Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS
Ngày 11 và 12-7 tới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ có cuộc họp thượng đỉnh ở thủ đô Vilnius của Lithuania. Khả năng Ukraine gia nhập NATO là trọng tâm của chương trình nghị sự lần này.
* Mỹ: Sẽ thảo luận về Ukraine tại hội nghị NATO
Ngày 7-7, Nhà Trắng cho biết các thành viên NATO sẽ thảo luận về các bước cần thiết để Ukraine đủ điều kiện trở thành thành viên của liên minh quân sự này.
Tuy nhiên, phát biểu của các quan chức NATO tới nay cho thấy ít có khả năng Ukraine sẽ trở thành thành viên sau hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius.
NATO vẫn chia rẽ về cách Ukraine có thể tiến nhanh vào tư cách thành viên. Một số nước lo ngại việc kết nạp Ukraine sẽ đẩy NATO tiến gần tới một cuộc chiến trực diện với Nga.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN phát sóng ngày 7-7, Tổng thống Mỹ Biden nói ông không cho rằng Ukraine đã sẵn sàng gia nhập, cũng như không thấy sự nhất trí trong NATO về việc để Ukraine gia nhập ngay lúc này.
* Thổ Nhĩ Kỳ nói Ukraine xứng đáng vào NATO
"Không nghi ngờ gì với việc Ukraine xứng đáng là thành viên NATO", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 7-7.
Ông Erdogan ngoài ra kêu gọi Ukraine và Nga đàm phán hòa bình, và cho biết sẽ đón Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm vào tháng 8 tới.
* Mỹ tiếp tục ủng hộ Thụy Điển vào NATO
Trong thông điệp đưa ra ngày 7-7, Nhà Trắng cho biết họ kỳ vọng đơn gia nhập NATO của Thụy Điển có thể được phê duyệt trong tương lai gần.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary sẽ không còn phản đối Thụy Điển khi các lãnh đạo NATO gặp nhau tại Lithuania tuần tới.
Theo ông Sullivan, nếu sự phản đối ấy vẫn còn, Mỹ tin rằng việc Thụy Điển được chấp nhận cũng sẽ diễn ra trong "tương lai gần", vì cơ bản các nước có thiện chí với việc Thụy Điển gia nhập NATO.
* Nga cấm tổ chức nhân quyền HRHF
Ngày 7-7, Nga tuyên bố cấm tổ chức nhân quyền Human Rights House Foundation, một nhóm phi lợi nhuận có trụ sở tại Oslo (Na Uy). HRHF là một liên minh gồm 80 tổ chức nhân quyền độc lập hoạt động ở phía tây Balkan, Kavkaz và Đông Âu, bao gồm cả ở Ukraine.
Theo Reuters, phần lớn nguồn quỹ hoạt động của HRHF là từ các nhà tài trợ tư nhân và chính phủ ở châu Âu.
Văn phòng tổng công tố Nga cho biết họ xem hoạt động của HRHF là "không mong muốn" vì nhóm này có mục đích "gây bất ổn" tình hình chính trị trong nước ở Nga.
* Nhật phản đối Hàn Quốc tập trận trên quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima
Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Hàn Quốc về các cuộc tập trận quân sự của nước này trên các đảo tranh chấp.
Ngày 7-7, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo đã triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Tokyo, trong khi Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul cũng triệu tập một quan chức cấp cao của Hàn Quốc để phản đối vụ việc.
"Không thể tranh cãi Takeshima là một lãnh thổ vốn có của Nhật Bản, dựa trên các sự kiện lịch sử và dựa trên luật pháp quốc tế. Cuộc tập trận của quân đội Hàn Quốc là không thể chấp nhận được và vô cùng đáng tiếc", Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói.
Takeshimà là đảo tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Seoul gọi đây là Dokdo.
* Các đồng minh NATO đồng ý chi 'ít nhất 2%' GDP cho quốc phòng
Theo Hãng tin Reuters, hai nhà ngoại giao xác nhận các đồng minh NATO đã đạt được thỏa thuận nâng mục tiêu chi tiêu quân sự của liên minh.
Cụ thể, 31 đồng minh đã nhất trí về "cam kết lâu dài đầu tư ít nhất 2%" GDP của họ vào quân đội trong tương lai, hai nhà ngoại giao cho biết, xác nhận một báo cáo trước đó của hãng thông tấn Đức DPA.
* Thế giới phá kỷ lục ngày nóng nhất lần thứ ba trong tuần này
Thế giới đã ghi nhận ngày nóng chưa từng có vào ngày 6-7, phá vỡ các mức cao nhất trước đó được thiết lập vào 3-7 và 4-7, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục tăng.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,23 độ C vào 6-7, theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ. Kỷ lục này được công bố vài ngày sau đợt nắng nóng dữ dội ở Mỹ, Trung Quốc và Mexico.
* Nhật Bản cấp phép xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Ngày 7-7, Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản (NRA) đã cho phép Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển. NRA xác nhận thiết bị xả thải đã vượt qua các cuộc kiểm tra của cơ quan này.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi (trái) và Chủ tịch TEPCO Tomoaki Kobayakawa - Ảnh: REUTERS
Theo Chính phủ Nhật Bản, quy trình xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển sẽ được tiến hành vào cuối mùa Hè năm nay. Trước đó, ngày 4-7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo sau 2 năm theo dõi, theo đó khẳng định kế hoạch xả thải của Nhật Bản sẽ có tác động "không đáng kể" đến môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về độ an toàn.
* Kẻ xả súng giết 23 người Texas bị kết án 90 án chung thân
Ngày 7-7, một thẩm phán liên bang đã kết án một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng 90 án tù chung thân liên tiếp vì một vụ nổ súng năm 2019. Y đã giết chết 23 người và làm bị thương 22 người khác tại một siêu thị Walmart ở Texas trong khi nhắm vào người gốc Tây Ban Nha, tờ El Paso Times đưa tin.
Từ hồi tháng 2, kẻ xả súng Patrick Crusius, 24 tuổi, đã nhận tội và đồng ý với 90 bản án chung thân liên tiếp để tránh án tử hình liên bang.
Bảo tồn lừa hoang Somali
Một chú lừa hoang Somali, sinh trong tình trạng bị nuôi nhốt, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng ở sở thú Buin, thủ đô Santiago (Chile) vào ngày 6-7. Loài lừa này đang được bảo tồn vì có nguy cơ tuyệt chủng - Ảnh: REUTERS