Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc tiếp tục tăng ở một số địa phương. Đáng chú ý, tại Hưng Yên, giá lợn hơi đã lập kỷ lục lên mức 105.000 đồng/kg.
Hiện, toàn miền Bắc đã có tới 7 địa phương ghi nhận mức giá trên 100.000 đồng/kg gồm: Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ và Tuyên Quang.
Những địa phương còn lại cũng có mức giá cao, như Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang, Thái Nguyên trong ngày chứng kiến mức tăng giá đồng loạt lên 97.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Phú Thọ cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục lên trên 100.000 đồng/kg. Tại Ninh Bình, giá heo hơi hôm nay cũng tăng mạnh 4.000 đồng/kg lên 102.000 đồng/kg.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại một số chợ dân sinh trên phố như: chợ Hôm, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Bách Khoa, Trung Tự…, giá thịt lợn ngày 27/5 ở mức kỷ lục với giá trung bình: 180.000 đồng/kg, cao nhất là sườn non: 220.000 đồng/kg, thịt ba chỉ: 180.000 đồng/kg, sườn thăn: 190.000 đồng/kg.
Dù thịt lợn đắt đỏ chưa từng có từ trước đến nay nhưng người dân vẫn không từ bỏ thói quen ăn thịt lợn.
Giá lợn thành phẩm tại chợ hiện nay cao hơn mức kỷ lục cuối năm 2019 từ: 10.000- 20.000 đồng/kg. Người đi chợ choáng vì giá lợn cao chưa từng có từ trước đến nay.
Lý giải việc giá lợn cao, chị Thu Hà (chợ Trung Tự) cho biết: “Giá lợn hơi giờ cũng hơn 100.000 đồng/kg rồi nên chúng tôi buộc phải bán giá đắt. Dù giá cao nhưng người dân vẫn không bỏ được thịt lợn nên tôi vẫn bán được”.
Thịt ba chỉ được bán tại nhiều sạp tại chợ Trung Tự lên tới: 180.000 đồng/kg (đắt hơn thời kỳ kỷ lục cuối năm 2019 là: 10.000 đồng/kg).
Ngỡ ngàng vì giá lợn cao, chị Mai Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Tôi mua 1kg thịt ba chỉ ngày hôm nay lên mức: 180.000 đồng/kg, chưa bao giờ giá thịt ba chỉ lại cao đến thế. Nhà có 2 vợ chồng và 2 đứa con nên 1 kg này chỉ dùng cho một bữa tối của gia đình. Chưa kể, tiền rau, gạo… Mỗi lần đi chợ có mua thịt là bữa ăn hôm đó đội lên vài trăm nghìn đồng”.
Chỉ mua 0,5kg ba chỉ, 0,5kg móng giò, chị Hoàng Hà (Đống Đa, Hà Nội) cũng tiêu hết 210.000 đồng. "Chưa bao giờ tôi mua thịt lại đắt như hiện nay. Biết là đắt nhưng vẫn phải ăn vì gia đình tôi ai cũng thích ăn thịt lợn", chị Hà nói.
Trước đó, Nnày 26/5, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tái bùng phát, lây lan diện rộng.
Văn bản được gửi tới Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, DTLCP đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn.
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch bệnh tái phát, lây lan thời gian qua do sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nên một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi tái đàn, lợn con chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc.
Theo Ngọc Mai - Việt Linh
Tiền phong