Chuyên mục  


8a9b3bf095f31d9c91dce477733f1020-1733112958928750237282.jpg

Nhiều tình nguyện viên người Việt tham gia hỗ trợ cảnh sát Nhật Bản phát hiện các bài đăng có dấu hiệu lừa đảo - Ảnh: ASAHI

Theo báo Asahi, ngày 1-12, các tình nguyện viên người Việt Nam đang phối hợp làm việc với cảnh sát tỉnh Saitama, Nhật Bản để phát hiện các bài đăng liên quan đến tội phạm trên mạng xã hội, đặc biệt khi những bài này thường bị bỏ qua vì sử dụng tiếng lóng.

Cơ quan chức năng cho biết đây là lần đầu tiên Nhật Bản áp dụng những sáng kiến như vậy vào thực tiễn. Chương trình đã giúp cảnh sát cảnh báo hơn 100 bài đăng có dấu hiệu lừa đảo, nhiều trong số đó đã bị gỡ bỏ sau đó.

Theo đó, các tình nguyện viên sẽ tìm kiếm các từ khóa như "sổ tiết kiệm", "thẻ ngân hàng", "mua" trên những hội nhóm Facebook mà cộng đồng người Việt ở Nhật Bản thường hay truy cập.

Những từ này thường là mồi nhử để lôi kéo người khác tham gia các hoạt động phạm pháp, chẳng hạn như bán sổ tiết kiệm.

V.T. Hiền và L.T. Na, hai thành viên của nhóm tình nguyện viên mạng cho người nước ngoài (FRCV), tích cực hưởng ứng và tham gia chương trình này.

Nếu phát hiện bài đăng có dấu hiệu lừa đảo, cả hai sẽ chia sẻ chúng cùng bản dịch tiếng Nhật và URL đến cảnh sát tỉnh.

“Thật buồn khi thấy một số người Việt tham gia vào các hoạt động phạm pháp", Hiền nói.

“Em vui vì có thể giúp cảnh sát”, Na chia sẻ.

Theo cảnh sát, nhiều bài đăng trên mạng xã hội sử dụng tiếng lóng và viết tắt để tránh bị cơ quan chức năng Nhật Bản phát hiện.

Một số bài đăng cố tình viết sai từ “mua” trong tiếng Việt thành “m.u.a” và sử dụng từ viết tắt “blx” để chỉ giấy phép lái xe.

Cảnh sát cho biết những từ viết tắt và tiếng lóng trên mạng như vậy khiến việc phát hiện các bài đăng liên quan đến tội phạm trở nên khó khăn đối với các biên dịch viên người Nhật.

Do đó họ đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các trường ngôn ngữ và dạy nghề trong tỉnh nơi người Việt đang học.

Khoảng 20 sinh viên và nhân viên người Việt từ ba tổ chức khác nhau đã tham gia vào FRCV.

Kể từ khi FRCV chính thức tham gia vào cuộc chiến này từ tháng 7 năm nay, các cuộc tuần tra của nhóm và cảnh sát đã dẫn đến cảnh báo cho 41 bài trong khoảng ba tháng, trong đó có 23 bài viết đã bị xóa.

“Có những từ lóng liên quan đến tội phạm mà chỉ người bản xứ mới có thể phát hiện ra”, một viên cảnh sát tỉnh cho biết. “Chúng tôi hy vọng rằng hoạt động của FRCV sẽ giúp bắt giữ nhiều nghi phạm liên quan đến việc bán tài khoản ngân hàng và các tội phạm khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với họ".

Cảnh sát tỉnh cũng đang xem xét mở rộng sáng kiến này sang các nền tảng mạng xã hội khác và các ngôn ngữ ngoài tiếng Việt.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020