Trong cuộc họp báo ở thủ đô Minsk ngày 6/7, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bất ngờ tuyên bố ông trùm Wagner Yevgeny Prigozhin và các thành viên tập đoàn quân sự tư nhân này hiện không ở Belarus và không rõ liệu họ có chuyển đến trú chân ở nước này hay không.
"Ông ấy đang ở St. Petersburg hoặc có thể sáng nay tới Moskva hay nơi nào đó khác. Nhưng hiện tại, ông ấy không còn trên lãnh thổ Belarus", Tổng thống Lukashenko nói. Thông báo này trái ngược với những gì ông Lukashenko đưa ra trước đó, cũng không giống với thỏa thuận mà Tổng thống Belarus đứng ra làm trung gian giữa Điện Kremlin và Prigozhin để chấm dứt cuộc nổi loạn hôm 24/6.
Theo thỏa thuận, trùm Wagner sẽ tới Belarus và được miễn tố sau khi ra lệnh rút quân. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khi đó nói rằng thỏa thuận đạt được vì Prigozhin và ông Lukashenko đã quen biết nhau "thời gian dài, khoảng 20 năm". Song ngày 6/7, ông Lukashenko cho hay Tổng thống Vladimir Putin mới là bạn lâu năm của Prigozhin, vì hai người đã biết nhau khoảng 30 năm.
Mick Krever và Matthew Chance, hai nhà phân tích của CNN, nhận định lãnh đạo Nga và Belarus giờ đây dường như đều không muốn bị coi là "bạn thân nhất" của Prigozhin.
Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin tại Moskva, Nga hồi tháng 4. Ảnh: Reuters
Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới cuộc nổi loạn của Prigozhin là sắc lệnh mà Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ban hành, yêu cầu các tay súng Wagner ký hợp đồng trực tiếp với chính phủ Nga.
Ông trùm Wagner nhất quyết từ chối, với lo ngại Wagner sẽ nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Bộ Quốc phòng, khiến quyền lực của ông gần như biến mất. Tuy nhiên, ký hợp đồng với chính phủ lại là điều kiện mà Tổng thống Lukashenko đưa ra để tiếp nhận Wagner vào lãnh thổ Belarus.
Ông Lukashenko cho biết nếu triển khai quân ở Belarus, tập đoàn quân sự tư nhân Nga sẽ phải ký hợp đồng mang tính ràng buộc về mặt pháp lý với các điều khoản rõ ràng. Ông nói cơ chế hoạt động của Wagner sẽ do luật hoặc sắc lệnh của Tổng thống quy định.
"Nếu Wagner được triển khai ở đây, họ sẽ bảo vệ lợi ích của chúng tôi giống như quân đội Belarus", ông nói.
Điều khoản này đồng nghĩa Prigozhin sẽ phải chấp nhận điều kiện mà ông từng bác bỏ và sử dụng biện pháp quân sự để chống lại. Nếu không ký hợp đồng với chính phủ Belarus, trùm Wagner và các tay súng trung thành với mình sẽ rơi vào tình cảnh "không chốn dung thân", khi các bên đều quay lưng với ông ta.
Hiện chưa rõ đây có phải là lý do Prigozhin trở về Nga hay không. Một doanh nhân ở St. Petersburg xác nhận trùm Wagner đã trở về thành phố và đã nhận lại tiền cùng những vũ khí đã bị cơ quan an ninh Nga tịch thu trong đợt đột kích sau vụ nổi loạn.
"Vụ nổi loạn không phải dấu chấm hết cho Prigozhin", doanh nhân này nói ngày 5/7. "Họ đã trả lại tất cả tiền cho ông ấy. Họ thậm chí còn trả lại cho ông khẩu súng lục Glock và vũ khí khác".
Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty phân tích chính trị Nga, cho rằng Điện Kremlin có vẻ đang cho Prigozhin thời gian ở Nga để giải quyết mạng lưới kinh doanh phức tạp của ông. Stanovaya tin Prigozhin sẽ không ở Nga nếu không có sự cho phép của ông Putin.
"Tổng thống Putin hành động như vậy không phải vì sợ Prigozhin hay không còn lựa chọn nào khác, mà vì xem đây là cách đơn giản hơn. Điều đó có nghĩa ông không còn coi Prigozhin là mối nguy hiểm", bà nói.
Trong cuộc họp báo ở Minsk, Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh lãnh đạo Nga sẽ không "tiêu diệt" Prigozhin, đồng thời khẳng định cuộc nổi loạn của Wagner không làm suy yếu quyền lực của ông Putin. "Điều này chỉ khiến ông ấy tập trung hơn và quyết tâm bảo vệ đất nước, đương đầu với thử thách", ông nói.
Ông Lukashenko, đồng minh thân cận và trung thành với Tổng thống Putin, cũng tái khẳng định tình bạn bền vững với lãnh đạo Nga. Ông nói ngay cả lúc căng thẳng, "chúng tôi có các kênh liên lạc và chỉ trong vài phút sẽ sắp xếp một cuộc trò chuyện hoặc gặp mặt trực tiếp trong nhiều giờ. Chúng tôi trên cùng một con thuyền".
Lãnh đạo Belarus cho biết ông và Tổng thống Putin sẽ sớm gặp nhau và thảo luận về tương lai của Wagner.
"Tôi không nghĩ có bất kỳ vấn đề gì khi Wagner làm việc vì lợi ích của Nga. Không nên đánh mất một đơn vị như vậy", ông Lukashenko nói, nhận xét Wagner là đơn vị chiến đấu rất mạnh.
24 giờ nổi loạn của Wagner. Nguồn: AFP, Reuters, TASS
Nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Prigozhin vẫn là một ẩn số, khi cả Belarus và Nga dường như đều không muốn đề cập trực tiếp đến người đàn ông này.
"Chúng tôi không theo dõi hành động của ông ấy. Chúng tôi không có khả năng và cũng không muốn làm như vậy", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 6/7, khi được hỏi về nơi ở hiện nay của Prigozhin.
David Silbey, giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell, New York, cho rằng phát biểu của ông Peskov cho thấy Nga đang tìm cách hạ thấp vai trò của trùm Wagner.
"Nga rõ ràng có thừa sức giám sát mọi hoạt động của Prigozhin và họ chắc chắn đang làm điều đó khi trùm Wagner về nước", Silbey nói. "Nhưng đó là cách họ gạt ông ta ra rìa, rằng Prigozhin giờ đây đã thuộc về dĩ vãng".
Tương lai của trùm Wagner càng trở nên bấp bênh hơn khi Tổng thống Lukashenko tuyên bố Prigozhin không bị xóa sổ sau vụ nổi loạn chỉ bởi vì ông Putin "không phải là người tàn nhẫn và thù hằn". Tuy nhiên, việc Wagner chuyển tới Belarus "sẽ phụ thuộc vào quyết định của lãnh đạo Nga và Wagner", ông Lukashenko nói.
Robyn Dixon và Catherine Belton, hai nhà phân tích của Washington Post, nhận định thông báo này của Tổng thống Belarus ám chỉ ông Putin có thể đảo ngược thỏa thuận với Wagner bất cứ lúc nào.
Dù ông Lukashenko vẫn để ngỏ cánh cửa cho Prigozhin chuyển tới Belarus, hai bên có xung đột lợi ích rõ ràng, theo Pavel Slunkin, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu.
"Prigozhin quyết tâm duy trì quyền lực với Wagner, tập đoàn mang lại cho ông lợi ích tài chính, an ninh và ảnh hưởng chính trị. Trong khi đó, ông Lukashenko cũng sẽ tìm cách kiểm soát hoàn toàn hoặc một phần Wagner, khẳng định vị thế trước Prigozhin", Slunkin nhận định.
Theo Slunkin, điều rõ ràng là Prigozhin đã trả giá đắt khi mạo hiểm mọi thứ từ quan hệ với Nga, ảnh hưởng quân sự và thậm chí cả mạng sống bằng hành động nổi loạn bốc đồng của mình.
"Quyết định rút quân của Prigozhin đã ngăn nguy cơ Wagner bị hủy diệt và tránh đổ máu, nhưng cũng xóa tan hình ảnh là một chỉ huy đáng tin cậy trong mắt công chúng và giới lãnh đạo Nga. Quyết định điều quân áp sát Moskva tháng trước đã biến ông trở thành kẻ phản bội, thua cuộc và hèn nhát", Slunkin nói.
Thanh Tâm (Theo CNN, Washington Post, BelTa)