Hồi giữa năm, các nhân viên an ninh Mỹ và Qatar cùng tham gia một cuộc diễn tập ở Doha mô phỏng tình huống giải cứu con tin. Theo kịch bản diễn tập, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Somalia bắt 4 nhân viên cứu trợ, hai người Mỹ và hai người Qatar làm con tin. Một người Mỹ bị thương nặng và cả nhóm phải quyết định xem có nên tiến hành chiến dịch giải cứu họ hay không.
Không ai tham dự cuộc diễn tập có thể tưởng tượng được rằng trong vòng vài tháng tới, họ sẽ phải đối mặt một cuộc khủng hoảng con tin thực sự, với mức độ nghiêm trọng gấp nhiều lần.
Đám đông biểu tình trước văn phòng Liên Hợp Quốc ở Jerusalem hôm 13/11 kêu gọi hành động để giải cứu các con tin trong tay Hamas. Ảnh: Reuters
Christopher O'Leary, cựu giám đốc đơn vị đặc nhiệm Mỹ về giải cứu con tin, cho biết cuộc diễn tập là một phần trong nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác giữa Washington và Doha trước các "kịch bản xấu nhất". "Nhưng không ai hình dung được nó lại tệ đến mức như vậy", ông nói, đề cập tới cuộc khủng hoảng con tin hiện nay ở Dải Gaza.
Giới chuyên gia đánh giá tình huống ở Gaza không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng con tin nào khác: Một vụ bắt cóc hàng trăm người thuộc hơn 20 quốc tịch khác nhau, trong đó có cả trẻ em và người già, tất cả đều đang bị Hamas giấu dưới các đường hầm giữa vùng chiến sự.
Theo các quan chức Israel, khoảng 240 con tin đang bị Hamas giam ở Gaza, trong đó có ít nhất 9 người Mỹ và một thường trú nhân hợp pháp tại Mỹ. Hai phụ nữ Mỹ đã được Hamas trả tự do vào ngày 20/10.
Cuộc khủng hoảng đặt ra thử thách lớn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden và chính sách xử lý vấn đề công dân Mỹ bị bắt giam ở nước ngoài. Vài năm gần đây, phần lớn nỗ lực của Mỹ tập trung vào những công dân bị các nước như Nga, Iran, Venezuela và Trung Quốc bắt với các cáo buộc gây tranh cãi. Cuối năm ngoái, Washington đã tiến hành trao đổi tù nhân với Moskva để đưa nữ cầu thủ bóng rổ Brittney Griner về nước. Gần đây nhất, 5 người Mỹ được trả tự do sau khi chính quyền Tổng thống Biden đạt được thỏa thuận với Iran.
Theo chính sách có từ những năm 1970, Mỹ tuyên bố sẽ "không nhượng bộ" đối với những kẻ bắt cóc con tin. Nhưng thực tế phức tạp hơn như vậy.
Các chuyên gia cho biết chính phủ Mỹ đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm đưa con tin và người bị bắt giam về nước, trong đó có đàm phán trao đổi tù nhân và tiếp cận mục tiêu thông qua bên thứ ba. Dù vậy, Mỹ vẫn kiên quyết duy trì chính sách không trả tiền chuộc cho các nhóm như Hamas.
Mỹ cũng nỗ lực tăng cường các chiến dịch giải cứu con tin bằng lực lượng đặc nhiệm, mặc dù chúng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo nghiên cứu của Danielle Gilbert, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Northwestern, Mỹ, những nỗ lực này nhiều lúc được dẫn dắt bởi các đối tác nước ngoài. Khoảng một nửa số nhiệm vụ giải cứu con tin Mỹ trong hai thập kỷ qua là do lực lượng quân sự của các quốc gia khác thực hiện.
Theo giới chức Mỹ, các cuộc đàm phán về việc thả con tin người Israel và nước ngoài bị Hamas bắt đang có tiến triển, làm dấy lên hy vọng một thỏa thuận sơ bộ có thể sớm được công bố, ngay cả khi Israel vẫn thúc đẩy chiến dịch tấn công tại Gaza.
"Qatar đang đàm phán với Hamas, Israel đang thảo luận với Qatar, Mỹ đang nói chuyện với cả hai để cố gắng tiến tới một điểm chung có thể giúp trao trả con tin", cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hồi đầu tuần cho hay. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng thông tin Mỹ nắm được về vị trí các con tin cũng như tình trạng của họ hiện rất hạn chế.
Theo một nhà ngoại giao Arab quen thuộc với các cuộc đàm phán, Hamas về cơ bản đã đồng ý thả ít nhất 50 phụ nữ và trẻ em. Israel đang xem xét đề xuất này.
Để đổi lấy các con tin, Israel sẽ đồng ý ngừng bắn 3-5 ngày, tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza và thả một số phụ nữ và trẻ em Palestine bị giam trong các nhà tù của nước này.
Hôm 14/11, khi được hỏi về lời nhắn nhủ tới các gia đình đang chờ tin tức về những người bị Hamas bắt, Tổng thống Biden trả lời: "Hãy ở yên đó. Chúng tôi đang đến".
Chính sách hiện nay của Mỹ về ứng phó các tình huống con tin được thiết lập vào năm 2015, sau khi Washington bị chỉ trích vì thất bại trong việc giải cứu các công dân bị IS bắt ở Iraq và Syria. Ba người Mỹ đã bị IS hành quyết.
Kể từ đó, Mỹ đã hỗ trợ nhiều hơn cho gia đình những công dân bị bắt, thành lập Nhóm Liên ngành Giải cứu Con tin, bổ nhiệm đặc phái viên của Tổng thống chuyên trách vấn đề con tin và thành lập một bộ phận tại Hội đồng An ninh Quốc gia để giám sát vấn đề này.
Tất cả các cơ quan kể trên đều tham gia sâu vào nỗ lực xử lý khủng hoảng con tin ở Gaza. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Steven Gillen, phó đặc phái viên của Tổng thống về vấn đề con tin, đã tới Israel cùng Ngoại trưởng Antony Blinken trong những ngày đầu xung đột với Hamas bùng phát và vẫn ở lại đây.
Các chuyên gia và cựu quan chức Mỹ cho biết việc Qatar đóng vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán con tin không phải điều đáng ngạc nhiên. Qatar gần đây đã nổi lên như một bên trung gian đàm phán quan trọng giúp các con tin và người Mỹ bị giam ở Afghanistan, Iran hay Mali được trả tự do.
Theo O'Leary, Qatar đã thu xếp quá trình đàm phán giúp giải cứu một con tin Mỹ bị nhóm phiến quân Mạng lưới Haqqani ở Afghanistan bắt, điều mà ông mô tả là "vụ rất khó". Ông cho hay các quan chức Qatar cũng tham gia đàm phán trong hai vụ bắt cóc con tin khác tại Mali và Niger.
Nhưng mối quan hệ của Qatar với Hamas đang gây tranh cãi, khi một số lãnh đạo cấp cao Hamas hiện sống tại Qatar.
Một cựu quan chức Mỹ giấu tên nói rằng đôi khi Qatar "quá nhiệt tình" trong các tình huống con tin. Ông cho hay có những trường hợp Mỹ nghi ngờ Qatar đã tự trả tiền chuộc để đổi lấy tự do cho các con tin Mỹ, khoản đầu tư mà họ coi là vì lợi ích của chính mình.
Hình ảnh các con tin bị Hamas bắt được treo trên một bức tường ở Jerusalem hôm 7/11. Ảnh: Reuters
Những cuộc khủng hoảng con tin trong quá khứ đã cho thấy chúng có thể gây tác động chính trị tới các tổng thống Mỹ như thế nào. Việc tổng thống Jimmy Carter không thể giải cứu những người Mỹ bị giam hơn một năm ở Iran đã khiến nỗ lực tái tranh cử của ông thất bại.
Tổng thống Ronald Reagan từng bí mật đồng ý bán vũ khí cho Iran để tranh thủ hỗ trợ từ nước này nhằm cứu những con tin Mỹ bị bắt ở Lebanon. Hoạt động này là khởi nguồn của bê bối Iran-Contra năm 1986 làm rung chuyển chính quyền Reagan.
Brian Michael Jenkins, chuyên gia tại tổ chức tư vấn RAND Corp, người đã tham gia nghiên cứu và giải quyết các tình huống bắt cóc con tin trong 50 năm qua, cho rằng chính sách "không nhượng bộ" với các nhóm bắt con tin được tổng thống Richard M. Nixon công bố năm 1973 không giúp làm giảm số vụ bắt cóc nhằm vào công dân Mỹ.
Đầu những năm 1970, giữa làn sóng bắt cóc các nhà ngoại giao Mỹ, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiếp cận Jenkins và hỏi ông một câu vẫn ám ảnh ông đến tận ngày nay: Làm thế nào để mặc cả với mạng sống con người?
Theo ông, đó không chỉ là câu hỏi về mặt chiến thuật, mà còn cho thấy tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong các tình huống xử lý khủng hoảng con tin. Nếu Mỹ không thi hành chính sách "không nhượng bộ" và chấp nhận trả tiền chuộc cho con tin, điều đó có thể khuyến khích các nhóm tăng cường bắt cóc công dân nước này.
Trong cuộc khủng hoảng con tin ở Gaza, bức tranh trở nên vô cùng phức tạp bởi số lượng lớn các quốc gia có công dân đang bị bắt và bởi chiến dịch tấn công quy mô lớn của Israel.
Gilbert, nhà khoa học chính trị từ Đại học Northwestern, nhận định việc phối hợp và duy trì một chính sách thống nhất trong các cuộc đàm phán rõ ràng là thách thức lớn khi có rất nhiều nước tham gia.
"Các nước thường sẽ có động lực chấp nhận những điều khoản bên ngoài chính sách đàm phán đã thống nhất nếu mạng sống công dân của họ bị đe dọa", bà giải thích.
Tại cuộc diễn tập mô phỏng tình huống giải cứu con tin ở Qatar hồi tháng 7, các quan chức Qatar và Mỹ đã phải vật lộn với câu hỏi liệu có nên điều lực lượng đặc nhiệm mở chiến dịch giải cứu hay không.
Christopher Costa, cựu giám đốc cấp cao về chống khủng bố tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cũng tham gia cuộc diễn tập và cho biết phía Qatar muốn dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc đàm phán, trong khi Mỹ ủng hộ hành động quân sự. "Đôi khi, bạn phải làm cả hai thứ một lúc", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)