"Có những xu hướng trong bóng đá", Joao Nuno Fonseca - cựu trợ lý HLV tại Reims, Benfica B và Nantes - nói. "Nó giống như thời trang vậy. Nếu một người đi một đôi giày nào đó, nó có thể trở nên nổi tiếng".
Fonseca từng làm Trưởng bộ phận phương pháp của Man City khi Pep Guardiola đến vào hè 2016.
Guardiola không chỉ tiên phong về chiến thuật, mà còn được xem là "người có ảnh hưởng" - như thuật ngữ đương thời. Nhưng ông không phải là người đầu tiên và sẽ không phải cuối cùng. Arsenal phản công dưới thời Herbert Chapman vào những năm 1930, đội hình 'WM' của Hungary những năm 1950 hay lối đá tổng lực của Rinus Michels và Johan Cruyff ở Barca và tuyển Hà Lan là những ví dụ từ trước thế kỷ.
Guardiola - một trong những bậc thầy chiến thuật của bóng đá đương đại - cầm Cup vô địch Champions League giành được cùng Man City mùa 2022-2023. Ảnh: AFP
Một trong những lời chỉ trích lớn nhất về bóng đá cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 lại là sự đồng nhất về mặt chiến thuật. Các chiến thuật ban đầu của Ngoại hạng Anh được dự đoán dựa trên hệ thống 4-4-2 với hai tiền đạo và các tiền vệ chạy cánh. Sau đó là sơ đồ 4-3-3, tiền vệ phòng ngự, số 9 ảo và tiền vệ cánh cắt vào trung lộ.
Khi những chiến thuật này thay đổi, phát triển, bóng đá đã trở nên nhanh hơn. Một bài báo năm 2020 của Đại học Nam Đan Mạch cho thấy từ World Cup 1966 đến 2010, tốc độ trận đấu (mét trên giây, được đo bằng cách sử dụng công nghệ theo dõi bóng) tăng 15% và số đường chuyền mỗi phút tăng 35%. Nếu duy trì xu hướng tương tự, tốc độ các trận đấu sẽ tăng thêm 12% vào năm 2030.
Phân tích của John Muller về World Cup trên The Athletic cho thấy một số phát hiện rất rõ ràng khi so sánh các kỳ. Tại World Cup 1966, các đội tuyển đưa bóng lên phía trước 6,4 m cho mỗi 0,9 m mà họ chuyền về phía sau. Đến năm 2018, tỷ lệ đó lần lượt chỉ còn dưới 2,7 m và 0,9 m.
Năm 1970, 62% số cú sút đến từ ngoài vòng cấm, và giảm xuống còn 54% ở năm 2006. Khoảng 50 năm trước, các cầu thủ phải mất khoảng 15 cú sút - không tính phạt đền để ghi một bàn. Hiện nay, tỷ lệ này gần bằng 1 trên 10. Từ năm 1966 đến 2018, thời gian từ khi nhận đến thực hiện đường chuyền đã giảm nửa giây.
"Bóng đá tốc độ sẽ tiếp tục là tương lai", Fonseca nói, đồng thời cho biết đây là một trong những bước phát triển lớn nhất đã xảy ra trong bóng đá những năm qua và nó không chỉ xảy ra ở Anh mà còn trên toàn thế giới.
Bóng đá có thể đồng nhất về mặt chiến thuật bẩm sinh. Những hệ thống như 3-4-3, 3-2-2-3 mà Man City, Chelsea, Brighton, Liverpool và Arsenal áp dụng mùa trước thực sự là "WM" mà Chapman và Hungary đã thiết lập thập kỷ trước.
"Không có gì mới dưới ánh mặt trời. Tất cả đã được thực hiện trước đây". Có lẽ, nhà văn người Scotland nổi tiếng với tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes, Sir Arthur Conan Doyle, đã đúng.
Kylian Mbappe là một trong những cầu thủ sở hữu tốc độ nhanh nhất thế giới. Ảnh: Reuters
Vì các CLB hàng đầu phần lớn vẫn đang cố gắng chơi theo những cách giống nhau, nên họ cố gắng ký hợp đồng với những cầu thủ giống nhau. Điều đó cũng làm phẩm chất cụ thể của từng cầu thủ có giá trị.
Các trung vệ thuận chân trái là ví dụ gần đây nhất, đặc biệt là vì họ tạo điều kiện thuận lợi cho sắp xếp chơi hậu vệ ba người cũng như hàng thủ bốn người. Chelsea trả 76 triệu USD cho Marc Cucurella và 45 triệu USD cho Benoit Badiashile mùa trước. Giám đốc Điều hành của Brighton, Paul Barber, cho biết phong cách thi đấu của Cucurella - hậu vệ thuận chân trái có thể chơi hậu vệ cánh và trung vệ - giúp anh trở nên có giá trị hơn.
Man Utd chiêu mộ Lisandro Martinez, học trò cũ của Ten Hag tại Ajax, với phí chuyển nhượng 59 triệu USD kèm 10 triệu USD phụ phí. HLV Hà Lan nói rằng các trung vệ thuận chân trái thường định hướng tốt hơn, nên khi cầm bóng, họ sẽ có những góc lên bóng tốt hơn. HLV Mikel Arteta thì nhấn mạnh rằng các trung vệ thuận chân trái mang đến "nhiều lựa chọn, nhiều giải pháp hơn".
Các ví dụ khác gồm việc Newcastle chi 45 triệu USD cho trung vệ Sven Botman và West Ham ký hợp đồng với hậu vệ Nayef Aguerd với mức phí 30 triệu USD. Josko Gvardiol, tuyển thủ Croatia 21 tuổi và đang thuộc biên chế RB Leipzig, có thể thành hậu vệ đắt giá nhất lịch sử nếu hoàn tất thương vụ 110 triệu USD tới Man City.
Việc tuyển mộ các cầu thủ chạy cánh bó vào trung lộ trở nên phổ biến vào những năm 2010 vì sự biến mất của các trung phong. Những ví dụ gồm Ousmane Dembele, Kylian Mbappe, Neymar, Gareth Bale, Eden Hazard, Nicolas Pepe, Angel Di Maria, Raheem Sterling và Riyad Mahrez - tất cả đều xếp trong top 50 vụ chuyển nhượng đắt giá nhất mọi thời đại. Jack Grealish, Mykhailo Mudryk, Antony và Jadon Sancho là những ví dụ khác trong top 50 được ký hợp đồng từ năm 2020.
Đỉnh cao của vị trí này có lẽ là việc Mohamed Salah và Son Heung-min cùng giành Chiếc giày vàng cho danh hiệu Vua phá lưới Ngoại hạng Anh mùa 2021-2022 với 23 bàn.
Salah (trái) và Son trong một cuộc đối đầu giữa Liverpool và Tottenham ở Ngoại hạng Anh.
Mua tiền đạo cắm trở thành xu thế trong những kỳ chuyển nhượng gần đây. Erling Haaland, Alexander Isak, Gianluca Scamacca, Richarlison và Dusan Vlahovic đều dưới 25 tuổi khi có bến đỗ mới vào năm ngoái. Xu thế này xuất phát từ việc các trung vệ trở nên nhỏ con hơn nhờ khả năng chơi bóng được cải thiện.
Nhu cầu về các cầu thủ mạnh mẽ, giàu thể lực cũng như những cầu thủ có kỹ thuật ngày càng cao - điều này góp phần làm tăng tỷ lệ các đội hàng đầu mua cầu thủ trẻ. Thống kê của Tổ chức nghiên cứu bóng đá (CIES) cho thấy 54% phí chuyển nhượng được chi cho các cầu thủ dưới 24 tuổi vào năm 2021 - tỷ lệ cao nhất được ghi nhận và cao hơn 7% so với mức trung bình.
Tám trong số 10 vụ chuyển nhượng hàng đầu mùa 2022-2023 thuộc về những cầu thủ dưới 23 tuổi. Trong bốn mùa trước đó, ít nhất 12 trong số 25 vụ chuyển nhượng hàng đầu là từ 22 tuổi trở xuống. Trên toàn thế giới, cầu thủ dưới 25 tuổi chiếm 72,7% tổng phí chuyển nhượng trong giai đoạn giữa 2018-2019 và 2022-2023. Đó là mức tăng 7% so với giai đoạn giữa 2013-2014 và 2017-18, và so với cùng khoảng thời gian đó, việc đầu tư cho những người 26-29 tuổi đã giảm gần 9%.
Các HLV hiện đại dường như ngày càng sẵn sàng trả tiền cho những cầu thủ tiềm năng và phát triển tài năng hơn là mua những cầu thủ lớn tuổi, tinh tế hơn. Đây cũng là sự phản ánh quá trình phát triển từ người quản lý thành HLV trưởng. Và có những cầu thủ như Jack Grealish, khi chỉ tỏa sáng ở mùa thứ hai sau khi chuyển nhượng, cho thấy một HLV có thể mất bao lâu để giúp một tân binh hòa nhập với hệ thống của CLB.
Dù hầu hết các CLB hiện nay muốn chơi theo phong cách kiểm soát bóng, không phải các cầu thủ kiến tạo, mà trung vệ, hậu vệ cánh và tiền vệ trung tâm mới là những người có mức phí cao nhất. Bất chấp sự gia tăng nhẹ về tỷ lệ phí chuyển nhượng dành cho thủ môn, trung vệ, hậu vệ cánh và tiền vệ, tiền đạo vẫn chiếm gần 50% phí chuyển nhượng trong giai đoạn giữa 2013-2014 và 2022-2023.
Tuy nhiên, các tiền vệ phòng ngự và tiền vệ trung tâm toàn diện đã trở thành tâm điểm trong những mùa giải gần đây. Cuộc chiến giữa Arsenal và Man City, dù không kéo dài, cho Declan Rice đã chứng minh điều đó, cũng như các khoản phí khổng lồ được trả cho Enzo Fernandez (143 triệu USD), Jude Bellingham (112 triệu USD), Aurelien Tchouameni (87 triệu USD), Frenkie de Jong (82 triệu USD) và Casemiro (77 triệu USD).
Casemiro (trái) chung vui cùng các đồng đội sau khi ghi bàn cho Man Utd mùa trước. Ảnh: AFP
Các thương vụ này đều được thực hiện từ năm 2019 và đều nằm trong top 50 vụ chuyển nhượng đắt giá nhất. Trong đó, Casemiro là người duy nhất trên 25 tuổi vào thời điểm chuyển từ Real Madrid sang Man Utd ở kỳ chuyển nhượng hè năm ngoái.
Nhiều CLB hàng đầu đang vận hành với hàng tiền vệ hình hộp, gồm hai tiền vệ trung tâm với hai kiến vệ kiến thiết phía trên, và chơi với các mô hình được xây dựng xung quanh việc kiểm soát khu vực giữa sân. Năm 2016, Guardiola từng nói "muốn có hàng nghìn cầu thủ ở hàng tiền vệ vì bạn có thể thắng các trận đấu với những hậu vệ giỏi và tiền đạo giỏi, nhưng để chơi tốt, bạn cần những tiền vệ".
Có một tiền vệ trung tâm tranh cướp bóng, người cũng có thể phá vỡ các tuyến và chơi sâu hơn để luân chuyển với các hậu vệ cánh hoặc kết nối với các hậu vệ, chưa bao giờ có giá trị hơn thế. Điều này chưa thể khiến các tiền đạo mất giá trị, nhưng các CLB nhận ra sự cần thiết của những tiền vệ trung tâm chất lượng cao.
Xem xét tầm quan trọng của một thủ môn chất lượng, không chỉ từ góc độ cản phá mà còn ở khả năng chơi chân, điều phối bóng từ vòng cấm, dường như có rất nhiều giá trị đồng tiền ở vị trí này, nhưng lại là nơi mà các CLB thường xuyên miễn cưỡng với các lựa chọn có sẵn.
Tottenham và Man Utd gắn bó với Hugo Lloris và David De Gea hơn chục năm qua. Việc Tottenham đánh giá mức 45 triệu USD của Brentford dành cho David Raya là quá cao cho thấy ví dụ điển hình về thái độ của các CLB với các thủ môn, khi Richarlison, Tanguy Ndombele, Cristian Romero hay Davinson Sanchez đều khiến họ mất khoản phí cao hơn thế.
Chỉ có hai thủ môn lọt vào top 50 vụ chuyển nhượng đắt giá nhất trong lịch sử, là Kepa Arrizabalaga đến Chelsea và Alisson Becker đến Liverpool vào hè 2018.
Tuy nhiên, khi nhiều đội chơi pressing tầm cao, những thủ môn có thể phân phối bóng sẽ trở thành những cầu thủ quyết định trận đấu, đặc biệt nếu họ có khả năng chuyền dài vào phía sau hàng phòng ngự. "Các đội giỏi nhất chơi với 11 người, họ không chỉ chơi với 10 người", Fonseca nói. "Nhiều đội quên rằng họ có thủ môn. Tôi thực sự tin tưởng vào sự tham gia của họ trong quá trình tấn công".
Pha kiến tạo của Jason Steele cho Kaoru Mitoma tại Brighton hay Ederson cho Erling Haaland ở Man City ở Ngoại hạng Anh mùa trước là những ví dụ cho phát biểu đó.
Sau khi giúp Everton trụ hạng ở vòng cuối Ngoại hạng Anh mùa 2022-2023, HLV Sean Dyche nói: "Rồi sẽ có ngày một tín đồ thời trang có thể bước vào và chúng tôi sẽ có một sản phẩm tuyệt đẹp".
Việc thừa nhận rằng mục tiêu cuối cùng của một đội đang vật lộn với cuộc đua trụ hạng ở Ngoại hạng Anh là thi đấu theo cách có thể so sánh với các CLB hàng đầu châu Âu cho thấy bóng đá vẫn còn tính đồng nhất như thế nào. Ngay cả khi các chiến thuật phát triển, các CLB thường tiếp cận các vụ chuyển nhượng theo cùng một cách, là họ trả tiền để đảm bảo việc ghi bàn nhiều hơn bất cứ điều gì khác.
Hồng Duy (theo The Athletic)