Chuyên mục  


ttxvn_fukushima_3.jpgCác bể nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, ngày 8/1/2021. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 7/7, Cơ quan Quản lý hạt nhân của Nhật Bản (NRA) đã cho phép Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển.

NRA xác nhận các thiết bị xả thải đã vượt qua các cuộc kiểm tra của cơ quan này.

Theo Chính phủ Nhật Bản, quy trình xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển sẽ được tiến hành vào cuối mùa Hè năm nay.

Theo hãng tin Yonhap, phía Hàn Quốc đánh giá kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về độ an toàn nếu được tiến hành đúng như kế hoạch.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu một số loại thực phẩm từ 10 tỉnh của Nhật Bản, đồng thời yêu cầu kiểm nghiệm nghiêm ngặt nồng độ phóng xạ đối với các mặt hàng nhập khẩu từ những địa phương còn lại của quốc gia Đông Bắc Á này.

[Xả nước thải Fukushima tác động "không đáng kể" tới Hàn Quốc]

Trong tuyên bố trên WeChat, Hải quan Trung Quốc khẳng định sẽ duy trì giám sát mức độ cao với các lô hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, song không nêu chi tiết những khu vực của Nhật Bản chịu ảnh hưởng của lệnh cấm.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản giấu tên cho biết bộ này đang nghiên cứu các biện pháp phản hồi phù hợp, đồng thời tiếp tục kêu gọi phía Trung Quốc thảo luận vấn đề trên dựa theo các căn cứ khoa học.

Lượng nước ngầm, nước mưa và nước dùng để làm mát tại nhà máy hạt nhân Fukushima số 1, nơi xảy ra sự cố hạt nhân sau thảm họa động đất và sóng thần hồi năm 2011, đã lên tới khoảng 1,33 triệu m3. Do không còn chỗ chứa, nên Chính phủ Nhật Bản và TEPCO đã lên kế hoạch xả lượng nước này ra biển.

Hôm 4/7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo sau 2 năm theo dõi cho thấy kế hoạch xả thải của Nhật Bản sẽ có tác động "không đáng kể" đến môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về độ an toàn.

Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn vấp phải sự phản đối của ngư dân trong nước và nhiều quốc gia trong khu vực, như Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản trong nhiều tháng qua đã nỗ lực thuyết phục người dân trong nước và nước ngoài, thông qua việc tổ chức các chuyến tham quan nghiên cứu nhà máy Fukushima số 1 cho đến các thí nghiệm phát trực tiếp cho thấy sinh vật biển thích nghi trong nguồn nước đã qua xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020