Sau 4 tuần tăng giá liên tiếp, dầu Brent kết thúc tuần này ở mức 73,51 USD/thùng (tăng 0,43 USD, tương đương 0,6% so với phiên liền trước, và tính chung cả tuần tăng khoảng 1,1%); dầu WTI đạt 71,64 USD/thùng (tăng 0,6 USD, tương đương 0,8% so với phiên liền trước, và tính chung cả tuần cũng tăng khoảng 1,1%).
Khởi đầu của sự đổi chiều ngoạn mục của giá dầu trong 12 tháng qua là sự kiện Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã kiên quyết theo đuổi mục tiêu tái cân bằng thị trường dầu mỏ. Giá dầu đã bắt đầu hồi phục từ tháng 5/2020 và ngày càng tăng mạnh dần.
Nhìn rộng ra sẽ thấy nhu cầu dầu hồi phục là yếu tố đầu tiên và then chốt để cải thiện các nguyên tắc cơ bản. Nền kinh tế toàn cầu đang hồi sinh, trở thành động lực lớn cho thị trường hàng hóa. Dự báo GDP trên toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 5% sau khi việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ giúp giải phóng các nền kinh tế khỏi tình trạng bế tắc. Ở những nước thành công nhất trong cuộc chiến chống Covid-19, việc giao thông đi lại đã trở về gần mức bình thường, đẩy tiêu thụ xăng và nhiên liệu hàng không tăng mạnh, nhất là tại Trung Quốc và Mỹ. Đáng chú ý, mùa lái xe năm nay ở Mỹ dự báo sẽ đưa nhu cầu xăng ở nước này lên mức cao nhất trong lịch sử.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo mới đây cho rằng nhu cầu toàn cầu đến cuối năm sẽ về mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, và đề nghị các nhà sản xuất dầu OPEC + cần tăng sản lượng để đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu. OPEC tháng này cũng giữ nguyên mức dự đoán về nhu cầu dầu thế giới năm 2021 và cho rằng nhóm cần nâng sản lượng để đáp ứng nhu cầu. Theo đó, OPEC dự báo nhu cầu dầu trong năm nay sẽ tăng 6,6% so với năm ngoái Đây là tháng thứ 2 liên tiếp OPEC không thay đổi mức dự báo lạc quan của mình.
OPEC dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 ở mức 5,5%, không thay đổi so với tháng trước, với giả định tác động của đại dịch sẽ được "kiềm chế phần lớn" vào đầu nửa cuối năm. Trong đó, Mỹ sẽ đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2021, trong khi nhu cầu ở các quốc gia công nghiệp hóa của OECD sẽ chưa hồi phục hoàn toàn sau năm 2020 lao dốc.
Theo OPEC: "Đà hồi phục mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu đã bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số nền kinh tế quan trọng, trong đó có Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ". Song "nhìn chung, sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, và do đó sẽ có tác động tích cực lên nhu cầu dầu mỏ, dự kiến vào nửa cuối năm nay".
Với đà này, dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong 18 tháng tới sẽ tăng gần 6 triệu thùng dầu mỗi ngày, lên hơn 101 triệu thùng/ngày vào quý 4/2022, tức là cao hơn mức đỉnh trước đó (năm 2019).
Dĩ nhiên, về yếu tố nhu cầu vẫn còn một yếu tố rủi ro, đó là Covid-10 và việc phong tỏa tái diễn ở một số quốc gia. Những làn sóng virus mới ở Ấn Độ, Đông Nam Á, một số khu vực thuộc Châu Âu và những nơi khác có thể cản trở đà hồi phục nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Nhìn chung, bóng mây Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn tan, vẫn phủ bóng lên tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu.
Yếu tố quan trọng thứ hai khiến giá dầu tăng nhanh, đó là tăng trưởng nguồn cung dầu sẽ chỉ bằng một phần nhỏ so với mức tăng trưởng nhu cầu dự kiến của năm 2021. OPEC+ đang thận trọng để giữ thị trường cân bằng và tránh thặng dư khi nền kinh tế hồi phục. Sản lượng dầu toàn cầu năm nay dự kiến sẽ chỉ tăng 1,3 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu có thể tăng tới 5,9 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.
Tồn trữ dầu thô của OECD giảm dần về mức trước khi khủng hoảng; cung dầu của Mỹ bắt đầu tăng từ 2022
OPEC+ đang cung cấp bổ sung 2,1 triệu thùng dầu/ngày cho thị trường trong 3 tháng tính đến hết tháng 7/2021, phù hợp với cam kết của nhóm đưa ra hồi 1/4. Khối lượng cung cấp từ ngoài OPEC (không bao gồm các thành viên OPEC+) năm 2021 ước tính không thay đổi. Sản lượng dự báo sẽ tăng nhẹ ở Brazil và Nauy, bù đắp cho sản lượng giảm ở Mỹ.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ những năm trước đây hồi phục rất nhanh mỗi khi giá dầu tăng lên. Nhưng tình hình nay đã khác. Ngành dầu đá phiến Mỹ đang giữ thái độ thận trọng hơn khi mở rộng những giếng khoan dầu, trong bối cảnh nhà đầu tư trên Phố Wall giờ đây chuyển hướng ưu tiên đầu tư vào năng lượng xanh và giảm đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch.
OPEC trong một thông điệp phát đi hôm 18/6 đã nhận định sản lượng dầu của Mỹ năm 2021 sẽ không tăng nhiều.
Trong một cuộc họp vào hôm 17/6, OPEC+ đã xem xét dự báo của một loạt các tổ chức, bao gồm IEA, Argus Media, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Wood MacKenzie, IHS, Energy Intelligence và Energy Aspects. Trong đó, nhìn chung đều cho rằng chưa thể đoán chắc sản lượng dầu của Mỹ. Nhìn chung, các chuyên gia trong ngành đều đồng thuận rằng mức tăng trưởng nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ hạn chế trong năm nay. OPEC dự báo sản lượng dầu của Mỹ năm 2021 sẽ giảm 120.000 thùng/ngày xuống 11,2 triệu thùng/ngày, trong đó sản lượng dầu đá phiến giảm 140.000 thùng/ngày xuống 7,15 triệu thùng/ngày. Về năm 2022, dự báo tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ khá đa dạng, dao động từ 500.000 thùng/ngày đến 1,3 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu của Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường dầu, kể từ khi Mỹ làm chủ công nghệ sản xuất dầu đá phiến. Giai đoạn 2014-2016, các nhà sản xuất dầu OPEC đã bị quay cuồng bởi giá giảm và tình trạng dư thừa trên toàn cầu, một phần do sản lượng của Mỹ tăng. Trong năm 2014, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 1,5 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, đối với yếu tố nguồn cung này cũng có tỷ lệ rủi ro cho dự đoán, liên quan tới động thái của OPEC+ sau tháng 7 tới. Hiện nhóm này vẫn giữ lại công suất dự phòng tới 5,8 triệu thùng dầu/ngày, chưa kể khả năng xuất khẩu dầu từ Iran có thể thêm tới 1 triệu thùng/ngày nếu cuộc đàm phán Mỹ - Iran tại Vienne dẫn tới việc dỡ bỏ những lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này.
Yếu tố thứ 3 quan trọng tác động tích cực tới xu hướng giá dầu mỏ hiện nay là lượng dầu tồn trữ đang giảm mạnh, phản ánh thị trường tiến dần tới tình trạng thắt chặt. Dự trữ dầu thô của OECD hiện thấp hơn 100 triệu thùng so với mức đỉnh cao hồi tháng 5/2020, và trung tâm phân tích về dầu mỏ Macro Oils Service của WoodMac dự báo dự trữ dầu của OECD sẽ giảm thêm 100 triệu thùng nữa vào cuối năm nay, xuống dưới mức trước khi xảy ra đại dịch.
Dự báo giá dầu
Với những cơ sở đó, Công ty năng lượng Wood Mackenzie dự báo giá dầu có thể tăng nhiều hơn nữa trong những tháng tới. Theo đó, dầu Brent có thể vượt ngưỡng 75 USD lên 76 USD/thùng trong mùa Hè này, thậm chí không loại trừ khả năng giá có thể lên 100 USD nếu tâm lý các nhà giao dịch lạc quan hơn nữa và thị trường bị thắt chặt hơn nữa.
Thị trường dầu đã tới lúc có thể bị phía các nhà sản xuất "ép giá" khi nhu cầu ngày càng tăng mà OPEC+ vẫn giữ lại một phần dầu mỏ của mình không tung ra thị trường. Nhìn chung, phần lớn triển vọng mức độ giá dầu tăng trong những tháng tới sẽ phụ thuộc vào chiến lược của OPEC+, bởi việc bổ sung dầu cho thị trường không phải điều khó khăn đối với nhóm này.
OPEC + hiện đang thích thú với mức giá dầu cao hơn trước và thu hồi một phần trong số 335 tỷ USD doanh thu mà nhóm đã ‘mất’ vào năm ngoái khi thị trường sụp đổ.
Theo Wood Mackenzie thì giá dầu phù hợp là ở mức 69,30 USD, khi đó doanh thu của OPEC sẽ được nâng lên về gần mức của năm 2019, trong khi khối lượng cung ứng giảm 10%.
Trên thực tế, OPEC+ hiểu được "giới hạn" của trò chơi ép giá, bởi giá tăng quá cao sẽ làm chậm lại đà hồi phục kinh tế thế giới. Dường như thị trường chỉ êm đẹp mọi bề khi mức giá quanh khoảng 70 USD/thùng.
Tóm lại, năm vừa qua là năm sụt giảm nhu cầu toàn cầu chưa từng có. Đã có một sự phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp của mùa Xuân năm ngoái; và OPEC + đang nỗ lực tái cân bằng thị trường bằng cách hạn chế nguồn cung khi nhu cầu phục hồi. Giai đoạn tiếp theo sẽ là OPEC + tăng dần lượng dầu bán ra và giành thị phần khi nguồn cung của Mỹ cũng tăng trưởng trở lại. Do đó, đến năm 2022, giá dầu dự báo sẽ giảm, nhưng cũng chỉ giảm nhẹ. Wood Mackenzie dự báo giá dầu Brent năm 2022 sẽ trung bình 66 USD/thùng.
Tham khảo: Wood Mackenzie, Reuters
Vũ Ngọc Diệp
Theo Nhịp sống kinh tế