Chuyên mục  


Các quan chức hàng đầu Ukraine hy vọng hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vinius, Litva tuần tới sẽ là khoảnh khắc đáng nhớ, khi Ukraine sẽ nhận được "tín hiệu rõ ràng" về triển vọng gia nhập NATO và gửi thông điệp mạnh mẽ tới Nga.

Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, nói rằng hội nghị thượng đỉnh phải kết thúc với việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đứng cạnh nhau tuyên bố "hôm nay chúng tôi đã đạt được quyết định lịch sử. Chúng tôi đã mời Ukraine gia nhập NATO".

"Sau đó mọi người sẽ cùng uống champagne", Sak nói.

Song khi hội nghị thượng đỉnh chỉ còn cách vài ngày, kịch bản mà cố vấn Ukraine mong muốn dường như vẫn xa vời. Thay vào đó, câu hỏi đặt ra là Ukraine sẽ còn những lựa chọn nào nếu triển vọng gia nhập thực sự ảm đạm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo ở Kiev ngày 20/4. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký Jens Stoltenberg ngày 7/7 vẫn cho thấy lập trường mơ hồ, khi chỉ nói rằng các đồng minh sẽ "tái khẳng định Ukraine sẽ trở thành thành viên" và "đoàn kết về cách đưa Ukraine đến gần hơn với mục tiêu này".

Mỹ, quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất với những quyết định của NATO, đã hạ thấp kỳ vọng của Kiev suốt nhiều tháng qua bằng cách tập trung vào cuộc thảo luận "đảm bảo an ninh" cho Ukraine thay vì tư cách thành viên trong thời gian tới. Kết nạp Ukraine cũng là điều mà nhiều đồng minh coi là vấn đề không thể thảo luận cho tới khi xung đột với Nga kết thúc.

Reznikov nói sự kiện ở Vilnius là cơ hội để "sửa chữa sai lầm" của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest năm 2008, nơi liên minh hứa hẹn sẽ kết nạp Ukraine và Gruzia, nhưng không nói rõ khi nào hoặc làm thế nào để hiện thực hóa điều này.

"Họ nói với chúng tôi 'cánh cửa đang mở', nhưng không chỉ nơi tìm cánh cửa này hay làm thế nào để vào trong đó", ông Reznikov nói, thêm rằng Ukraine đã sẵn sàng trở thành thành viên NATO.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về sự sẵn sàng của Kiev. Họ cho rằng Ukraine vẫn còn cả chặng đường dài để cải cách quân đội và giải quyết vấn nạn tham nhũng, các vấn đề mà chính trị gia phương Tây quan tâm khi xem xét đơn xin gia nhập của Kiev.

Tổng thống Zelensky cho biết ông hiểu Ukraine chưa thể trở thành thành viên NATO trước khi cuộc chiến với Nga kết thúc, vì chính sách của liên minh là phải giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ trước khi gia nhập. "Chúng tôi hiểu mọi thứ. Nhưng tín hiệu là điều thực sự quan trọng", ông nói.

Dù có hay không có tư cách thành viên, quan chức Ukraine đang tìm kiếm những cam kết an ninh từ phương Tây để có thể thúc đẩy Nga rút quân. Nhiều nhà phân tích cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đặt cược rằng phương Tây sẽ kiệt sức và dừng viện trợ quân sự, kinh tế cho Ukraine khi chiến sự kéo dài.

Thay vì đưa ra cam kết kết nạp Ukraine vào NATO trong tương lai gần, Mỹ đang cố gắng hướng cuộc thảo luận vào các hiệp ước an ninh dài hạn với Kiev. Mỹ ủng hộ kế hoạch loại bỏ những rào cản về kết nạp Ukraine, nhưng không đặt ra mốc thời gian cụ thể để nước này trở thành thành viên NATO.

Tuy vậy, các nhà phân tích không rõ liệu những thỏa thuận an ninh như vậy có giúp ích nhiều cho Ukraine vào lúc này hay không. Dường như không có thành viên NATO nào sẵn sàng gửi binh sĩ tới tham chiến ở Ukraine. Mỹ cũng nhiều lần tỏ ý chưa muốn gửi những vũ khí tân tiến nhất của họ cho Ukraine.

Ông Reznikov từng cho biết "chúng tôi đã nói rõ với các đối tác" rằng đảm bảo an ninh cho Ukraine "phải toàn diện và bao gồm cả hỗ trợ quân sự cùng tài chính, cũng như đảm bảo về kinh tế".

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thêm rằng điều quan trọng là chúng "phải có giá trị". Ông đề cập tới bản ghi nhớ Budapest mà Kiev từng ký năm 1994, đảm bảo rằng Nga và các cường quốc khác không dùng vũ lực quân sự chống lại Ukraine để đổi lấy việc Kiev từ bỏ vũ khí hạt nhân. Reznikov cho rằng bản ghi nhớ này "hóa ra không có giá trị".

Song giới quan sát nhận định Ukraine có thể khó có được các đảm bảo an ninh như mong muốn. Hầu như bất kỳ kết quả nào từ hội nghị ở Vilnius mà thiếu lời mời Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức đều có khả năng khiến Kiev rơi vào tình thế bấp bênh như từng đối mặt sau hội nghị ở Bucharest.

Dù Kiev đang nhận được nguồn cung vũ khí chưa từng có từ phương Tây, hiện chưa rõ các đồng minh của Ukraine có duy trì hỗ trợ này vô thời hạn hay không. Mọi thứ có thể thay đổi nếu cử tri ở các nước phương Tây không còn mặn mà với xung đột Ukraine và yêu cầu các lãnh đạo tập trung hơn cho những vấn đề trong nước.

Nếu NATO không đưa ra cam kết rõ ràng, kịch bản xấu nhất là sự ủng hộ dành cho Kiev cuối cùng sẽ sụp đổ, đặc biệt nếu ông Biden để thua trước đối thủ đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm tới. Để tránh nguy cơ này, Ukraine hy vọng nhận được đảm bảo an ninh chắc chắn trong nhiều năm tới, bất kể ai trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Quân nhân Ukraine lái xe tăng T-64 tiến về tiền tuyến gần Bakhmut, tỉnh Donetsk ngày 7/5. Ảnh: AFP

Dù có sự đồng thuận rộng rãi trong liên minh về tăng cường quan hệ với Kiev, quan điểm chia rẽ về Ukraine vẫn tồn tại. Hungary, thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU), là một trong số đó.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban trả lời phỏng vấn báo Bild của Đức ngày 27/6, cho rằng giả thuyết toàn bộ Ukraine sẽ bị Nga kiểm soát nếu Kiev không được NATO hỗ trợ là "vô căn cứ".

Hungary từ chối hỗ trợ vũ khí hoặc thiết bị quân sự cho Ukraine sau khi chiến sự giữa nước này và Nga bùng phát hồi tháng 2/2022. Hungary cũng nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga, cũng như tranh cãi với các thành viên khác của khối về hỗ trợ Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia duy trì quan hệ với cả Nga và Ukraine, cho rằng Kiev xứng đáng được kết nạp vào liên minh quân sự NATO, song ông Tayyip Erdogan kêu gọi Kiev khởi động lại đàm phán hòa bình cùng Moskva.

Nếu Kiev không nhận được lời mời gia nhập ở Vinius hay những cam kết rõ ràng từ NATO, cảm giác thất vọng sẽ bao trùm Ukraine, theo các nhà hoạt động xã hội.

Một lời mời chính thức "sẽ gửi tín hiệu rõ ràng tới Nga rằng Ukraine không còn là vùng đệm", theo Hanna Hopko, cựu thành viên quốc hội Ukraine và nhà sáng lập Trung tâm quốc tế về Chiến thắng của Ukraine. "Việc không hành động hoặc cố tình trì hoãn trong khi bạn biết rõ có thể giúp đỡ và cứu mạng ai đó là một tội ác", Hopko nói.

Thanh Tâm (Theo Washington Post)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020