Chuyên mục  


Tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son (trái) của Nam Định. Ảnh: Lâm Thoả.

Bóng đá Việt Nam đang có số lượng cầu thủ Việt kiều về thi đấu ngày càng đông, khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thay đổi giới hạn cầu thủ gốc Việt chưa có quốc tịch, ở V-League và giải hạng Nhất. Bên cạnh đó, VFF cũng nhắm đến gọi cầu thủ không có gốc gác như Rafaelson (Nguyễn Xuân Son) lên tuyển, trong khi dư luận còn tranh cãi. Son hiện khoác áo ĐKVĐ V-League Nam Định, và giữ kỷ lục ghi 31 bàn một mùa ở V-League 2023-2024.

"Tôi ủng hộ cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển", chuyên gia Đoàn Minh Xương nói với VnExpress. "Đó là xu hướng toàn cầu và chúng ta quan tâm phát triển cũng hợp lý".

Ông Xương chỉ ra những nền bóng đá hàng đầu thế giới đều có chính sách nhập tịch. Trong chiến lược vô địch World Cup, Pháp có tìm kiếm những cầu thủ gốc Phi để đào tạo từ nhỏ. Một nước Đông Á như Nhật Bản cũng dùng cầu thủ nhập tịch, chủ yếu gốc Brazil, từ những năm 90 của thế kỷ 20. Nổi bật là Ruy Ramos, Wagner Lopes, rồi đến anh Alessandro Santos.

Với cầu thủ không có gốc gác, ông cho rằng VFF cần chọn lọc kỹ với số lượng hạn chế, để chơi ở vị trí mà đội tuyển đang thiếu hoặc yếu. Những cầu thủ này cùng Việt kiều phải được hỗ trợ, để hòa nhập với văn hóa và con người bản địa.

Chuyên gia Bae Ji-won thì đề xuất VFF nghiên cứu kỹ vấn đề nhập tịch, từ giai đoạn một số cầu thủ không gốc gác được lên đội tuyển giai đoạn 2008-2009, đến bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc và Indonesia. Cầu thủ nhập tịch phải có trình độ tốt hơn đáng kể so với người bản địa, phải được thi đấu tại nền bóng đá tiên tiến ở châu Âu, hay Nhật Bản, Hàn Quốc,... để tạo sự khác biệt. Tuy nhiên, luật nhập tịch Việt Nam buộc cầu thủ phải đến Việt Nam thi đấu mới có thể hoàn tất thủ tục. Trao đổi với VnExpress, cựu HLV Thể Công cho rằng vẫn có giải pháp.

Ông Bae nói: "Sau khi nhận quốc tịch, cầu thủ có thể tiếp tục ra nước ngoài thi đấu, vì chất lượng V-League không thể giúp họ giữ đẳng cấp cao. Với một nhóm cầu thủ đặc biệt, VFF cũng cần dành sự quan tâm đặc biệt".

Ủng hộ ĐTQG dùng cầu thủ nhập tịch, nhưng cả hai chuyên gia đều cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế. Đội tuyển muốn mạnh lên một cách bền vững còn phải giải quyết nhiều yếu tố, trong đó chân đế là phát triển cơ sở vật chất và đào tạo trẻ.

"VFF và các CLB phải phối hợp để nâng chất lượng đào tạo trẻ lên chuẩn cao hơn", ông Xương cho hay. "Đào tạo trẻ hiện nay là phục vụ cho V-League và đội tuyển, chứ không phải để cầu thủ có thể thi đấu được ở nước ngoài". Dẫn chứng được ông đưa ra là các cầu thủ Việt Nam hầu hết đều không có chỗ đứng khi thi đấu cho CLB nước ngoài.

Quế Ngọc Hải (phải) mừng pha lập công của Bùi Vĩ Hào (trái) trong trận giao hữu Việt Nam hòa Ấn Độ 1-1, tại sân Thiên Trường ngày 12/10/2024. Ảnh: Lâm Thỏa.

Ngoài ra, ĐTQG hội quân đúng lịch FIFA Days, với chỉ từ bốn đến năm ngày chuẩn bị ngay lập tức bộc lộ nhiều thiếu sót cả về thể lực và chiến thuật. Ông Xương lý giải rằng, HLV trưởng đã mất hai ngày đầu để tập trung và đánh giá thể lực, buộc cầu thủ phải thích nghi ngay. Nhưng do nền tảng huấn luyện và chăm sóc y tế ở CLB không tốt khiến công tác gặp khó khăn. Điều này phần nào khiến đội tuyển thời HLV Park Hang-seo yêu cầu tập trung sớm và dài để có thêm thời gian chuẩn bị, nhưng lại xung đột lợi ích với CLB.

Chuyên gia này nói: "Các CLB Việt Nam sống thoi thóp vì không làm ra tiền. Họ hầu hết chuyển từ trạng thái dùng tiền ngân sách Nhà nước sang dùng tiền của ông bầu. Đấy không phải bản chất của bóng đá chuyên nghiệp".

Nhắc đến mục tiêu vào top 10 châu Á vào năm 2030 của VFF, ông Xương cho rằng cần một kế hoạch rất chi tiết, nhưng thực tế còn nhiều bất cập. Ông so sánh với dự án vô địch World Cup 2034 của LĐBĐ Đức, trong đó có kế hoạch xây 5.000 sân bóng, mỗi sân cách nhau 10 km để tất cả trẻ em Đức được tiếp cận với bóng đá. Trong khi đó, sau hơn 20 năm lên chuyên, không CLB nào ở Việt Nam sở hữu một sân thi đấu riêng.

Ông Xương sinh năm 1959, từng làm việc ở các CLB như Đồng Tháp, Tiền Giang, U20 Việt Nam, Bình Dương, Quân khu 7, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Bình, TP HCM... Ông cũng là giảng viên dạy bóng đá của Trường Đại học TDTT TP HCM.

Ông Bae sinh năm 1963, từng thi đấu và học bóng đá tại Đức. Ông theo nghiệp huấn luyện từ 28 tuổi, rồi sở hữu bằng Pro của LĐBĐ châu Âu (UEFA) và bằng HLV thể lực của LĐBĐ thế giới FIFA. Năm 2017, Bae làm HLV thể lực cho ĐTQG và U23 Việt Nam thời HLV Park Hang-seo, rồi chia tay sau khi vô địch AFF Cup 2018. Sau đó, ông sang Hong Kong làm việc ở hai CLB lớn nhất là Kitchee và Eastern. Năm 2022, ông trở lại Việt Nam làm việc cho Thể Công Viettel và có giai đoạn làm HLV tạm quyền sáu tháng cuối năm 2022, trước khi rời đội vào tháng 9/2023

Hiếu Lương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020