Dù bị FIFA cấm vận từ năm 2022, Nga vẫn là đội tuyển đẳng cấp thế giới, khi xếp thứ 33, hơn Việt Nam 81 bậc. Tuy nhiên, trả lời báo Nga Sport-Express ngày3/9,Văn Lâm khẳng định dù Nga vượt trội Việt Nam đến đâu về mặt cá nhân lẫn thứ bậc FIFA, thì việc thi đấu tại Hà Nội trong thời tiết mùa hè hơn 30 độ C cùng độ ẩm cao vẫn không dễ dàng với đại diện châu Âu.
Khó khăn về môi trường được Văn Lâm giải thích rõ hơn, khi được đề nghị nêu quan điểm về việc nếu Nga chuyển từ LĐBĐ châu Âu (UEFA) sang LĐBĐ châu Á (AFC). Dưới góc nhìn một cầu thủ, Văn Lâm xem thời tiết nóng ở châu Á là thách thức lớn, vì cầu thủ Nga thường thi đấu ở nhiệt độ 10 đến 15 độ C. Trong khi đó, thời tiết ở Arab Saudi là 44 độ C. Gần nhất, vào tháng 6, Văn Lâm cùng ĐTQG sang Iraq thi đấu vòng loại hai World Cup 2026, với nhiệt độ ban ngày 50 độ C và lúc 20h00 là 38 độ C.
"Tôi không thể tưởng tượng được cầu thủ Nga giải quyết chuyện này thế nào", Văn Lâm nói. "Ngoài ra, các cầu thủ liệu có chịu đựng được các chuyến bay dài từ Nga đến châu Á không?".
Thủ môn Đặng Văn Lâm mừng Việt Nam thắng Philippines 2-0 ở vòng loại hai World Cup 2026 - khu vực châu Á. Ảnh: Hiếu Lương
Ở trận giao hữu tại Mỹ Đình ngày 5/9, ngoài điều kiện thời tiết bất lợi cho đối phương, theo Văn Lâm, tuyển Việt Nam có thể tập trung phát huy những điểm mạnh truyền thống là tinh thần không bao giờ bỏ cuộc và lòng yêu nước luôn hừng hực trong mỗi cá nhân cầu thủ cũng như người hâm mộ. "Nga ở đẳng cấp thế giới, nhưng trận đấu sắp tới sẽ trả lời trình độ bóng đá Việt Nam ở đâu", anh cho hay.
Văn Lâm cũng buồn vì tuyển Nha bị đình chỉ thi đấu vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Anh chia sẻ sự khó khăn với các đồng nghiệp Nga đang ở đỉnh cao phong độ, nhưng phải vắng mặt ở World Cup, Euro, Champions League. Thủ môn Việt Nam cũng biết những chỉ trích nhắm vào việc Nga đến Việt Nam đá giao hữu, vì chênh lệch trình độ và khoảng cách địa lý, với chuyến bay thẳng từ Moscow đến Hà Nội khoảng 13 giờ đồng hồ. Thông qua báo Nga, Văn Lâm khẳng định các thành viên đội tuyển Nga có thể sẽ suy nghĩ khác khi đặt chân đến Việt Nam.
"Với toàn thể người dân Việt Nam, sự xuất hiện của đội tuyển Nga là sự kiện trọng đại. Ở đây, người dân Nga được yêu mến và văn hóa Nga được đánh giá cao. Tôi chắc chắn 100% họ sẽ thích và không hối hận khi đến Việt Nam. Đất nước rất đẹp với những khu nghỉ dưỡng, nhiều nơi để thư giãn. Tôi chắc chắn họ sẽ muốn quay lại cùng gia đình", Văn Lâm cho biết.
Trong danh sách đội tuyển Nga, Văn Lâm muốn gặp thủ môn PSG Matvey Safonov và HLV thủ môn Vitaliy Kafanov. Anh cho biết từng học chung trường tiểu học ở Sokolniki, với thủ môn Spartak Moscow Aleksandr Selikhov và tuyển thủ Nga Artem Dzyuba, nhưng cả hai không được triệu tập.
Đặng Văn Lâm thi đấu trong trận Việt Nam thua Iraq 0-1 ở vòng loại hai World Cup 2026 - khu vực châu Á. Ảnh: Hiếu Lương
Cũng trong cuộc phỏng vấn dài, Văn Lâm kể lại hành trình đến với bóng đá, dù gia đình có bố mẹ đều làm nghệ thuật. Anh được tập tại hai lò đào tạo danh tiếng Dynamo Moscow và Spartak Moscow, nhưng không tìm được chỗ đứng. Sau đó, Văn Lâm chật vật tìm CLB ở cả Nga lẫn Việt Nam.
Năm 2014, sau khi không tìm được đội ở Việt Nam, Văn Lâm trở lại Nga để học làm kế toán. Nhưng sau hai tháng, anh từ bỏ vì biết bản thân không phù hợp với việc học hành. Môn học anh giỏi nhất là thể dục, và cuối cùng là chọn trở lại với bóng đá.
Văn Lâm được các CLB nghiệp dư săn đón, dù tiền lương có thể chỉ từ 1.000 đến 2.000 rúp, tương đương 280.000 đến 560.000 đồng. "Tôi luôn mang theo một đôi găng bên mình và sẵn sàng lao vào bất kỳ giải nào", anh kể.
Khi quyết định nộp đơn xin thi đấu chính thức tại giải hạng Ba Nga, cơ sở dữ liệu của LĐBĐ Nga (RFU) hiển thị Văn Lâm là người Việt Nam. Để đăng ký, anh phải chuyển quốc tịch về Nga. Tuy nhiên, sau khi gọi điện cho LĐBĐ Việt Nam (VFF) để tìm hiểu cách thực hiện, anh đã bị thuyết phục và không đổi lại quốc tịch. Bước ngoặt đến với Văn Lâm năm 2015, khi anh đầu quân cho CLB Hải Phòng, rồi dần trở thành thủ môn hàng đầu Việt Nam.
Giai đoạn thi đấu ở giải vô địch Lào năm 2012 cho Hoàng Anh Attapeu được Văn Lâm miêu tả là khó khăn nhất, khi phải tập ở nơi thiếu thiếu cơ sở hạ tầng và lương thấp. Thủ môn sinh năm 1993 nhắc lại kỷ niệm tập trên sân ruộng với phân bò, hay phải nhờ bố mẹ giúp đỡ về mặt tài chính, nhưng nhân viên ngân hàng ở Nga thậm chí không biết Lào nằm ở đâu trên thế giới.
Năm 2018, Văn Lâm trở thành thủ môn số một đội tuyển Việt Nam và vô địch AFF Cup, rồi vào tứ kết Asian Cup 2019. Sau đó, anh chuyển từ Hải Phòng đến CLB Thái Lan Muangthong United. Năm 2021, Văn Lâm trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên đến J-League 1, khi gia nhập Cerezo Osaka, và anh coi đây là quãng thời gian ấn tượng nhất.
"Tôi nổi da gà khi nhìn thấy những cầu thủ như robot, chăm chỉ và chính xác", Văn Lâm cho hay. "Quá trình đào tạo tuyệt vời và gợi cho tôi cảm xúc như được đào tạo tại CLB Nga hay châu Âu".
Hiếu Lương