Phi cơ Boeing 737-800 của hãng Jeju Air chở 175 hành khách và 6 thành viên tổ bay sáng 29/12 lao khỏi đường băng sân bay Muan, tây nam Hàn Quốc, bốc cháy dữ dội, khiến 179 người thiệt mạng, đánh dấu thảm họa hàng không chết chóc nhất từng xảy ra trên lãnh thổ nước này.
Thảm kịch làm rúng động Hàn Quốc, một trong những quốc gia có hồ sơ hàng không an toàn nhất thế giới. Một ngày sau, một máy bay khác cùng loại của Jeju Air tiếp tục gặp sự cố càng đáp và phải quay lại hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Gimpo, Seoul.
Khoảnh khắc máy bay Hàn Quốc lao khỏi đường băng, bốc cháy ở sân bay Muan hôm 29/12. Video: MBC
Thảm kịch sáng 29/12 là vụ tai nạn chết người đầu tiên của hãng hàng không giá rẻ Jeju Air, thành lập năm 2005. Website AirlineRatings năm 2024 vinh danh Jeju Air là một trong những hãng bay giá rẻ tốt nhất thế giới.
Đây được coi là kết quả của 25 năm Hàn Quốc không ngừng cải tổ ngành hàng không, cải thiện đáng kể các tiêu chuẩn an toàn. Trước đó, nước này từng ghi nhận hàng loạt vụ tai nạn chết người trong lĩnh vực hàng không.
Trong giai đoạn 1978-1999, Korean Air, một trong hai hãng hàng không chính của Hàn Quốc, đã để xảy ra 7 vụ tai nạn chết người liên quan đến hành khách, hàng hóa, tất cả đều do sơ suất của phi công.
Năm 1989, máy bay số hiệu 803 chở 199 người của Korean Air rơi khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tripoli, Libya, khiến 75 hành khách, thành viên tổ bay, 4 nhân viên hỗ trợ mặt đất thiệt mạng. Tòa Hình sự Seoul năm 1990 kết án phi công, người viện dẫn lý do tầm nhìn kém, hai năm tù vì gây ra tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay ở sân bay Muan, tây nam Hàn Quốc, sáng 29/12. Ảnh: AP
Năm 1993, máy bay Boeing 737 của Asiana Airlines, hãng hàng không lớn khác của Hàn Quốc, gặp tai nạn do lỗi của phi công khi hạ cánh xuống sân bay Mokpo, khiến hơn 60 người thiệt mạng.
Năm 1997, phi cơ số hiệu 801 của Korean Air rơi khi đáp xuống sân bay quốc tế Antonio B. Won trên đảo Guam, khiến 229 trong số 254 hành khách thiệt mạng.
Giới chức Hàn Quốc kết luận một trong những nguyên nhân xảy ra tai nạn là "cơ trưởng không thao tác đầy đủ quy trình tiếp cận đường băng". Hai cơ phó nhận ra sai lầm của cơ trưởng và phản đối việc hạ cánh, nhưng cơ trưởng bỏ ngoài tai, dẫn đến thảm kịch.
Hàng loạt tai nạn khiến hãng Delta Airlines của Mỹ, Air France của Pháp đình chỉ quan hệ đối tác liên doanh với Korean Air năm 1999. Cùng năm, Bộ Quốc phòng Mỹ cấm nhân viên bay trên phi cơ của Korean Air.
Năm 2001, Cục Hàng không Liên bang Mỹ hạ mức xếp hạng an toàn bay của Hàn Quốc, do các hãng bay của nước này không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.
Cuối những năm 1990, Hàn Quốc đã bắt tay vào nỗ lực khôi phục danh tiếng về an toàn hàng không. Nước này đã tuyển một giám đốc điều hành đã nghỉ hưu của Delta Airlines để giúp cải tổ các hoạt động đào tạo, tuyển dụng nhân lực.
Các cuộc điều tra về loạt tai nạn của Korean Air cũng phát hiện một vấn đề về văn hóa làm việc trong buồng lái, trong đó các cơ phó giao tiếp kém hiệu quả, ngần ngại góp ý với cơ trưởng.
Logo Korean Air trên thân máy bay trong buổi tiếp truyền thông tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/6. Ảnh: Reuters
Hàn Quốc đã tăng cường trách nhiệm chung giữa các thành viên tổ bay trong quá trình đào tạo, đồng thời hạn chế tuyển dụng các cựu chiến binh không quân vốn khó phối hợp với đồng nghiệp mà họ coi là "có cấp bậc thấp hơn mình".
Tháng 12/2000, Korean Air hoàn tất thương vụ mua lại Asiana Airlines trị giá 1,3 tỷ USD, đánh dấu kỷ nguyên mới của ngành hàng không nước này.
Những cải thiện đã mang lại kết quả tích cực trong những năm đầu thế kỷ 21. Năm 2002, Delta Airlines, Air France nối lại quan hệ đối tác với Korean Air. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng dỡ bỏ lệnh cấm.
Năm 2008, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đánh giá Korean Air vận hành bay an toàn hơn các hãng hàng không Mỹ. Hiện nay, Korean Air là một trong những hãng bay an toàn nhất thế giới và là thành viên của Liên minh Skyteam, vốn yêu cầu tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas cho rằng nỗ lực cải thiện an toàn bay trong 25 năm qua của Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tai nạn của hãng Jeju Air.
Trong thảm kịch này, Thomas cho rằng phi công Jeju Air có thể đã gặp nhiều lúng túng khi đối mặt với loạt tình huống phức tạp trước khi máy bay hạ cánh bằng bụng.
"Tôi nghĩ ban đầu các phi công đã phải đối phó với nhiều cú đâm phải chim khi hạ cánh, dẫn đến loạt sự cố khác với máy bay ngay sau đó", Thomas nói. "Điều này khiến các phi công bị quá tải và không biết phải ưu tiên xử lý điều gì".
Việc hai máy bay của Jeju Air liên tiếp gặp sự cố về càng đáp trong hai ngày cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về quá trình bảo dưỡng, kiểm tra trước khi bay của hãng hàng không này.
Ngoài ra, việc lực lượng cứu hỏa, cứu nạn tại sân bay Muan không phun bọt chữa cháy lên đường băng trước khi máy bay hạ cánh bằng bụng khiến các chuyên gia "không thể lý giải".
Theo tiêu chuẩn an toàn hàng không thông thường, sau khi phi công thông báo tình huống khẩn cấp với càng đáp, lực lượng ứng phó thảm họa tại sân bay phải nhanh chóng phun bọt lên đường băng để giảm ma sát và hạn chế nguy cơ cháy nổ.
Giới chức Hàn Quốc đang điều tra nguyên nhân tai nạn, cho biết có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để ra kết luận cuối cùng.
Ủy ban Điều tra Tai nạn Hàng không và Đường sắt Hàn Quốc (ARIC) đã tìm thấy hai hộp đen trên máy bay. Thomas dự đoán các thông tin quan trọng nhất liên quan đến thảm kịch sẽ được công bố vào cuối tuần này để làm rõ điều gì đã xảy ra với máy bay và hai phi công đã phản ứng như thế nào vào giây phút định mệnh đó.
Đức Trung (Theo Insider, Washington Post, Korea Times)