Chuyên mục  


Bà Kamala Harris bắt đầu tranh cử từ tháng 8, sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng. Toàn bộ hành trình vận động của ứng viên Dân chủ kéo dài hơn 100 ngày, ngắn nhất lịch sử chính trị hiện đại Mỹ. Bà được hàng loạt cựu tổng thống, sao giải trí có tầm ảnh hưởng ủng hộ.

Tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu tại các bang sau ngày bầu cử 5/11 cho thấy cuộc đua thực tế không sít sao như những gì thể hiện trong các cuộc thăm dò trước đó. Với 45 bang và thủ đô Washington đã phân thắng bại, ông Trump nhận 277 phiếu, đắc cử tổng thống còn bà Harris nhận 224 phiếu. Bà để thua ở 4 trong 7 bang chiến trường. 3 bang còn lại chưa có kết quả cuối cùng nhưng đều ngả đỏ.

Giới chuyên gia cho rằng bà Harris đã có một chiến dịch tranh cử "tệ nhất lịch sử". Thời gian tranh cử quá ngắn, thiếu đề xuất cụ thể trong khi cử tri có dấu hiệu không hài lòng với chính quyền đương nhiệm được cho là nguyên nhân khiến bà Harris không thể trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên.

"Những đề xuất bà đưa ra cho người dân Mỹ thiếu thực chất, không khác gì 'ai cũng được, miễn không phải ông Trump'", Camilla Tominey, cây viết chính trị của Telegraph bình luận. "Bà ấy chủ động tránh né truyền thông, và khi trả lời phỏng vấn, bà ấy lại dành hầu hết thời gian để công kích Trump thay vì nêu cụ thể mình có thể làm gì khác biệt".

Phó tổng thống Kamala Harris trong một sự kiện tiếp xúc cử tri ở Aston, Pennsylvania, hôm 23/10. Ảnh: AFP

Bà Harris từng tranh cử tổng thống tháng 1/2019 nhưng rút lui vào tháng 12 cùng năm với lý do không đủ nguồn lực. Ông Biden tháng 8/2020 chọn bà Harris làm ứng viên cấp phó, đánh bại cặp Trump - Pence của đảng Cộng hòa.

Phó tổng thống Mỹ năm nay có cơ hội để làm nên lịch sử, nhưng cơ hội đắc cử lần này liên quan mật thiết đến ông Biden cũng như hiệu quả điều hành đất nước trong gần 4 năm qua của ông chủ Nhà Trắng.

Ông Biden liên tục nhận đánh giá tín nhiệm thấp, với khoảng 2/3 cử tri cho rằng Mỹ đang đi sai hướng. Lạm phát Mỹ đạt đỉnh trong nhiệm kỳ của ông Biden, sau đó hạ nhiệt phần nào nhờ chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Thế giới xảy ra hai cuộc xung đột lớn, khiến nhiều cử tri nhớ về giai đoạn hòa bình và kinh tế thịnh vượng trước đại dịch Covid-19 dưới thời Trump.

Trong hầu hết năm 2024, ông Biden cùng các quan chức lãnh đạo đảng Dân chủ vẫn tự tin Tổng thống dễ dàng tái đắc cử, nhờ những thành tựu về lập pháp. Đây được cho là lý do ông Biden không rời cuộc đua sớm, bất chấp các lo ngại về tuổi tác.

Sau khi thừa hưởng chiến dịch từ ông Biden, bà Harris nhanh chóng giúp đảng Dân chủ đoàn kết, tập hợp sự ủng hộ từ cử tri và giúp thu về lượng tiền quyên góp kỷ lục cho nỗ lực tranh cử.

Nhưng những động lực này không giúp bà Harris "thoát bóng" ông Biden, và khó thuyết phục cử tri rằng mình sẽ đưa Mỹ sang trang mới. Bà không thể hiện mình khác biệt thế nào khi cử tri cho bà cơ hội, ngoại trừ "sẵn sàng đưa thành viên Cộng hòa vào nội các nếu đắc cử".

Dù vậy, chiến dịch của Phó tổng thống không cho rằng bà Harris gánh trách nhiệm. "Chúng tôi đã triển khai chiến dịch tốt nhất có thể, khi ông Joe Biden vẫn đang là Tổng thống", một trợ lý của bà Harris nói với Politico. "Ông Joe Biden là lý do duy nhất khiến bà Harris và phe Dân chủ thua tối nay". Một cố vấn khác cho rằng ông Biden lẽ ra nên rút lui sớm hơn.

Phó tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Douglas, bang Arizona ngày 27/9. Ảnh: AFP

Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch, bà Harris đã biến cuộc đua vào Nhà Trắng thành cuộc trưng cầu dân ý về ông Trump. Bà đề cập quá khứ làm công tố viên, đối lập với hàng loạt rắc rối pháp lý của Trump. Cựu tổng thống đang đối mặt 4 vụ truy tố cấp bang và liên bang, trong đó đã bị kết tội vụ làm giả hồ sơ kinh doanh để ém thông tin khi tranh cử năm 2016 ở New York.

Trong những tuần cuối chiến dịch, bà Harris càng gia tăng công kích, gọi cựu tổng thống là "kẻ phát xít", cảnh báo ông "bất ổn và rối loạn". Bà định hình cuộc bầu cử là cuộc chiến vì nền dân chủ, không khác nhiều so với nỗ lực của ông Biden trước đó.

Harris cũng dành phần lớn thời gian để công kích Trump trong những cuộc phỏng vấn hiếm hoi với truyền thông.

Bà không nêu rõ lập trường về hai cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine. Về Mỹ, bà cũng không đưa ra câu trả lời đáng tin nào về nỗ lực xử lý các vấn đề trong nước. Bà chủ yếu hướng đến nhóm cử tri nữ với các thông điệp ủng hộ quyền phá thai, điều mà ông Trump cho rằng nên để tùy các bang quyết định.

"Kamala Harris thất cử vì chuyển trọng tâm sang công kích ông Trump", theo nhà thăm dò kỳ cựu Frank Luntz. "Cử tri vốn đã biết mọi thứ về Trump và họ muốn biết nhiều hơn về kế hoạch của Harris trong giờ đầu tiên, ngày đầu tiên, tháng đầu tiên và năm đầu tiên nếu bà đắc cử".

"Đó là sai lầm khủng khiếp, khi chiến dịch của bà lại chiếu đèn sân khấu vào Trump hơn là các đề xuất chính sách của Harris", Luntz nói với USA Today.

Bà Kamala Harris (giữa) tại phòng ghi hình chương trình The View của đài ABC ở New York ngày 8/10. Ảnh: AFP

Thất bại của bà Harris đánh dấu lần thứ hai trong ba mùa bầu cử gần đây đảng Dân chủ đặt kỳ vọng vào một ứng viên nữ, với niềm tin có thể tạo nên lịch sử. Nhưng cả hai người đều bị ông Trump đánh bại.

Jason Miller, cố vấn chiến dịch của ông Trump, đã xác định được bước ngoặt trong cuộc đua giữa hai ứng viên, khi còn cách ngày bầu cử gần một tháng. Đó là khi bà Harris trả lời phỏng vấn từ Sunny Hostin, đồng dẫn chương trình The View vào ngày 8/10.

Hostin hỏi bà Harris một câu, được đánh giá là dễ, rằng nếu đắc cử, ứng viên Dân chủ sẽ làm gì khác biệt so với chính quyền ông Biden. "Chưa có điều gì hiện ra trong tâm trí tôi", bà Harris đáp lại. Câu trả lời lập tức khiến đội ngũ cố vấn của Phó tổng thống lo ngại và trở thành yếu tố để phe ông Trump công kích.

Trong những tuần tiếp theo, bà Harris đã cố gắng sửa chữa sai lầm nhưng tác động tiêu cực từ bình luận này khó đảo ngược. "Ai mà ngờ được Sunny Hostin của The View lại đặt dấu chấm hết cho nỗ lực của bà Harris?", Miller nói.

Như Tâm (Theo Politico, USA Today)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020