Chuyên mục  


base64-17157911376001975790843.jpeg

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về việc tăng thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc ngày 14-5 - Ảnh: Reuters

"Chiến tranh thương mại" hay "mậu dịch chiến" Mỹ - Trung đã lên cao trào từ thời tổng thống Donald Trump. Nhưng hôm 14-5, Tổng thống Joe Biden đã có nước đi mới.

Từ danh sách tăng thuế quan lên hàng Trung Quốc của chính quyền Trump, ông Biden áp dụng một loạt mức tăng thuế nhập khẩu lên các "lĩnh vực mang tính chiến lược" bao gồm pin xe điện, chip điện tử và thiết bị y tế.

Tranh cãi "cuộc chiến xe điện"

Báo chí đặc biệt quan tâm đến việc xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc bị tăng thuế quan từ 25% lên 100%. Về tổng thể, Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc trợ cấp cho các công ty nước này sản xuất dư thừa, từ đó đổ hàng hóa vào các nước khác để tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Trong thông báo về quyết định tăng thuế quan mới nhất, Nhà Trắng khẳng định việc tăng thuế này nhằm đối phó với "những hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc". "Công nhân Mỹ có thể làm việc hiệu quả và trội hơn bất kỳ ai, miễn là có sự cạnh tranh công bằng. Nhưng từ quá lâu nay chẳng hề có công bằng.

Nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã đổ tiền vào các công ty Trung Quốc... Đó không phải cạnh tranh. Đó là gian lận. Chúng ta sẽ không để Trung Quốc tràn như lũ vào thị trường của mình", ông Biden nói trước các công ty và công đoàn ở Vườn Hồng.

Thái độ cứng rắn với Trung Quốc là một trong những điểm đồng thuận hiếm hoi của hai chính đảng ở Mỹ. Một số ý kiến cho rằng với động thái này, ông Biden có thể thu hút cử tri bằng cách chứng tỏ ông quyết tâm bảo vệ người lao động Mỹ không thua ông Trump - đối thủ của ông Biden tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

Tuy nhiên, Đài ABC cũng chỉ ra sự mâu thuẫn của chính quyền ông Biden vì đã tiếp bước chính sách của ông Trump mà trước đây ông từng chỉ trích.

Khi ông Trump tăng thuế quan lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, ông Biden từng nói: "Ông Trump không hiểu những điều cơ bản. Ông ta cứ nghĩ thuế quan do Trung Quốc chi trả. Bất kỳ sinh viên kinh tế non choẹt nào cũng có thể nói với bạn rằng người Mỹ đang trả cho thuế quan của ông ta".

Chính quyền ông Biden giải thích rằng ngoài giá cả, quyết định của họ cũng xuất phát từ quan sát sự thay đổi trong hành vi của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, Hiệp hội ngành bán lẻ ở Mỹ vẫn kêu gọi ông Biden bãi bỏ việc áp thuế quan mới đây, khẳng định khi người Mỹ còn chật vật chống lạm phát, chính quyền không nên áp thêm thuế đối với những sản phẩm nhập khẩu mà "chính người tiêu dùng và nhà nhập khẩu Mỹ phải trả".

untitled-1-1715791071013216722454.jpg

Nguồn: Nhà Trắng - Đồ họa: TUẤN ANH

Phía trước là hoang mang

Ngoài chính sách đơn phương dựa trên Đạo luật thương mại 1974, Mỹ cũng hy vọng sẽ thuyết phục được các đồng minh châu Âu và châu Á tiếp bước để ngăn Trung Quốc.

Thực tế, bản thân châu Âu cũng đang điều tra nghi vấn trợ cấp thương mại và sản xuất dư thừa của Trung Quốc, và cũng nhìn thấy "giấc mơ xe điện" của dàn lãnh đạo lục địa này bị xe giá rẻ Trung Quốc đe dọa.

Theo đánh giá của một số nhà quan sát, châu Âu sẽ càng có thêm động lực tăng thuế nhập khẩu sau động thái của Mỹ, dù rất ít khả năng sẽ tăng tới 100% như Washington.

Nhưng nếu thương chiến Mỹ - Trung 2.0 phát triển, tương lai của xe điện và hàng sản xuất, hàng hóa nói chung sẽ đi về đâu?

Đa phần các mức thuế quan này đánh lên những sản phẩm hiện không được nhập khẩu số lượng lớn, đồng thời việc áp thuế cũng có giai đoạn hai năm. Chính vì vậy, theo ý kiến của đa số các nhà quan sát kinh tế, hiệu ứng lạm phát tức thì nhiều khả năng sẽ không đáng kể.

Tuy nhiên, câu hỏi phức tạp hơn lúc này là liệu các đợt thuế quan mới có buộc các công ty Mỹ điều chỉnh chuỗi cung ứng hay không. Việc điều chỉnh này có vẻ là một trong những mục tiêu của chính quyền ông Biden khi đưa ra quyết định. Song những gì diễn ra trong suốt đại dịch COVID-19 cho thấy sự điều chỉnh đó rất tốn kém và cần nhiều thời gian.

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định hai vấn đề cần lo nhất của Mỹ là gián đoạn tạm thời chuỗi cung ứng và mức độ trả đũa của Trung Quốc. Trong phản ứng ngày 15-5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi động thái của Mỹ là trường hợp "bắt nạt điển hình", đồng thời khẳng định một số người ở Mỹ đang "mất trí".

Bên cạnh đó, chính sách với nhập khẩu linh kiện pin và xe điện cũng là con dao hai lưỡi, có khả năng làm tăng chi phí sản xuất xe điện. Điều này cũng đồng nghĩa việc khuyến khích phát triển "xanh" chịu tác động khó lường.

Một mặt, các công ty Mỹ buộc phải tự lực trong nền kinh tế xanh, mặt khác phải lưu ý tới việc sẽ tốn thêm chi phí và thời gian cho việc này khi loại bỏ yếu tố Trung Quốc. Trong mắt một số chuyên gia kinh tế, đây là bài toán khó.

Một điểm quan trọng khác là những lo ngại về cách Trung Quốc có thể ứng phó thông qua việc "tuồn" sản xuất sang các nước khác, ví dụ Mexico. Hiện nay, Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến lược "friend-shoring", thuật ngữ dùng để chỉ chiến lược tập trung xây dựng, thúc đẩy quan hệ sản xuất và chuỗi cung ứng giữa Mỹ và các quốc gia mà Washington coi là "bằng hữu".

Với việc tăng thuế quan lên Trung Quốc, các nước "bằng hữu" của Mỹ dĩ nhiên hưởng lợi về ngắn hạn. Đi kèm theo đó là áp lực chứng minh họ không sản xuất thô hàng Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ cũng như không thực hành thương mại với Mỹ theo diện "vi phạm" vấn đề thặng dư thương mại hay luật chống phá giá...

Thương chiến Mỹ - Trung 2.0: Doanh nghiệp Việt âu lo nhiều hơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE), cho biết doanh nghiệp trong hội khá quan tâm đến chính sách thuế quan mới Mỹ sẽ áp lên hàng Trung Quốc.

Trước mắt việc áp thuế lên xe điện Trung Quốc tăng 4 lần, lên mức 100%, sẽ có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam sản xuất xe xuất khẩu sang Mỹ. Dù vậy, cơ hội cho các ngành nghề trong hội, theo ông Tống, cần có thời gian để quan sát và nhìn nhận thêm.

Hiện một số doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam đang như "ngồi trên lửa" trước thông tin thuế nhập khẩu pin mặt trời Trung Quốc sẽ tăng từ 25% lên 50% khi xuất sang Mỹ.

Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào sản xuất pin mặt trời ở Việt Nam và xuất hàng đi Mỹ khá nhiều thì doanh nghiệp Việt chiếm tỉ lệ khá nhỏ. Do đó, trong trường hợp Mỹ kiểm soát gắt gao nguồn gốc xuất xứ, doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt rủi ro khá lớn, khả năng ảnh hưởng bị đánh thuế cao.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất khuôn đựng pin cho xe điện GM, Tesla tại TP.HCM cũng cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang vừa là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang Mỹ, nhưng cũng là thách thức lớn khi nhiều tập đoàn doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư và xuất hàng sang Mỹ.

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các hãng xe điện, đang ồ ạt mở rộng bán hàng tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, Hãng xe điện Trung Quốc BYD có kế hoạch xây nhà máy tại Việt Nam nhưng chưa có lộ trình cụ thể. Trước mắt tháng 6 này BYD sẽ mở 15 showroom ô tô trên tổng 30 showroom đơn vị này xúc tiến tại thị trường Việt.

Ngoài ra, các hãng xe điện Trung Quốc cũng đang bán xe vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh xe điện còn có doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời có nguồn gốc Trung Quốc đầu tư xây dựng nhà máy 450 triệu USD tại Nghệ An như Hainan Drinda...

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020