Năm 2009, khi Benjamin Netanyahu trở lại nắm quyền trong lần thứ hai làm thủ tướng Israel, ông đã phải đối mặt với một thay đổi lớn trong khu vực. Hamas từ một nhóm chiến binh Hồi giáo quy mô nhỏ đã trỗi dậy và nắm quyền ở Dải Gaza từ 2007.
Ngay từ đầu, Hamas tuyên bố sẽ "tiêu diệt Israel" và trong chiến dịch tranh cử năm 2009, ông Netanyahu cũng cam kết diệt trừ Hamas. Nhưng những gì xảy ra sau đó là một thập kỷ rưỡi hai bên cùng chung sống và phần nào mang lại lợi ích cho nhau, dù không bên nào muốn.
Trong quá trình đó, Thủ tướng Netanyahu cùng những người kế nhiệm, cũng như đội ngũ lãnh đạo Hamas đều nhận thấy đối phương vẫn hữu ích cho một số mục đích riêng mà họ hướng tới. Israel muốn lợi dụng Hamas để kiềm chế các thế lực chính trị khác của Palestine, trong khi Hamas tận dụng chính sách hòa hoãn của Tel Aviv để tích lũy và xây dựng lực lượng cũng như tầm ảnh hưởng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại thủ đô Tel Aviv hôm 28/10. Ảnh: Reuters
Mối quan hệ kiểu "cộng sinh" kỳ lạ như vậy tiếp tục tồn tại qua nhiều năm, nhưng nay đang gặp thử thách chưa từng có, khi cả Thủ tướng Netanyahu và Hamas đều đối mặt khả năng mất quyền lực vì cuộc xung đột ở Gaza.
Hamas, sau khi phát động cuộc đột kích vào lãnh thổ Israel hôm 7/10, trong gần hai tháng qua đã hứng chịu vô số cuộc không kích trả đũa và chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn của Tel Aviv. Quân đội Israel tuyên bố Hamas sẽ không bao giờ cai trị ở Gaza được nữa.
Theo các quan chức Palestine, giữa các cuộc tấn công dữ dội từ quân đội Israel, làn sóng bất bình với Hamas đang gia tăng ở Gaza. Một số người dân thậm chí đã công khai chỉ trích Hamas về cuộc đột kích hồi đầu tháng 10, kích hoạt phản ứng giận dữ chưa từng có từ Israel.
Thủ tướng Netanyahu cũng đang phải đương đầu với cơn thịnh nộ chưa từng có của công chúng Israel vì không ngăn chặn được Hamas thực hiện cuộc tấn công, cũng như phản ứng rối loạn của chính phủ sau đó. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 75% người dân Israel đã kêu gọi ông từ chức ngay bây giờ hoặc khi xung đột chấm dứt.
"Đó là một mối quan hệ kỳ lạ đang đi đến hồi kết", nhà sử học Israel Adam Raz, người đã thực hiện một nghiên cứu về mối quan hệ giữa Thủ tướng Netanyahu và Hamas, cho hay. "Hamas sẽ không thể cai trị Gaza nữa. Và tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng ông Netanyahu sắp kết thúc sự nghiệp chính trị của mình".
Dù vậy, diễn biến cuộc xung đột đang thay đổi nhanh chóng và số phận của cả hai bên đều không chắc chắn. Thỏa thuận ngừng bắn 4 ngày giữa Israel và Hamas đã bắt đầu hôm 24/11 và được gia hạn thêm hai ngày. Hai bên đã hoàn tất 4 đợt trao đổi con tin theo kế hoạch. Song Thủ tướng Netanyahu vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến sau thời gian ngừng bắn với mục tiêu "xóa sổ Hamas".
Tuyên bố này của ông Netanyahu rất khác so với những gì ông đã làm sau khi giành lại quyền lực vào năm 2009. Khi đã thành lập được nội các, Thủ tướng Netanyahu đã từ bỏ cam kết "loại Hamas khỏi Gaza", thay vào đó theo đuổi chiến lược không phá vỡ hiện trạng, để Hamas tiếp tục cai trị Gaza và Chính quyền Palestine quản lý khu vực Bờ Tây.
Giới phân tích nhận định cách tiếp cận "chia để trị" này nhằm phục vụ những toan tính chính trị của ông Netanyahu và những người từ chối giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine.
"Khi phía Palestine không có sự lãnh đạo thống nhất, Thủ tướng Netanyahu có thể tuyên bố rằng ông ấy không thể tiến tới các cuộc đàm phán hòa bình", Dahlia Scheindlin, nhà phân tích chính trị Israel, giải thích. "Nó cho phép ông ấy đưa ra lập luận rằng chính quyền Palestine 'không có ai để đàm phán cùng'".
Bối cảnh này cho phép ông Netanyahu gạt "vấn đề Palestine" sang một bên. Đây là vấn đề chính định hình nhiệm kỳ của các lãnh đạo Israel trong 4 thập kỷ trước. Thay vào đó, Thủ tướng Netanyahu tập trung vào Iran và các mối đe dọa khác cũng như mục tiêu phát triển Israel thành một cường quốc kinh tế, theo Anshel Pfeffer, người viết tiểu sử về ông Netanyahu.
"Netanyahu luôn coi cuộc xung đột Palestine là một phương thức để đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề gây chia rẽ ở Israel", Pfeffer nói.
Năm này qua năm khác, những nội các nối tiếp nhau của Thủ tướng Netanyahu đã thông qua nhiều chính sách giảm bớt áp lực lên Hamas. Israel đồng ý thả tù nhân định kỳ, chuyển tiền từ Qatar để trả lương cho các nhân viên chính quyền ở Gaza, cải thiện cơ sở hạ tầng và thậm chí còn tài trợ cho các hoạt động quân sự của Hamas, theo những người chỉ trích chính quyền.
Lãnh đạo Israel hy vọng có thể ngăn chặn mọi động lực hòa giải giữa Hamas và Chính quyền Palestine, ngay cả khi hai bên tiến gần đến quan hệ hữu nghị vào năm 2018.
"Trong 10 năm qua, ông Netanyahu đã nỗ lực ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm xóa sổ Hamas ở Gaza", Raz nhận định.
Một quan chức cấp cao giấu tên trong nội các của Thủ tướng Netanyahu nói rằng ông "tấn công Hamas mạnh hơn bất kỳ thủ tướng nào trong lịch sử". Nhưng trên thực tế, chính quyền Netanyahu đã không ngừng cấp phép cho hàng nghìn người Gaza vào làm việc ở Israel để mang lại nguồn thu lớn cho chính quyền dải đất, củng cố vị thế của Hamas.
Các tay súng Hamas tham gia một cuộc diễu hành quân sự chống Israel ở Gaza City hồi năm 2015. Ảnh: Reuters
Trong thời kỳ hòa hoãn đó, tình trạng ổn định của Israel được giữ vững ở mức tương đối. Hamas thỉnh thoảng phóng rocket vào Israel, nhưng với số lượng ít và hầu hết đều bị hệ thống phòng không đánh chặn.
Xung đột có thời điểm bùng lên, nhưng đều kết thúc chóng vánh bằng những cuộc đàm phán dẫn đến lệnh ngừng bắn. Hamas vẫn nắm quyền ở Gaza và chính phủ của ông Netanyahu ngày càng hy vọng rằng nhóm có thể trở thành một cơ quan quản lý đáng tin cậy hơn, tập trung vào việc phát triển kinh tế cho Gaza, thay vì theo đuổi nỗ lực chống lại Israel.
Thủ tướng Netanyahu không phải người duy nhất nhìn thấy lợi ích trong tình hình này. Những người ôn hòa ở Israel bắt đầu hình dung ra một tương lai họ có thể sống bên cạnh một Gaza ổn định với mức sống tốt hơn. Giới doanh nghiệp ca ngợi mối quan hệ không ngừng được cải thiện giữa Israel với các nước láng giềng Arab.
Xuất khẩu từ Gaza bắt đầu tăng trưởng. Trước cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10, chính quyền Thủ tướng Netanyahu đã cấp giấy phép cho 18.000 người Gaza vào làm việc ở Israel, nơi có thu nhập cao hơn đáng kể.
Giờ đây, chiến lược "dung dưỡng" Hamas ở Gaza của Thủ tướng Netanyahu đang nhiều người Israel cảm thấy hoài nghi. Cơn tức giận trong công chúng đã đẩy tỷ lệ ủng hộ của Thủ tướng Netanyahu xuống mức thấp lịch sử. Theo Scheindlin, hiện chỉ có 25% cử tri cho rằng ông là chính trị gia phù hợp nhất để dẫn dắt đất nước.
"Cánh hữu cứng rắn mong muốn ông ấy tiêu diệt Hamas, còn cánh trung dung và cánh tả ước rằng ông ấy đã không từ bỏ con đường đàm phán với người Palestine", Scheindlin nói.
Tại Gaza, nơi không tổ chức cuộc bầu cử nào kể từ năm 2006, việc đánh giá ủng hộ dành cho Hamas khó khăn hơn. Trước chiến sự, nỗi sợ hãi Hamas khiến người dân không muốn bày tỏ những lời chỉ trích nhằm vào nhóm. Giờ đây, trải qua gần hai tháng bị vây hãm, không kích liên tục, nhiều người Gaza sẵn sàng chỉ trích Hamas hơn trên mạng xã hội và trong các cuộc phỏng vấn.
"Tôi không ngại nói ra điều này: Chúng tôi không muốn Hamas, không phải vì cuộc xung đột mà trong nhiều năm qua đã như vậy rồi", Ahmad, 44 tuổi, dược sĩ đến từ thành phố Deir al-Balah, trung tâm Dải Gaza, nói. "Việc họ không được quản lý một cách đúng đắn đã khiến chúng tôi rơi vào tình trạng nghèo đói và khốn khổ. Mọi thứ càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi cuộc chiến".
Cảnh hoang tàn tại thành phố Khan Younis, phía nam Dải Gaza, hôm 24/11. Ảnh: Reuters
Motaz, 39 tuổi, cho biết cuộc tấn công của Hamas vào Israel khiến anh "kinh hoàng" và làm cho gia đình anh phải hứng chịu các cuộc không kích trả đũa của Israel. Cửa hàng tạp hóa của Motaz ở Khan Younis đã bị phá hủy vào tháng trước.
Motaz không tin Hamas có thể tiếp tục tồn tại, nhưng theo anh, bất kỳ thay đổi nào ở bộ máy lãnh đạo cũng không thể tạo ra khác biệt đối với người dân Gaza.
"Ngay cả khi Hamas vẫn nắm quyền, điều gì còn lại cho chúng tôi ở đây", anh đặt câu hỏi. "Không còn nhà cửa, không còn công việc. Tôi đã mất đi nguồn sinh kế duy nhất".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)