Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn sử dụng thuế quan làm công cụ để đàm phán - Ảnh: Reuters
"Cái thời mà người ta nói rằng các nước BRICS cố gắng né đồng USD trong khi chúng ta chỉ đứng nhìn đã hết rồi", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 30-11. Chỉ vài tiếng sau đó, tin tức này xuất hiện trên báo chí của khắp các nước thành viên BRICS.
Củng cố vị thế đồng USD
Phải nói rằng việc ông Trump nhắm vào BRICS là một sự tăng cấp đe dọa. Trước bầu cử Mỹ, vào đầu tháng 9, khi phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế New York, ông đã cảnh báo sẽ áp thuế quan 100% với hàng nhập khẩu từ các nước không sử dụng USD trong giao dịch quốc tế. "Anh rời khỏi đồng USD, anh sẽ không còn cửa làm ăn với Mỹ", ông Trump nói và nhấn mạnh việc để đồng USD mất vị thế là đồng tiền của thế giới tương đương việc Mỹ "thua một cuộc chiến".
Nay, trên tư cách tổng thống đắc cử, ông Trump đã nhắm thẳng vào BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi do Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sáng lập. Nhóm này nổi bật với mục tiêu giảm phụ thuộc vào phương Tây, từ tiền tệ đến hệ thống thanh toán. Trong đó, Nga, nước chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây, đóng vai trò tiên phong và có tiếng nói mạnh mẽ nhất.
"Chúng tôi yêu cầu các nước này cam kết không tạo ra một loại tiền tệ BRICS mới, cũng không ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng USD hùng mạnh, nếu không họ sẽ phải đối mặt với mức thuế 100% và nên nói lời tạm biệt với việc bán hàng vào nền kinh tế tuyệt vời của Mỹ", ông Trump nói trong bài đăng của mình và thêm rằng các nước đó "có thể đi tìm một "kẻ ngốc" khác!".
"Không có khả năng BRICS sẽ thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế và bất kỳ quốc gia nào cố gắng làm như vậy nên nói lời tạm biệt Mỹ", ông nhấn mạnh.
Chiêu bài để đàm phán
Thực tế, nhóm BRICS còn xa mới đạt được sự đồng thuận về việc tạo ra một đồng tiền chung thay thế USD. Ngay cả khi sử dụng nội tệ của một thành viên, như nhân dân tệ - lựa chọn khả thi nhất, thì vị thế thống trị toàn cầu của đồng USD vẫn khó bị lung lay.
Các quan chức Saudi Arabia và Trung Quốc vẫn đang thảo luận về việc thanh toán thương mại song phương bằng đồng nhân dân tệ. Tương tự là các nước Nam Phi và Brazil với Trung Quốc. Song tỉ lệ thương mại quốc tế được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ vẫn chỉ là 6%, dù có tăng đáng kể từ mức 2% của năm 2021 nhưng không bền vững. Sự gia tăng này bắt nguồn từ việc các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT của phương Tây, buộc họ phải tìm đến nhân dân tệ.
Theo phân tích của Bloomberg Economics, khoảng 40% xuất nhập khẩu của Nga hiện được thanh toán bằng nhân dân tệ, bao gồm cả những giao dịch không phải với Trung Quốc. Tuy nhiên khả năng tiếp cận đồng nhân dân tệ của Nga đang ngày càng khó khăn hơn khi các ngân hàng Trung Quốc ngày càng lo lắng về việc bị Mỹ trừng phạt.
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan (Nga) vào cuối tháng 10 vừa qua, các nước đã ra tuyên bố chung về "tăng cường mạng lưới ngân hàng đại lý trong BRICS và cho phép thanh toán bằng tiền tệ địa phương theo Sáng kiến thanh toán xuyên biên giới BRICS". Tuy nhiên Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ ra vào cuối hội nghị thượng đỉnh rằng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp thay thế nào được đưa ra để cạnh tranh với hệ thống SWIFT.
Ấn Độ đã khẳng định lập trường phản đối việc từ bỏ đồng USD. Ngoại trưởng nước này nhấn mạnh phi USD hóa không nằm trong chính sách kinh tế của Ấn Độ. Tuy nhiên trong những trường hợp đối tác thương mại không chấp nhận giao dịch bằng USD hoặc xuất hiện các vấn đề liên quan đến chính sách thương mại, nước này sẽ xem xét các giải pháp linh hoạt để ứng phó.
Lời đe dọa áp thuế 100% lên các quốc gia không sử dụng đồng USD của ông Trump nên được nhìn nhận ra sao? Thực tế, khả năng một đồng tiền khác thay thế được vai trò toàn cầu của USD là rất thấp. Trong trao đổi với Reuters, ông Stephen Jen, chuyên gia tại quỹ đầu cơ tiền tệ Eurizon SLJ, nhận định đề xuất thuế quan của ông Trump khó có thể thành hiện thực. Theo ông, đây có thể chỉ là chiến thuật nhằm ép các quốc gia khác nhượng bộ trong việc tăng cường mua hàng từ Mỹ. Đồng thời, việc áp thêm nhiều mức thuế lên các đối tác thương mại sẽ góp phần củng cố sức mạnh của đồng USD.
Rõ ràng, thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước nằm trong những mối quan tâm hàng đầu của ông Trump và ông muốn họ phải nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm "made in USA". Tuy nhiên ở mặt khác, ông lại tin rằng đồng USD lại đang được định giá quá cao và muốn nó yếu đi để thuận lợi cho việc xuất khẩu. Điều này ngược lại với mong muốn của ông trong việc duy trì vị thế thống trị của đồng USD trong dự trữ.
Lời đe dọa áp thuế quan lên nhóm BRICS cũng là một tín hiệu đáng chú ý với các nước đang tìm kiếm sự đa dạng hóa trong quan hệ thương mại. Sử dụng hay không sử dụng đồng USD không còn là câu chuyện kinh tế mà có nhiều yếu tố chính trị. Saudi Arabia, một đồng minh an ninh của Mỹ, đến giờ vẫn chưa quyết định có gia nhập nhóm BRICS hay không. Trong khi đó, chính quyền mới ở Argentina đã từ chối vào BRICS khi giới cầm quyền mới lên thích sự liên kết về kinh tế với phương Tây và Mỹ.