Chuyên mục  


dai-su-phap-1731012999591718704946.jpg

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet - Ảnh: Đại sứ quán Pháp

Nhân tuyến đường sắt đô thị (metro) số 3 của Hà Nội sắp được khánh thành, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã có bài viết gửi riêng cho Tuổi Trẻ Online, nhấn mạnh những cam kết của nước này đối với quá trình chuyển đổi cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Xin giới thiệu bài viết của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet.

Việc khánh thành tuyến đường sắt đô thị (metro) số 3 của Hà Nội, kéo dài từ Nhổn đến Cầu Giấy và sắp tới là đến ga Hà Nội, đánh dấu một thành tựu to lớn trong sự hợp tác giữa các công ty, tổ chức Việt Nam và Pháp.

Với gần 1 triệu lượt người đi lại kể từ khi khánh thành, dự án này đã chứng tỏ hết sức cần thiết đối với người dân thủ đô. Lợi ích của tàu điện ngầm đối với thành phố là vô cùng rõ ràng và chúng ta có thể hy vọng rằng nó sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí, tăng cường sức hấp dẫn của thành phố và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Dự án này là một ví dụ điển hình về những gì Pháp và Việt Nam có thể đạt được khi hợp tác với nhau. Tổng cộng Pháp đã cung cấp 500 triệu euro (13,6 nghìn tỉ đồng) để tài trợ cho tuyến đường sắt này và là đối tác quan trọng của dự án cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

Các công ty hàng đầu của Pháp như Alstom, Thales, Colas Rail, RATP Smart Systems, Systra hay Bureau Veritas, APAVE và Certifer cũng đã tham gia và hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam.

metro-nhon-ga-ha-noi-2-16703150831921298598336.jpg

Vận hành tàu thuộc tuyến metro số 3 ở Hà Nội - Ảnh: TTO

Tuyến metro số 3 này là một phần trong tầm nhìn rộng lớn hơn của Việt Nam nhằm phát triển mạng lưới tàu điện ngầm toàn diện trên khắp các thành phố lớn.

Cơ sở hạ tầng giao thông đô thị chỉ là một khía cạnh trong số nhiều dự án đầy tham vọng mà Việt Nam đặt ra để đạt được trong thập kỷ tới. Việt Nam đã đặt mục tiêu xây dựng 3.000km đường cao tốc, phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và xây dựng 30 sân bay, bao gồm sân bay Long Thành.

Những kế hoạch này, cùng với những mục tiêu khác, đã thể hiện rõ cách thức Việt Nam kết nối với khu vực ASEAN và thế giới. Và thế giới muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi này. Pháp, với tư cách là Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, rất mong muốn đóng vai trò chủ chốt trong quá trình chuyển đổi này.

Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Pháp, cả hai nước đã ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ. Trong đó nêu bật sự đổi mới và phát triển bền vững là hai trụ cột cốt lõi của quan hệ song phương.

Tuyến metro số 3 của Hà Nội thể hiện năng lực hợp tác của Pháp với Việt Nam về các chủ đề này và minh họa cho mong muốn của chúng tôi trong việc tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam.

macron-to-lam-1728324029484375100755.png

Tổng Bí thư Tô Lâm bắt tay với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Pháp tháng 10-2024 - Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Hợp tác tập trung vào đổi mới

Một trong những nền tảng của quan hệ đối tác này là cam kết chung về đổi mới và phát triển công nghệ cao. Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho sự phát triển của khoa học và công nghệ vào năm 2030, xác định 99 công nghệ ưu tiên cao để thúc đẩy tăng trưởng.

Các đơn vị như Trung tâm Đổi mới quốc gia (NIC) và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này, dẫn đến sự xuất hiện của bốn công ty kỳ lân có giá trị hơn 1 tỉ USD.

Ở một mức độ nào đó, chuyên môn của doanh nghiệp Việt Nam đã được một số tập đoàn lớn nhất thế giới công nhận, với sự hợp tác hiệu quả giữa FPT và Airbus như một ví dụ điển hình.

Pháp, với hệ sinh thái đổi mới mạnh mẽ của mình, mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để tăng cường hơn nữa những nỗ lực này.

Pháp tự hào có hơn 200 trường đào tạo kỹ thuật và công ty công nghệ cao nổi tiếng thế giới, bao gồm Schneider Electric, Airbus, Dassault Systèmes và STMicroelectronics. Vì những điều đó, Pháp dẫn đầu châu Âu về tài trợ khởi nghiệp, nuôi dưỡng hơn 1.800 công ty công nghệ chuyên sâu, bao gồm 30 công ty kỳ lân.

Tại châu Âu, Pháp đang chào đón các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam để hưởng lợi từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và xây dựng các dự án của họ thông qua các chương trình thị thực cư trú như French Tech Visa và Passeport Talent, được thiết kế riêng cho những dự án kinh doanh và đầu tư.

Trên cơ sở những thành công thời gian qua, cả hai nước nên tiếp tục thiết lập các nền tảng, nơi các doanh nhân từ mọi lĩnh vực và công ty ở mọi quy mô có thể gặp gỡ, trao đổi các phương pháp hay nhất và hợp tác trong các dự án đổi mới sáng tạo.

Pháp cam kết trở thành một phần trong hành trình công nghệ cao của Việt Nam, coi Việt Nam như một quốc gia dẫn đầu về tiềm năng trong bối cảnh đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Phát triển bền vững là cốt lõi

untitledrererer-17271776491511428701864.jpg

Hành khách đi tàu metro Nhổn - ga Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Nhìn xa hơn các khía cạnh công nghệ đơn thuần, tuyến metro số 3 cũng tượng trưng cho cam kết sâu sắc của Pháp và Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức do khí thải carbon gây ra, bởi lẽ tác động của biến đổi khí hậu đã và đang được cảm nhận ở cả hai quốc gia.

Cả hai Chính phủ đều đã có những bước đi quan trọng để đáp ứng những thách thức này. Là một phần của Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu, Pháp đã cam kết trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050.

Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu tương tự, với việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố tại COP 26 rằng Việt Nam cũng sẽ hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, ước tính sẽ cần 600 tỉ USD để phi carbon hóa ngành công nghiệp của Việt Nam, chiếm 6,8% GDP của đất nước hằng năm cho đến năm 2040.

Pháp rất mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam để đảm bảo đạt được các mục tiêu đầy tham vọng đó. Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, trong đó Pháp cam kết 500 triệu euro trong 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, là một ví dụ rõ ràng về cam kết này và hiện đã được triển khai.

Vì tương lai bền vững cho thế hệ mai sau

Nhìn về tương lai, điều quan trọng là Pháp và Việt Nam phải duy trì đà phát triển hiện tại và thúc đẩy các cam kết chính trị chung khi cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thời điểm quan trọng vào năm 2025.

Lễ khánh thành metro số 3 sẽ diễn ra chỉ vài ngày trước COP 29 tại Baku (Azerbaijan), một sự kiện mang tính bước ngoặt để tiếp tục đàm phán về các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Hội nghị Đại dương của Liên Hiệp Quốc lần thứ ba, do Pháp và Costa Rica đồng tổ chức, sẽ diễn ra tại Nice (Pháp) vào tháng 6 năm sau. Sự kiện quan trọng này nhằm mục đích đẩy nhanh các hành động bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, bao gồm cả việc giải quyết ô nhiễm nhựa.

Các quyết định được đưa ra vào tháng 6 năm sau có thể sẽ định hình chương trình nghị sự toàn cầu về biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới. Pháp và Việt Nam phải đi đầu trong các cuộc thảo luận và hành động này.

Cùng nhau, Pháp và Việt Nam có thể xây dựng một tương lai mà tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường được theo đuổi song song, mang lại lợi ích cho cả hành tinh và tất cả các xã hội sinh sống trên đó.

Hai quốc gia của chúng ta, vốn gắn kết với nhau bằng lịch sử, chia sẻ mục tiêu này để thúc đẩy quan hệ đối tác lâu dài sẽ tạo ra di sản phát triển bền vững và tác động tích cực đến các thế hệ mai sau.

Khi các thành phố của Việt Nam tiếp tục phát triển và Việt Nam tiến lên trên con đường phát triển của mình, Pháp tự hào là đối tác đáng tin cậy và sẽ sẵn sàng đóng góp chuyên môn, nguồn lực và cam kết của mình để đảm bảo rằng các nguyện vọng của Việt Nam trở thành hiện thực.

Di sản của quan hệ đối tác này sẽ được đánh giá không chỉ dựa trên các thành tựu kinh tế và công nghệ mà còn dựa trên tác động lâu dài của nó đối với cuộc sống của người dân ở cả hai quốc gia và rộng hơn nữa.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020