Chuyên mục  


Cựu tổng thống Donald Trump ngày 5/10 tổ chức sự kiện vận động tranh cử quy mô lớn ở Butler, bang Pennsylvania. Đây chính là nơi ông bị ám sát hụt hồi giữa tháng 7 trong lúc đang phát biểu, viên đạn bay sượt qua, khiến tai phải của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa chảy máu.

"Như tôi vừa nói...", ông Trump bắt đầu, hàm ý tiếp nối bài phát biểu còn dở dang lần trước. Đám đông phía dưới reo hò, hô vang "Chiến đấu! chiến đấu! chiến đấu!". Đây là khẩu hiệu cựu tổng thống đã hô lớn sau khi trúng đạn. Hình ảnh ông giơ nắm đấm, máu chảy bên má phải khi đó trở thành biểu tượng.

"Chiến dịch tranh cử của Trump đang tìm cách khơi lại ngọn lửa và lợi thế mà ông có được sau vụ ám sát hụt", Errol Louis, nhà bình luận chính trị của Spectrum News, trả lời CNN. "Họ muốn gợi mọi người nhớ lại hình ảnh mang tính biểu tượng của cựu tổng thống. Họ muốn đó là hình ảnh trong tâm trí cử tri khi đến hòm phiếu, trong bối cảnh khoảng 20 bang đã bắt đầu bỏ phiếu sớm. Lúc này, ngày nào cũng được coi là ngày bầu cử".

Ông Donald Trump tại sự kiện vận động ở Butler, bang Pennsylvania ngày 5/10. Ảnh: AFP

Pennsylvania là một trong 7 bang chiến trường quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Ông Trump từng "đổi màu" Pennsylvania từ ủng hộ đảng Dân chủ sang Cộng hòa hồi năm 2016 và đánh bại đối thủ Hillary Clinton, nhưng để thua ông Joe Biden ở bang này năm 2020.

Theo giới quan sát, để tránh kịch bản năm 2020 lặp lại, ông Trump cần phải thu hút cử tri đi bầu tại những thành trì bảo thủ ở Pennsylvania như hạt Butler. Bà Kamala Harris, đối thủ của ông Trump năm nay, cũng đang dồn nỗ lực cho bang miền đông này.

"Có một thông điệp ở đây, đúng chứ? Trở lại hiện trường vụ ám sát. Bao nhiêu người sẽ làm điều này? Về mặt tâm lý, bao nhiêu người sẽ sợ hãi, cảm thấy bị đe dọa khi trở lại nơi họ suýt mất mạng", Sam DeMarco, chủ tịch chi nhánh đảng Cộng hòa tại hạt Allegheny lân cận, nói.

"Hành động đó sẽ tiếp thêm động lực cho người ủng hộ Trump và những người đang tham gia chiến dịch vận động cho ông trong những tuần cuối, thúc đẩy họ xuống đường, tiếp cận thêm cử tri tiềm năng", DeMarco giải thích.

Việc ông Trump trở lại Butler phần nào có nét tương đồng với các trường hợp lãnh đạo Mỹ bị ám sát hụt trong quá khứ, sau đó dùng sự kiện để tạo thêm lợi thế chính trị.

Tổng thống Theodore Roosevelt bị nhắm bắn tháng 10/1912 trên đường từ khách sạn ở Milwaukee, bang Wisconsin đến nơi tổ chức vận động và thoát chết nhờ hộp đựng kính bằng kim loại cùng tập tài liệu dày trong túi. Nhưng viên đạn vẫn găm vào ngực ông, tạo ra vết thương to bằng đồng xu, máu thấm ra áo. Trợ lý muốn đưa Roosevelt đến bệnh viện nhưng ông kiên quyết đến sự kiện vận động, và có một trong những phát biểu ấn tượng nhất lịch sử tranh cử.

"Tôi không rõ các bạn có biết tôi vừa bị bắn hay không", ông Roosevelt nói. "Nhưng muốn hạ một con nai sừng tấm thì phải cần nhiều hơn vậy!". Nai sừng tấm là biểu tượng đảng Tiến bộ do ông Roosevelt lập ra.

Tổng thống Ronald Reagan bị bắn năm 1981 bên ngoài khách sạn Hilton, Washington. Ông được cấp cứu và bình phục, sau đó tận dụng đòn bẩy từ vụ ám sát hụt này để đắc cử nhiệm kỳ hai năm 1984.

"Reagan cùng những người xây dựng hình ảnh cho tổng thống khi đó coi vụ ám sát hụt như cơ hội để tìm kiếm sự đồng cảm và ủng hộ cho kế hoạch thuế của ông", David Greenberg, sử gia tại Đại học Rutgers, bang New Jersey, nhận định. "Trump có thể dường như đang hành động tương tự".

Theo cựu chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, ông Trump trở lại Butler mang nhiều hàm ý hơn chỉ là một cuộc vận động. "Ngoài tưởng niệm Corey, ông ấy trở lại còn để hoàn thành công việc", ông McCarthy trả lời Fox & Friends Weekend, nhắc đến Corey Comperatore, lính cứu hỏa đã thiệt mạng khi ông Trump bị ám sát hụt.

"Trump mở đầu bằng 'như tôi vừa nói' hàm ý muốn kết thúc bài phát biểu dang dở và 'nếu có thêm một nhiệm kỳ, tôi sẽ làm hết sức mình vì đất nước, không bao giờ từ bỏ'", ông McCarthy bổ sung.

Ứng viên tổng thống Donald Trump, đảng Cộng hòa (phải) và đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris. Ảnh :AP

Ông Trump và bà Harris đang cạnh tranh sít sao tại các bang chiến trường, gồm Pennsyvalnia, Michigan, Wisconsin, Arizona, Georgia, Nevada và Bắc Carolina.

Trung bình kết quả các thăm dò do Decision Desk HQ/The Hill thực hiện cho thấy bà Harris đang dẫn trước ông Trump ở Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin, trong khi cựu tổng thống chiếm ưu thế ở Arizona và Georgia. Tuy nhiên, chênh lệch giữa hai ứng viên đều rất nhỏ.

"Pennsylvania rõ ràng sẽ là trung tâm của vũ trụ trong 30 ngày tới với cả hai bên, và chúng tôi khá lạc quan về vị thế của mình ở đây, về mặt tổ chức, chính trị và nguồn lực dành cho bang này", Chris LaCivita, cố vấn cấp cao chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói.

"Ông Trump đang có cơ hội để gây ấn tượng về sự mạnh mẽ của đất nước trong mùa bầu cử năm nay. Không còn nhiều cử tri lưỡng lự, nhưng số ít còn lại có thể tìm thấy thông điệp đoàn kết từ một người suýt bị giết hai lần. Nếu ông ấy hành động phù hợp, đó có thể là yếu tố mang tính quyết định trong một cuộc bầu cử sít sao như năm nay", chiến lược gia đảng Cộng hòa Josh Holmes đánh giá, nhắc thêm vụ ông Trump suýt bị ám sát trên sân golf ở bang Florida hồi tháng 9.

Như Tâm (Theo Politico, Fox News)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020