 – 53 con cá chép. Để tăng thời gian bảo quản, nhân bánh sẽ được làm từ đậu xanh và sên thật kỹ như nhân bánh trung thu.
Thông thường, bánh trôi cá chép sẽ được bán theo set 3 con hoặc 5 con
Để kịp giao hàng cho khách, chị Ngọc Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) phải thuê thêm 2 người đến phụ giúp. Do lượng đơn hàng khủng nên ngày nào cửa hàng chị cũng phải tăng ca đến 12 giờ đêm. Tính đến tối 1/3 âm lịch, chị Thảo đã nhận làm gần 1.500 viên bánh trôi hình cá chép.
Chị cho biết, ngoài tạo hình cá, chị còn nhận làm các hình con vật như cua, tôm, heo, cún theo yêu cầu. "Đa phần, khách mua bánh trôi cá chép dùng để thờ, lễ gia tiên vì hợp phong thủy. Còn các hình khác, mọi người thường mua về ăn, chứ ít khi mang đi cúng lễ” – chị nói.
Để bột có thể dẻo, quánh như đất sét, người thợ phải ngâm, phơi bột trong nhiều giờ đồng hồ
Để giữ được tạo hình, bánh trôi cá chép sẽ được cho vào hấp thay vì luộc
Những viên bánh trôi hình con vật trông vô cùng đáng yêu, bắt mắt
An Chi