Sau 8 năm "nằm im thở khẽ", nhóm phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) cùng các lực lượng đồng minh ngày 27/11 bất ngờ mở đợt tiến công quy mô lớn vào Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria, khiến quân đội chính phủ nước này hoàn toàn bất ngờ.
Đến ngày 1/12, HTS đánh chiếm sân bay và một học viện quân sự ở Aleppo, khiến lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rút lui. Chỉ sau 4 ngày tấn công, phiến quân đã kiểm soát vùng đất chiến lược ở Aleppo mà quân đội chính phủ phải rất vất vả mới giành được vào năm 2016, đồng thời mở rộng đà tiến ra vùng ngoại ô thành phố Hama ở phía tây.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở ở Anh, quân đội Syria đang cố gắng chống đỡ bằng cách điều quân tiếp viện đến gần Aleppo, trong khi chiến đấu Nga cũng tăng cường không kích để yểm trợ đồng minh đối phó phiến quân.
Các tay súng chống chính phủ lái xe quân sự dọc theo một con đường ở tỉnh Aleppo, phía đông Syria, ngày 1/12. Ảnh: AFP
Dù vậy, nỗ lực của liên quân Syria - Nga chưa phát huy hiệu quả, khi HTS cùng các đồng minh tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Idlib ở phía tây và yêu cầu các nhóm người Kurd ở Aleppo phải di chuyển vũ khí đến khu vực đông bắc, nơi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là dân quân người Kurd đang trấn giữ.
HTS khởi đầu là Mặt trận Nusra, nhóm phiến quân cực đoan được thành lập như một chi nhánh của al-Qaeda nổi lên vào đầu cuộc nội chiến Syria năm 2011. Nhưng đến năm 2017, sau một số thất bại trước các chiến dịch tấn công của liên quân Syria - Nga, nhóm này bắt đầu áp dụng chiến lược thực dụng hơn, chọn ưu tiên bảo vệ quyền kiểm soát ở Idlib thay vì tiếp tục phát động những cuộc tấn công lớn chống lại chính quyền Damascus.
Theo các chuyên gia về HTS, nhóm hiện đoạn tuyệt với al-Qaeda, thậm chí còn bắt một số người có liên hệ tới al-Qaeda.
Từ bỏ lập trường về việc thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Syria, HTS cho biết họ muốn xây dựng một chính quyền lấy cảm hứng từ các nguyên tắc Hồi giáo ít tàn bạo và giáo điều hơn so với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từng "làm mưa làm gió" ở Iraq và Syria.
Sau khi kiểm soát Idlib, HTS tìm cách xây dựng một "chính quyền" tự trị ở đây, cung cấp dịch vụ hành chính ở mức độ hạn chế cho cư dân, cũng như liên kết nền kinh tế ở tỉnh này với bên ngoài, phát triển nông nghiệp và công nghiệp của khu vực.
Quân đội Syria trong 8 năm qua không tìm cách tấn công vào Idlib do không đủ nguồn lực, mà tập trung củng cố hệ thống chính trị ở vùng lãnh thổ họ kiểm soát tại miền nam và miền trung. Nhưng giờ đây, có vẻ như HTS đang tìm cách mở rộng quyền lực sang Aleppo và nỗ lực này nhiều khả năng sẽ đổ thêm dầu vào "lò lửa" Trung Đông vốn đã sôi sục.
"HTS đã cải thiện khả năng huấn luyện, chỉ huy và kiểm soát, mức độ tổ chức, mức độ phối hợp, có một ban lãnh đạo duy nhất và điều đó rất khác so với những gì chúng ta chứng kiến trước đây", Jerome Drevon, nhà phân tích cấp cao tại International Crisis Group, nói.
"Việc HTS phát động chiến dịch tấn công quy mô lớn như vậy không sớm thì muộn sẽ xảy ra. Điều đáng ngạc nhiên là việc phòng tuyến của quân đội chính phủ sụp đổ quá nhanh", Drevon cho biết thêm.
Giới quan sát đánh giá chiến dịch tấn công bất ngờ lần này của phiến quân là sự kiện tác động mạnh mẽ nhất tới cán cân quyền lực ở Syria trong nhiều năm qua, nơi đã trở thành đấu trường cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Nga cùng nhiều thế lực bên ngoài khác.
Tổng thống Assad vẫn đứng vững sau cuộc nổi dậy vũ trang chống lại ông vào năm 2011. Với sự giúp đỡ của không quân Nga và hỗ trợ quân sự từ Iran và các lực lượng đồng minh, như Hezbollah ở Lebanon, ông đã trấn áp được những cuộc nổi loạn, đẩy lùi phiến quân và đánh bại IS.
Aleppo là biểu tượng của phong trào nổi dậy sau khi các cuộc biểu tình diễn ra tại đây vào năm 2011 và phe đối lập đã tuyên bố chiếm một số khu vực của thành phố vào năm 2012. Quân đội chính phủ tái chiếm thành phố năm 2016, sau chiến dịch oanh tạc và vây hãm kéo dài với sự yểm trợ hỏa lực của không quân Nga.
Chiến dịch tấn công của phiến quân nổ ra khi các đồng minh của Tổng thống Assad đang phải chịu áp lực ngày càng tăng. Nga đã đổ nguồn lực quân sự vào cuộc xung đột ở Ukraine và Iran cùng lực lượng đồng minh đã phải hứng chịu những thất bại nghiêm trọng trong cuộc đối đầu với Israel.
Nó cũng diễn ra khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp nhậm chức. Ông Trump là người có quan điểm cứng rắn với Iran, từng áp đặt chính sách "gây sức ép tối đa" với Tehran và ra lệnh phóng tên lửa vào các cơ sở quân sự của chính phủ Syria.
Dareen Khalifa, cố vấn cấp cao từ tổ chức nghiên cứu xung đột International Crisis Group, cho biết những động lực chính trị toàn cầu trên đóng vai trò lớn trong quyết định phát động cuộc tấn công của phiến quân Syria.
"Đây là một cơn bão đến vào đúng thời điểm. Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ?", bà nói.
"Điều này liên quan đến địa chính trị và chủ nghĩa cơ hội cục bộ", Emile Hokayem, thành viên cấp cao về an ninh Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nhận xét. "Trong nhiều năm qua, phiến quân đã âm thầm tập hợp, tái vũ trang và chuẩn bị để tiến hành chiến dịch tấn công vào thời điểm phù hợp".
Theo Jihad Yazigi, bình luận viên của trang Syria Report, khi bắt đầu cuộc tấn công, phiến quân có thể không nghĩ rằng họ sẽ tiến được tới Aleppo, nơi quân đội chính phủ Syria triển khai lực lượng đồn trú hùng hậu. Nhưng họ "chắc chắn biết rằng quyền lực của quân đội chính phủ đang suy yếu khi các đồng minh bên ngoài phải đối phó với thách thức riêng". Phiến quân đã chớp đúng thời cơ này để mở rộng quyền kiểm soát.
Phiến quân tịch thu một xe tăng của quân đội chính phủ Syria tại thị trấn Maarat al-Numan, phía tây nam Aleppo, hôm 30/11. Ảnh: AP
Đà tiến đáng kinh ngạc của phiến quân trong tuần qua đã cho thấy rằng những cuộc xung đột ở nơi khác có thể nhanh chóng tạo "hiệu ứng cánh bướm" trên chiến trường Syria, từ đó lan rộng và gây bất ổn cho cả Trung Đông, khu vực vốn đã nhiều lần đứng trên bờ vực chiến tranh toàn diện trong năm qua.
"Trong nhiều năm qua, quân đội chính phủ Syria chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của ba lực lượng từ bên ngoài là Iran, Nga và Hezbollah. Cả ba lực lượng này hiện đều bị phân tâm hoặc suy yếu bởi các cuộc xung đột ở nơi khác", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói hôm 1/12.
"Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bạn thấy những thế lực ở Syria, trong đó có cả phiến quân, tìm cách lợi dụng thực tế đó", ông nói.
Trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc nội chiến Syria, Hezbollah đã cử các thành viên được huấn luyện bài bản tới hỗ trợ quân đội đang suy yếu của chính quyền Tổng thống Assad. Nhưng giờ đây, Hezbollah đang chật vật ổn định lại sau khi hứng chịu đòn tấn công dữ dội từ Israel và phải rút bớt lực lượng từ Syria.
Firas Maksad, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Trung Đông tại Washington, cho hay phiến quân Syria hành động vào đúng thời điểm "Iran có lẽ đang ở vào thế yếu nhất trong nhiều thập kỷ".
Lực lượng Hezbollah kết hợp với sức mạnh không quân Nga đã đóng vai trò "quan trọng" trong việc bảo vệ chính quyền Assad hơn một thập kỷ trước. "Điều quan trọng lần này là lực lượng tinh nhuệ trên mặt đất, gồm các tay súng Hezbollah và cố vấn Iran, giờ đây không còn nữa", Maksad nói.
Cục diện 'chia 5 xẻ 7' ở Syria. Đồ họa: Al Jazeera
Khả năng Iran can thiệp để hỗ trợ Tổng thống Assad hiện vẫn chưa rõ ràng, dù Damascus là một đối tác quan trọng về mặt chiến lược đối với Tehran.
"Aleppo rất quan trọng, nhưng Iran có đủ khả năng tuyên bố rằng họ chưa vội hành động, để Tổng thống Assad phải phụ thuộc nhiều hơn vào họ", Mohammad Ali Shabani, bình luận viên từ trang tin Amwaj, chuyên tập trung vào Iran, Iraq và các nước Bán đảo Arab, cho hay.
Thách thức lớn nhất với Tổng thống Assad hiện nay là đồng minh Nga đã phải rút bớt một số nguồn lực khỏi Syria để tăng cường chiến dịch tại Ukraine, chuyên gia Maksad từ Viện Trung Đông cho biết.
"Chắc chắn đây là một chiến dịch tấn công đã được phiến quân chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng, xét đến những kết quả trên thực địa cho đến nay", ông nói. "Đây là một phần của cuộc tranh giành cán cân quyền lực mới ở Syria, yếu tố tăng thêm phần bất ổn cho Trung Đông".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Washington Post, AFP, Reuters)