Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS
Hôm 7-7, Mỹ công bố việc lần đầu tiên gửi bom chùm cho Ukraine. Đây là chi tiết thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong bối cảnh Ukraine tiến hành cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga.
Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine: "quyết định rất khó khăn"
Trong phần trả lời phỏng vấn Đài CNN, dự kiến phát sóng ngày 9-7, ông Biden nói với người dẫn chương trình nổi tiếng Fareed Zakaria rằng việc gửi bom chùm cho Ukraine là "một quyết định khó khăn". Tuy nhiên, tổng thống Mỹ vẫn phải hành động khi Kiev cần thêm đạn dược cho cuộc phản công này.
"Đó là một quyết định rất khó khăn đối với tôi, nhưng tôi cũng đã thảo luận với các đồng minh… Người Ukraine đang cạn kiệt đạn dược", ông Biden lý giải.
Bom chùm sẽ tương thích với lựu pháo 155mm mà Mỹ từng gửi Ukraine. Đây từng là món vũ khí giúp Ukraine giành lại một số phần lãnh thổ năm ngoái.
Theo ông Biden, bom chùm sẽ đóng vai trò trong "giai đoạn chuyển tiếp", cho tới khi Mỹ có thể sản xuất thêm lựu pháo 155mm.
Mỹ là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, tới nay Washington vẫn cẩn trọng khi nói về việc gửi vũ khí tầm xa cho Kiev.
Cũng như nhiều nước khác, Mỹ lo ngại Ukraine sẽ tấn công vào lãnh thổ Nga. Nếu xảy ra, đây sẽ là kịch bản có thể kéo tất cả vào một cuộc chiến toàn diện.
Tranh cãi việc Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine
Việc gửi bom chùm của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các nhóm nhân quyền. Tuy nhiên, Washington cho biết đã nhận sự đảm bảo từ Ukraine. Kiev cam kết giảm nguy cơ cho dân thường, không sử dụng bom chùm tại các khu vực đông dân.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trước đó cũng đã giải thích quyết định trên. Ông cho rằng "sẽ có nguy cơ lớn về tổn hại cho người dân nếu lính và xe tăng Nga tràn vào các vị trí của Ukraine và kiểm soát thêm các vùng lãnh thổ Ukraine… vì Ukraine không đủ đạn pháo".
Theo ông Sullivan, Ukraine đã có cam kết bằng văn bản về việc sử dụng bom chùm. Ông khẳng định Chính phủ Ukraine có động cơ giảm thiệt hại vì "đó là người dân của họ".
Mặc dù vậy, tổ chức giám sát nhân quyền HRW vẫn cho rằng "việc chuyển giao các loại vũ khí này sẽ không thể tránh khỏi việc khiến dân thường tổn thương lâu dài, và làm suy yếu sự phản đối việc sử dụng các loại vũ khí này trong cộng đồng quốc tế".
Tổ chức Ân xá quốc tế cũng khẳng định chính quyền ông Biden "phải hiểu rằng bất kỳ quyết định cho phép sử dụng rộng rãi bom chùm nào trong cuộc chiến này cũng sẽ có khả năng dẫn đến một kết quả có thể đoán trước: cái chết của dân thường".