Nhà hàng ở Trung Quốc tổ chức cuộc thi ăn 108 bánh bao cho một phần ăn miễn phí - Ảnh: GETTY IMAGES
Đài CNN dẫn nguồn tin của Hãng tin Cover (Trung Quốc) về trường hợp của một nhà hàng tại thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên vào tuần qua đã bất ngờ bị cơ quan chức năng địa phương ập vào kiểm tra, khi biết về cuộc thi “thử thách vua bụng to” của nhà hàng.
Người tham gia thử thách sẽ phải ăn 108 "chaoshous" hay bánh bao hoành thánh cay càng nhanh càng tốt, để có thể chiến thắng một bữa ăn miễn phí và một số giải thưởng khác.
Hiện nhà hàng này đang bị điều tra vì vi phạm luật phòng chống lãng phí thực phẩm quốc gia của Trung Quốc.
Ở phương Tây, các cuộc thi ăn thường khá phổ biến và người chiến thắng các cuộc thi này khá có “danh tiếng”.
Đơn cử như cuộc thi Ăn Hot Dog quốc tế Nathan Famous tại Đảo Corney, thành phố New York (Mỹ) vừa được tổ chức vào ngày 4-7 vừa qua đã thu hút hàng triệu người xem qua kênh ESPN, người chiến thắng Joey Chestnut đã ăn 62 chiếc hot dog trong vòng 10 phút.
Tuy nhiên, các cuộc thi này có thể là vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc.
Hãng tin The Cover cho biết, nhà hàng tổ chức cuộc thi ăn bánh bao chỉ là một trong nhiều nhà hàng tại Trung Quốc đang bị điều tra vì tổ chức các cuộc thi ăn.
Năm 2021, Trung Quốc ban hành luật chống lãng phí thực phẩm, sau khi chính phủ nước này chỉ trích gay gắt các blogger phát trực tiếp cảnh họ ăn uống vô độ để thu hút người xem. Nhiều tài khoản của những blogger này sau đó cũng bị các mạng xã hội tại quốc gia này đình chỉ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng lên tiếng việc lãng phí thức ăn là "gây sốc và đáng buồn", và phát biểu cho rằng nguồn cung nông nghiệp là nền tảng an ninh quốc gia hồi tháng 3-2023.
Theo luật, chủ các nhà hàng có thể bị phạt lên đến 1.400 USD nếu họ “lôi kéo hoặc đánh lừa khách hàng để họ gọi món quá nhiều dẫn đến việc lãng phí rõ ràng”.
Các đài phát thanh và truyền hình, cùng các bên cung cấp video và âm thanh, có thể bị phạt gấp 10 lần các nhà hàng nếu bị phát hiện có liên quan đến việc “sản xuất, phát hành, quảng bá cho các chương trình hay các thông điệp phát thanh cho việc ăn uống quá độ”.
Theo cơ quan quản lý thị trường địa phương, nhà hàng nêu trên là “biểu hiện cho việc ăn uống quá độ” và là “lý do cho việc gọi món quá mức của khách hàng”.
Tuy nhiên, một số ý kiến của cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích chính quyền địa phương và cho rằng họ đang “làm quá”.
“Cái này có tính là lãng phí không? Tại sao lại không để mọi người thi xem ai ăn nhiều hơn? Phần thức ăn chưa được dùng đến của họ có được đưa đến tay người nghèo không?”, một người dùng Weibo bình luận.