Chuyên mục  


trump-1736988967899876143261.jpg

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Viết trên mạng xã hội Truth Social vào hôm 14-1 (giờ Mỹ), ông Donald Trump tuyên bố sẽ thành lập "Sở Thuế vụ nước ngoài" (ERS) để thu thuế quan. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy tổng thống đắc cử Mỹ quyết tâm áp thuế sâu rộng lên hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Thêm sức mạnh cho thuế quan

Kể từ khi tranh cử, ông Trump đã gợi ý ông sẽ áp dụng mức thuế quan cao tới 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và lên tới 60% với hàng hóa từ Trung Quốc. Gần đây, ông tiếp tục cảnh báo sẽ đánh thuế 25% đối với hàng hóa từ các đồng minh truyền thống như Canada và Mexico.

Nhằm hiện thực hóa chương trình nghị sự thuế quan này, ông Trump khẳng định ERS sẽ bắt đầu thu các khoản thuế nhập khẩu ngay từ ngày ông nhậm chức (20-1). Cơ quan này được xem là một phần quan trọng trong chiến lược đảm bảo nước Mỹ được hưởng lợi từ thương mại quốc tế.

Nêu lý do cho việc thành lập một cơ quan chuyên thu các khoản thuế từ "bên ngoài", ông Trump nhấn mạnh: "Nền kinh tế Mỹ đã mang lại sự thịnh vượng cho thế giới, nhưng đổi lại chúng ta lại đánh thuế chính người dân mình".

Ông cho rằng các hiệp định thương mại yếu kém là nguyên nhân chính khiến Mỹ bị thiệt thòi, và ERS sẽ là công cụ khắc phục điều này.

Trong bài đăng, ông Trump nói ERS sẽ tập trung thu các khoản thuế quan và doanh thu từ các nguồn nước ngoài, đồng thời đảm bảo rằng các bên kiếm tiền từ thương mại với Mỹ "cuối cùng sẽ phải trả phần công bằng của họ".

Một số ước tính từ nhóm của ông Trump dự đoán chương trình này sẽ mang về hàng trăm tỉ USD, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho người dân Mỹ.

Theo dữ liệu từ Nhà Trắng, Chính phủ Mỹ vào năm 2023 đã thu về khoảng 80 tỉ USD tiền thuế quan. Nếu kế hoạch của ông Trump được thực hiện, con số này có thể tăng đáng kể, tạo nguồn thu bổ sung lớn cho ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, ông Trump chưa nêu rõ liệu ERS có thay thế nhiệm vụ của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) hay không.

Hiện nay, CBP chịu trách nhiệm thu thuế quan, các loại phí và khoản phạt từ hàng hóa nhập khẩu. Cũng chưa rõ mối quan hệ giữa ERS và Sở Thuế vụ (IRS) trong việc thu thuế thu nhập của các công ty và cá nhân nước ngoài.

Trả lời trang Politico ngày 13-1, đồng minh của ông Trump, ông Steve Bannon, gợi ý rằng ERS nên được đặt dưới quyền quản lý của Bộ Tài chính. Điều này sẽ "giảm bớt gánh nặng cho nhân sự tại IRS", đồng thời đảm bảo hiệu quả trong thu thuế.

Gợi ý thêm về hoạt động của cơ quan mới, ông Bannon cho rằng ERS có thể mở rộng các nguồn thu từ nước ngoài.

"Bạn sẽ không chỉ nhìn vào thuế quan, mà còn xem xét mọi thứ về cách có thể thu phí, dù đó là từ đầu tư hay từ các yếu tố khác liên quan đến việc tiếp cận đất nước này", ông Bannon nói với Politico.

Hiệu quả hay dư thừa?

Những người ủng hộ ông Trump cho rằng một bộ phận mới đặt dưới Bộ Tài chính Mỹ với nhiệm vụ tập trung hơn vào thuế quan sẽ đảm bảo hiệu quả của các đề xuất từ tổng thống đắc cử.

Ông Charles Benoit, luật sư thương mại tại Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng - tổ chức ủng hộ chính sách tăng thuế nhập khẩu, lập luận rằng Bộ Tài chính hiện nay không đủ quan tâm để đảm bảo doanh thu từ thuế quan được tối ưu hóa.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này bị giới phân tích phản đối.

"Đây là chiêu trò tạo dựng thương hiệu bằng cách tạo ra một cơ quan liên bang mới, trong khi chức năng của nó đã được CBP thực hiện từ thời lập quốc", ông Brian Riedl, thành viên cấp cao tại Viện Manhattan và cựu thành viên Đảng Cộng hòa tại Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, nhận định.

Theo ông Riedl, thuế quan thực chất là một khoản chi phí mà người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu khi mua các sản phẩm bị áp thuế. Điều này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả thực sự của một cơ quan mới như ERS.

Bên cạnh đó, truyền thông Mỹ cũng chỉ ra rằng kế hoạch thành lập ERS của ông Trump dường như mâu thuẫn với cam kết cắt giảm quy mô chính quyền và tăng hiệu quả quản lý. Điều này thể hiện qua việc Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ (DOGE), một cơ quan do chính ông thành lập trước đó, lại hướng tới mục tiêu giảm bớt sự cồng kềnh trong bộ máy.

Ông Ernie Tedeschi, chuyên gia kinh tế tại Đại học Yale và cựu quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden, nhận định rằng một cơ quan mới như ERS cần có sự phê duyệt và tài trợ từ quốc hội.

"Vì vậy, không có khả năng cơ chế thu thuế thường nhật sẽ có thay đổi đáng kể", ông nói.

Tăng thuế nhập khẩu từng tháng

Hôm 14-1, Bloomberg đưa tin nhóm chuyển giao của ông Trump đang nghiên cứu khả năng tăng dần thuế quan theo từng tháng bằng cách áp dụng quyền hành pháp được cấp theo Đạo luật Quyền hạn khẩn cấp kinh tế quốc tế.

Theo đó, một lựa chọn được cho là đang cân nhắc là việc tăng thuế dần dần khoảng 2 - 5% mỗi tháng đối với các đối tác thương mại, nhằm bù đắp bất kỳ hậu quả nào do lạm phát.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020