Dung nham từ núi lửa Mauna Loa ngày 27/11 (Ảnh: USGS).
Theo ghi nhận của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), núi lửa Mauna Loa trên quần đảo Hawaii phun trào trở lại đêm 27/11 theo giờ địa phương. Đây là lần phun trào đầu tiên của nó sau 38 năm.
USGS cảnh báo, gió có thể mang theo tro bụi đến các khu vực xung quanh song lần phun trào này không gây nguy hiểm cho cộng đồng dân cư dưới chân núi. Mặc dù vậy, USGS đã nâng mức cảnh báo núi lửa từ mức "thận trọng" lên "nghiêm trọng". USGS cho biết, tốc độ phun trào của núi lửa và dòng chảy dung nham có thể thay đổi đột ngột.
Các đơn vị chức năng sẽ sớm triển khai các chuyến bay thị sát để đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ phun trào. Người dân sống ở khu vực gần núi lửa đã được khuyến cáo đề cao cảnh giác.
Dung nham trong đợt phun trào năm 1984 của núi lửa Mauna Loa (Ảnh: USGS).
Hoạt động phun trào của Mauna Loa thường không nguy hiểm so với các núi lửa khác ở Hawaii như Kilaue, nhưng Rajeev Nair, giáo sư về khoa học trái đất tại Đại học Calgary, nhận định nó có thể khiến cộng đồng lân cận bị cô lập.
Cao 9km từ bề mặt đại dương, Mauna Loa là ngọn núi lửa lớn nhất trên Trái đất. Trong vụ phun trào năm 1950, dung nham từ núi lửa này kéo đến bờ biển Kona chỉ trong ba giờ. Do đó, mọi người trên đường di chuyển của dung nham núi lửa có rất ít thời gian để sơ tán. Một vụ phun trào lớn khác của Mauna Loa xảy ra năm 1984.