Chuyên mục  


atacms-17339582830551831806904.jpg

Mảnh vỡ của tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất, được lực lượng vũ trang Ukraine bắn vào ngày 25-11, rơi tại sân bay Kursk-Vostochny ở vùng Kursk, Nga - Ảnh: REUTERS

Nga dọa trả đũa sau khi bị Ukraine tấn công bằng tên lửa ATACMS

Ngày 11-12, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã bắn 6 quả tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa do Mỹ cung cấp vào một căn cứ không quân ở thành phố cảng Taganrog thuộc khu vực Rostov.

Hai trong số các tên lửa ATACMS đã bị bắn hạ bởi kíp chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không Pantsir, trong khi những tên lửa khác bị chệch hướng bởi thiết bị chiến tranh điện tử.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm rằng không có quân nhân nào bị thương, nhưng các mảnh đạn rơi đã "gây hư hại nhẹ" cho các phương tiện quân sự và tòa nhà lân cận.

"Cuộc tấn công này bằng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp sẽ không thể không bị trả đũa, và các biện pháp phù hợp sẽ được thực hiện", Bộ Quốc phòng Liên bang Nga nhấn mạnh.

Tổng thống Liên bang Nga, ông Putin trước đó đã đe dọa phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik vào trung tâm Kiev nếu Ukraine không ngừng các cuộc tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga bằng tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp.

Cũng trong ngày 11-12, một quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên cho biết Nga có thể sẽ lại nhắm mục tiêu vào Ukraine bằng tên lửa Oreshnik chỉ trong vài ngày tới.

Nga đề cử đại sứ mới tại Mỹ

Ngày 11-12, Hãng thông tấn RIA đưa tin rằng Nga đã chính thức đề cử đại sứ mới tại Mỹ, thể hiện quyết tâm tăng cường quan hệ ngoại giao trong bối cảnh quốc tế đầy biến động.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, Matxcơva đã gửi yêu cầu chính thức đến Washington để phê duyệt ông Alexander Darchiev - người đang giữ chức vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Nga.

Động thái đề cử đại sứ mới được xem là một phần trong chiến lược ngoại giao của Nga nhằm duy trì kênh liên lạc với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu leo thang.

Trước đó, báo Kommersant của Nga cũng đã đưa tin rằng ông Darchiev - một nhà ngoại giao kỳ cựu và am hiểu về quan hệ Bắc Mỹ, sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga từ chối bình luận chi tiết về thông tin này với lý do hạn chế pháp lý.

Ông Antonov - người tiền nhiệm - đã trở về Nga vào tháng 10 vừa qua sau khi kết thúc nhiệm kỳ.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza

Ngày 11-12, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) khóa 79 đã nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và kéo dài tại Dải Gaza.

Cụ thể, với 158 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 13 phiếu trắng, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết A/ES-10/L.33 yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và kéo dài tại Dải Gaza, đồng thời trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các con tin.

Bên cạnh đó, Đại hội đồng LHQ cũng yêu cầu Israel xóa bỏ lệnh cấm đối với Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hiệp Quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA).

gaza-17339584027932081227115.jpg

Một người Palestine bị thương được đưa đến bệnh viện sau cuộc không kích của Israel tại Deir Al-Balah, miền trung Dải Gaza, ngày 11-12 - Ảnh: REUTERS

Mỹ giữ nguyên quân số đồn trú tại Hàn Quốc

Ủy ban Quân lực thuộc Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã nhất trí về dự thảo Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng (NDAA) tài khóa 2025, trong đó có nội dung duy trì lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc như hiện nay là 28.500 người.

Dự luật giữ nguyên nội dung về việc Washington sẽ sử dụng mọi nguồn lực quốc phòng để thực hiện cam kết răn đe mở rộng với Seoul và tăng cường mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn. Đây đều là những nội dung đã được nêu trong NDAA trong suốt mấy năm qua.

Tuy nhiên, dự luật lần này không bao gồm điều khoản về hạn chế cắt giảm quân số Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, vốn được ban hành trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Donald Trump trước đây.

Khi đó, nhằm ngăn chặn ông Trump rút hoặc cắt giảm lực lượng đồn trú tại Hàn Quốc, Quốc hội Mỹ đã đưa vào điều khoản rằng ngân sách được quy định trong NDAA không được sử dụng để giảm số lượng binh lính Mỹ tại Hàn Quốc xuống dưới 28.500 người.

Thời gian qua, ông Trump đã để ngỏ việc cắt giảm số quân Mỹ đồn trú tại nước ngoài, gây áp lực yêu cầu các đồng minh nâng mức chia sẻ chi phí quân sự cho quân đội Mỹ đặt tại nước sở tại. Tuy nhiên, dự luật năm tới với ngân sách tăng 1% so với năm nay, bao gồm nội dung yêu cầu đưa ra các phương án hợp tác quân sự ba bên Mỹ - Nhật - Hàn.

Ông Trump chọn cựu lãnh đạo CIA làm tân đại sứ Mỹ tại Mexico

Ngày 12-12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử quân nhân về hưu Ronald Johnson làm đại sứ Mỹ tại Mexico.

Từng là lãnh đạo Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) chuyên về chống tội phạm ma túy, khủng bố và di cư bất hợp pháp, ông Johnson được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần hóa giải những khúc mắc trong hàng thập kỷ qua giữa hai quốc gia láng giềng, đặc biệt liên quan đến vấn đề buôn bán ma túy từ Mexico sang Mỹ và vấn đề người di cư quá cảnh tại Mexico để nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ về tình báo chiến lược tại Học viện Tình báo quốc gia Mỹ, ông Johnson từng là thành viên Lực lượng Tác chiến đặc biệt Mỹ, hoạt động tại nhiều địa bàn từ Mỹ Latin đến châu Âu, trong đó đáng chú ý là cuộc nội chiến tại El Salvador trong những năm 1980 và các cuộc xung đột vũ trang tại khu vực Balkan những năm 1990.

Sau khi giải ngũ, ông Johnson, người có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Tây Ban Nha, gia nhập đội ngũ lãnh đạo của CIA với nhiệm vụ chống tội phạm ma túy, khủng bố và di cư bất hợp pháp tại khu vực Mỹ Latin (không bao gồm Mexico). Ông cũng từng tham gia nhiệm vụ huấn luyện cho các lực lượng đặc nhiệm tại nhiều nước trong khu vực trước khi được chỉ định làm đại sứ Mỹ tại El Salvador.

ronald-johnson-2-1733958513266544517525.jpg

Ông Ronald Johnson được ông Trump đề cử làm tân đại sứ Mỹ tại Mexico - Ảnh: REUTERS

Israel bắt đầu rút quân khỏi Lebanon

Theo Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), lực lượng Israel đã tiến hành đợt rút quân đầu tiên khỏi một thị trấn ở miền nam Lebanon và được thay thế bằng quân đội Lebanon theo thỏa thuận ngừng bắn.

Người đứng đầu bộ tư lệnh, tướng Erik Kurilla đã có mặt tại trụ sở để giám sát đợt rút quân đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ Israel và lực lượng vũ trang Lebanon thay thế tại Al-Khiam.

Thủ tướng Lebanon Najib Mikati cho biết việc triển khai quân đội "tại các khu vực Khiam và Marjayoun là một bước đi cơ bản hướng tới việc tăng cường triển khai quân đội ở phía nam, trong việc thực hiện quyết định ngừng bắn".

Lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 27-11 nhưng cả hai bên đều cáo buộc đối phương vi phạm nhiều lần.

Theo một phần của thỏa thuận, quân đội Lebanon và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc sẽ triển khai ở miền nam Lebanon khi quân đội Israel rút lui trong thời gian 60 ngày.

Hezbollah cũng có ý định rút lực lượng về phía bắc sông Litani, cách biên giới khoảng 30km và phá dỡ cơ sở hạ tầng quân sự ở miền nam Lebanon.

Lớp học ở Gaza

goc-anh-gnay-11122024-1733958567163739638681.jpg

Trong lớp học bị đánh bom tan hoang ở thành phố Khan Yunis, Gaza, một cô giáo vẫn đang tiếp tục công việc giảng dạy của mình bên các em học sinh - Ảnh: AFP

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020