Chuyên mục  


Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang trong tình trạng hỗn loạn sau khi thông qua một dự luật chi tiêu được soạn thảo vội vàng nhằm ngăn chính phủ đóng cửa. Nỗi thất vọng với Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đang âm ỉ, những cuộc đấu đá nội bộ giữa các đảng viên Cộng hòa đang lan rộng, tất cả đều bắt nguồn từ Elon Musk.

Elon Musk tại một hội nghị về công nghệ ở Paris, Pháp, hồi năm 2023. Ảnh: Reuters

Hồi giữa tháng 12, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã đạt được thống nhất về một dự luật chi tiêu. Tuy nhiên, Musk đã đăng hơn 150 bài trên X kêu gọi đảng Cộng hòa tại Hạ viện bác bỏ nó. Tổng thống đắc cử Trump sau đó cũng lên tiếng phản đối, khiến dự luật "chết yểu".

Phiên bản thứ hai của dự luật được đảng Cộng hòa đưa ra nhằm chiều lòng ông Trump và Musk, nhưng bị phe Dân chủ phản đối. Phiên bản thứ ba cuối cùng được thông qua ngay trước hạn chót, lược bỏ đi nhiều nội dung so với bản ban đầu.

Đối với quốc hội cũng như bộ máy chính quyền tại Washington, đây là dấu hiệu cảnh báo về những hỗn loạn sắp xảy ra, khi những kế hoạch được xây dựng cẩn thận có thể bị người đàn ông giàu nhất thế giới phá bỏ. Nhưng đối với Musk, nó chỉ giống như một ngày làm việc bình thường tại văn phòng của ông.

Musk được Tổng thống đắc cử Trump chọn làm đồng chủ tịch Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), thể hiện tinh thần của Thung lũng Silicon là "hành động nhanh và vượt rào, phá vỡ mọi thứ".

Nhưng tư duy sẵn sàng phá bỏ cái cũ để xây dựng cái mới và chấp nhận rủi ro nhằm phục vụ cho sứ mệnh của Musk, như ông đã làm với SpaceX, Tesla hay Twitter, đang xung đột gay gắt với văn hóa chính trị đã ăn sâu bám rễ ở Washington, vốn hoạt động rất khác biệt.

Phương châm "nếu chưa thất bại nghĩa là bạn chưa đủ sáng tạo" của người sáng lập SpaceX trái ngược hoàn toàn với cách làm việc nghiêm ngặt, cứng nhắc và không chấp nhận rủi ro trên chính trường Mỹ.

Khác biệt này có thể định hình thành công và thất bại của chính quyền ông Trump, ít nhất là trong thời gian Musk còn giữ vai trò tại DOGE và ông còn quan tâm đến công việc chính phủ, giới chuyên gia đánh giá.

"Ở Thung lũng Silicon, Elon Musk là người tiếp nối truyền thống đấu tranh chống lại bộ máy quan liêu. Triết lý kinh doanh của ông là phá vỡ thứ gì đó còn hơn cải cách nó", Charles Petersen, nhà sử học thuộc Đại học Stanford, nhận xét.

Musk khăng khăng rằng dự luật chi tiêu đầu tiên của Hạ viện đầy rẫy những khoản chi tiêu lãng phí. Ông coi việc phá bỏ nó, ngay cả khi sẽ dẫn đến nhiều hỗn loạn, là một phần trong nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu của chính phủ mới.

Trong nhiều thập kỷ, Musk đã không ngần ngại chấp nhận rủi ro cực độ tại các công ty của mình và đôi khi sẵn lòng đối mặt những thất bại lớn, miễn là nó mang đến phần thưởng xứng đáng.

Trong giai đoạn 2006-2008, ba lần phóng tên lửa đầu tiên của SpaceX đều thất bại, khiến công ty và bản thân Musk đứng bên bờ vực phá sản. Ngay cả sau khi Musk xoay chuyển tình thế với nhiều lần phóng thành công, ông vẫn tiếp tục thúc đẩy đổi mới bằng mọi giá, chấp nhận thất bại nhiều hơn và rủi ro lớn hơn.

Từ năm 2020, khi Musk phát triển tàu vũ trụ Starship, nhiều cuộc thử nghiệm đã kết thúc bằng những vụ nổ dữ dội. Khi bị chỉ trích, Musk thường lờ đi những lo ngại và thúc đẩy quan điểm chấp nhận rủi ro để thành công. Sau một lần phóng thất bại, Musk thản nhiên tweet: "Đêm nay của bạn thế nào?" và đính kèm video về tên lửa của ông bị vỡ tan.

Đối với SpaceX, đó là chi phí phải trả khi làm kinh doanh. Khi một vụ phóng thử thất bại, các chuyên gia tại công ty có thể nhận ra vấn đề với sản phẩm của họ.

Điều tương tự diễn ra ở Tesla. Công ty này từng suýt phá sản vào năm 2008 và kể từ khi thoát khỏi tình trạng đó, Tesla đôi khi vẫn tiến hành những bước đổi mới chóng vánh dẫn đến thất bại.

Chỉ tuần trước, Tesla phải triệu hồi 700.000 xe vì lỗi hệ thống cảm biến áp suất lốp, nhưng đã khắc phục được sự cố bằng bản cập nhật phần mềm qua mạng.

Musk liên tục thử nghiệm xem ông có thể đi xa đến mức nào trước khi một thứ gì đó nổ tung và trở nên không thể sửa chữa được. "Đó là điều mà nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ luôn phải đối mặt", Petersen nói. "Câu hỏi đặt ra là bạn có thể phá một thứ gì đó đến mức nào trước khi nó thực sự hỏng?".

Tesla và SpaceX cuối cùng biến Musk thành người giàu nhất hành tinh. Cho đến nay, việc ông mua lại Twitter lại là một câu chuyện khác.

Quyết định sa thải hàng loạt nhân viên ngay sau khi Musk tiếp quản Twitter đã tạo ra cú sốc cho nền tảng mạng xã hội này. Cách ông sử dụng Twitter, về sau đổi tên thành X, để thúc đẩy hệ tư tưởng chính trị của mình cũng gây ra tổn thất không kém, khi nhiều nhà quảng cáo rời khỏi nền tảng.

Giá trị của X đã giảm gần 72% so với khi Musk mua lại, nhưng mạng xã hội này đã trở thành một chiếc "loa phóng thanh khổng lồ" của Musk khi ông tham gia sâu hơn vào chính trị.

Tỷ phú đã sử dụng nó để có được lòng tin từ ông Trump và đột nhiên nắm quyền lực đối với các cơ quan quản lý liên bang, những bên giám sát các lợi ích kinh doanh của ông.

Musk hiện vẫn trong quá trình tìm hiểu loại áp lực nào có hiệu quả ở Washington. Hồi đầu tháng, tổng giám đốc điều hành X Linda Yaccarino đã công bố một dự luật "do X dẫn dắt" là phiên bản cập nhật của Đạo luật An toàn trực tuyến cho Trẻ em và thúc giục quốc hội thông qua nó.

Musk lập tức lên tiếng ủng hộ dự luật, viết trên X rằng "bảo vệ trẻ em luôn phải là ưu tiên số một", nhưng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã đóng sập cánh cửa của nó, lưu ý rằng dự luật "có thể dẫn đến việc chính phủ kiểm duyệt thêm những tiếng nói bảo thủ hợp lệ".

Musk không quen với kiểu phản ứng như vậy. Trong các công ty của mình, khi xác định được vấn đề và quyết định giải quyết chúng, Musk thường hành động nhanh chóng, quyết liệt theo kiểu chỉ đạo từ trên xuống, thống trị mọi khía cạnh trong đế chế của ông.

"Về cơ bản, những gì Elon Musk làm là xuất hiện mỗi tuần tại các công ty của mình, xác định vấn đề lớn nhất mà họ gặp phải trong tuần đó và giải quyết nó", Marc Andreessen, nhà đầu tư mạo hiểm và là người ủng hộ Tổng thống đắc cử Trump, gần đây cho biết. "Ông ấy làm như vậy mỗi tuần trong 52 tuần liên tiếp. Như vậy, mỗi công ty của ông ấy đã giải quyết được 52 vấn đề lớn nhất trong năm".

Giờ đây, Musk phải đối mặt với nhiều thứ hơn là một công ty toàn cấp dưới. Có những nhánh ngang hàng của chính phủ cần phải giải quyết. Ông sẽ phải thuyết phục một nhóm người có nền tảng quyền lực độc lập và đủ loại mối quan tâm riêng. Hậu quả của việc hành động hay không ở một quy mô hoàn toàn khác. Việc một số bộ phận trong bộ máy quan liêu ngừng hoạt động có thể khiến hàng triệu người Mỹ mất quyền tiếp cận các quyền lợi và chức năng thiết yếu của chính phủ, giới quan sát đánh giá.

Để thành công trong mục tiêu cắt giảm chi tiêu chính phủ, Musk sẽ cần hiểu rõ hơn về cách bộ máy chính phủ thực sự hoạt động.

"Musk rõ ràng đã cho thấy ông không quan tâm đến quy định", Jonathan Kerstein, đối tác tại Centre Street Partners, công ty đầu tư tập trung vào công nghệ, bình luận.

Musk đã dành thời gian chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng để tạo dựng hình ảnh ấn tượng ở Washington, khẳng định rằng những thay đổi mang tính bước ngoặt sẽ đến. Tuy nhiên, để thành công trong nhiệm vụ đó, ông sẽ cần trợ giúp từ các bộ phận của nhà nước quan liêu mà ông được giao nhiệm vụ tháo dỡ.

Tỷ phú Elon Musk (trái) và Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Boca Chica, bang Texas, ngày 19/11. Ảnh: AP

Trong những ngày đầu của Tesla và SpaceX, Musk từng nói ông đã cho cả hai dự án này khoảng 10% cơ hội thành công. Việc thành công với tỷ lệ đặt cược nhỏ nhoi đó đã biến Musk thành người khổng lồ tại Thung lũng Silicon.

Nhưng việc đặt cược lớn vào nỗ lực "phá vỡ để cải tổ" chính phủ Mỹ và tuyên bố rằng thất bại là tiền đề của thành công sẽ có thể không biến ông thành anh hùng, thậm chí ngược lại.

Đây là bản chất của công việc quản lý chính phủ, nơi thất bại có thể dẫn đến đau khổ cho người dân, Calder McHugh, bình luận viên kỳ cựu từ Politico, nhấn mạnh. Và những thất bại đó cũng có thể khiến người nắm giữ quyền lực trở nên mất uy tín rất nhanh chóng trong mắt người dân.

"Musk có mục tiêu của riêng mình. Có những điều ông ấy muốn chính phủ thực hiện, nhưng ông ấy không thể đạt được điều này nếu cứ đốt cháy tất cả", nhà sử học Petersen nói.

Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020