Nông dân trồng bông cải ở Tzofit, miền trung Israel - Ảnh: NEW YORK TIMES
Trong nhiều năm qua, các trang trại ở Israel vốn đã sử dụng các lao động từ nước ngoài như Palestine và Thái Lan.
Thế nhưng, kể từ khi xung đột nổ ra hồi đầu tháng 10, hầu hết người Palestine bị cấm đến Israel, trong khi nhiều lao động Thái Lan đã trở về quê hương khiến hàng loạt chủ cơ sở nông nghiệp ở Israel phải “kêu trời” vì thiếu lao động.
Israel rơi vào khủng hoảng nông nghiệp
Israel cần nông dân, nhưng những người nông dân này lại cần lao động để làm những công việc như trồng rau, thu hoạch trái cây, thu hoạch sữa bò và nuôi ong mật - Ảnh: NEW YORK TIMES
“Những người làm cho tôi đã rời đi vì chiến sự và tôi đang thật sự hoảng loạn”, ông Gabi Swissa (61 tuổi), chủ một trang trại ở ngoại ô Kamida, miền trung Israel, nói với tờ New York Times.
Trong suốt nhiều thập kỷ, ông Swissa đã dựa vào các lao động người Palestine và người Thái Lan để trồng trọt, thu hoạch và đóng gói dâu tây. Nhưng các lao động này đã rời trang trại từ tuần trước để tránh xung đột.
“Nông nghiệp Israel đang rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi nhà nước này được thành lập năm 1948” - ông Yuval Lipkin, quan chức điều hành cơ quan nông nghiệp Israel, cho biết.
Cũng theo ông Lipkin, kể từ khi xung đột nổ ra đến nay, các trang trại ở Israel đang thiếu ít nhất 15.000 người lao động.
Trước xung đột, ngành nông nghiệp của nước này đã tuyển dụng khoảng 30.000 lao động nước ngoài, chủ yếu đến từ Thái Lan, và khoảng 9.000 người Palestine.
Những vùng nông nghiệp nằm sát khu vực chiến sự
Tình nguyện viên làm sạch tỏi tây tại một trang trại ở Tzofit - Ảnh: NEW YORK TIMES
Khoảng 75% rau củ của Israel được trồng ở phía nam nước này, gần Dải Gaza - nơi đang bị xung đột với Tổ chức Hồi giáo người Palestine Hamas tàn phá.
Trong khi đó, các loại trái cây như bơ, táo, cam, mận và đào lại được trồng ở khu vực phía bắc Israel, gần biên giới với Lebanon - nơi cũng đã xảy ra xung đột với nhóm Hồi giáo Hezbollah.
Nhìn chung do những khu vực trồng trọt đều đang nằm sát khu vực có chiến sự nên hàng nghìn gia đình Israel đã được sơ tán khỏi các khu vực dễ bị tổn thương ở cả miền bắc và miền nam Israel, khiến nhiều người trồng trọt đang phải vật lộn tìm cách duy trì các hoạt động của mình.
Theo ông Lipkin, ít nhất 7.000 người lao động Thái Lan đã trở về nước, giấy phép lao động do Israel cấp cho các lao động đến Gaza cũng ngay lập tức bị bủy bỏ.
Trong tuần vừa qua, các quan chức Israel đã tổ chức các cuộc đàm phán với đại diện của một số nước, trong đó có Việt Nam, về việc tiếp nhận thêm lao động nước ngoài. Tuy nhiên, những lao động này vẫn sẽ phải mất vài tháng để có thể đến làm việc ở Israel.
Các quan chức Israel cũng cho biết họ đang trao thưởng cho những công dân Israel sẵn sàng làm nông và các binh sĩ nhập ngũ để giúp nông dân thu hoạch ở các khu vực biên giới.
Thiếu cả nông dân Israel
Ông Yuval Shragian tại trang trại của mình ở Tzofit (Israel) đang phải chật vật vì không có người thu hoạch rau củ - Ảnh: NEW YORK TIMES
Những người Israel từng làm việc tại một số trang trại như lái máy kéo, vận hành các máy móc và quản lý trang trại, hiện nay lại nằm trong số 360.000 công dân bị gọi đi nghĩa vụ quân sự.
Vì thế, những người nông dân Israel chỉ còn có thể kêu gọi các tình nguyện viên đến giúp họ thu hoạch các loại nông sản cần thu hoạch.
"Thời điểm hiện tại rơi vào ngay trước mùa thu hoạch mới hoặc ngay giữa mùa thu hoạch cũ, các nông dân hy vọng các tình nguyện viên có thể giúp họ tiếp tục công việc.
Ngoài ra, các khu đất nông nghiệp dọc theo biên giới trải dài từ bắc đến nam của Israel không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với nông nghiệp mà còn đóng vai trò phòng thủ.
Nông dân của chúng tôi là những người anh hùng ở khu vực biên giới”, ông Lipkin nói.