Chuyên mục  


Nỗi thất vọng với việc quốc hội Mỹ chặn gói viện trợ tài chính và quân sự quan trọng cho Ukraine đã được thể hiện rõ tại Diễn đàn Kinh tế Delphi ở Hy Lạp vào tuần trước.

"Nga đang phá hủy các nhà máy điện Ukraine, trong khi phương Tây, với tư cách một tập thể, chưa cung cấp đủ tên lửa phòng không cho Kiev", cựu bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Ba Lan Radoslaw Sikorski phát biểu bên lề hội nghị, cáo buộc các cuộc tập kích của Nga là hành động vi phạm luật nhân đạo trong chiến tranh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Brussels, Bỉ, hồi tháng 10/2023. Ảnh: AFP

Cùng thời điểm, Nga phóng khoảng 80 tên lửa, UAV phá hủy hoàn toàn nhà máy nhiệt điện lớn nhất Kiev, nơi được cho là có hệ thống phòng không tốt nhất nước này.

"Bạn không thể vận hành các thành phố hiện đại nếu không có điện. Vì vậy, tôi lo ngại rằng nếu không cung cấp đủ hệ thống phòng không hoặc tên lửa cho Ukraine kịp thời, chúng ta có thể sẽ đón thêm một làn sóng tị nạn mới, những người không thể sống tiếp ở thành phố của họ", Sikorski nói thêm.

Ba Lan hiện là nơi sinh sống của gần một triệu người tị nạn Ukraine trong tổng số 6 triệu người ở châu Âu.

Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đến nay vẫn từ chối thông qua gói viện trợ trị giá hơn 60 tỷ USD cho Ukraine, dù Thượng viện đã phê chuẩn từ tháng 12 năm ngoái.

Một nỗi thất vọng khác nhắm tới châu Âu khi ngành công nghiệp quốc phòng khu vực đã không thể tăng tốc sản xuất đạn dược để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại.

"Họ thậm chí còn không sản xuất đủ cho chính mình", nghị sĩ Ukraine Yulia Klymenko nói. "Hai năm qua, họ luôn nói về việc có thể ngày mai hoặc cuối năm 2025 họ sẽ bắt đầu sản xuất. Thật vô trách nhiệm!".

Sikorski ước tính châu Âu thực tế đã chuyển giao xong một triệu quả đạn pháo mà họ đã hứa với Ukraine. Ông cho biết sáng kiến riêng của Czech nhằm mua đạn pháo dự trữ từ khắp nơi trên thế giới cho Ukraine sẽ cung cấp thêm khoảng một triệu viên đạn pháo nữa vào tháng 6, thời điểm giới phân tích quân sự phương Tây dự đoán Nga có thể mở chiến dịch tấn công quy mô mới.

"Nhưng hãy so sánh con số này với sản lượng 2-3 triệu đạn pháo một năm của Nga. Chúng ta có nguồn lực gấp nhiều lần họ, nhưng họ đã phát huy nguồn lực hiệu quả hơn", ông nói thêm.

Nỗi thất vọng bên trong Ukraine đang lớn dần lên với việc Đức không cung cấp tên lửa Taurus, tầm bắn 500 km, vì sợ chúng sẽ được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng từ chối chuyển giao cho Kiev tên lửa chiến thuật ATACMS với tầm bắn 300 km.

"Nga đang đặt hy vọng vào việc chúng ta không cung cấp được những gì cần thiết cho Ukraine và nhờ thế, họ gần như mặc nhiên giành chiến thắng", Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, cho biết. "Hãy loại bỏ tất cả những cái cớ vô lý về việc tại sao chúng ta không thể chuyển giao một số loại vũ khí nhất định cho Ukraine".

Phần lớn nỗi thất vọng với châu Âu tập trung vào việc khu vực dường như thiếu nhận thức về tính cấp bách của vấn đề. Ví dụ, các tổ chức tài chính châu Âu nắm giữ hơn 200 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Nga, nhưng trong khi EU đã quyết định chuyển khoảng 3,5 tỷ USD tiền lãi thu được từ số tiền trên cho Ukraine, họ vẫn chưa quyết định động đến tiền gốc.

Cơ sở năng lượng của Ukraine bị hư hại sau đòn tập kích của Nga ở Kharkov ngày 10/4. Ảnh: AFP

Klymenko đổ lỗi cho Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, vì đã tập trung quá nhiều vào việc hạn chế nhập khẩu nông sản của Ukraine vào khối.

"Họ không nhận ra rằng họ sẽ là mục tiêu tiếp theo. Nó giống như những đứa trẻ chơi đùa với lửa và không nhận ra ngọn lửa sẽ thiêu rụi ngôi nhà của chúng", bà nói, đề cập đến lo ngại về một cuộc tấn công của Nga nhằm vào thành viên NATO trong những năm tới. Nga đã nhiều lần bác bỏ lo ngại này.

Nhưng thực tế về những gì đang bị đe dọa đã bắt đầu trở nên rõ ràng hơn với người châu Âu, Phó chủ tịch quốc hội Ukraine Hryhoriy Nemyria cho hay.

"Điều chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn là sự giúp đỡ quân sự này không phải từ thiện. Chúng tôi tin rằng đây là vì lợi ích chung của những quốc gia đang cung cấp trợ giúp và cân nhắc tăng cường chúng", Nemyria nói.

Theo ông, châu Âu mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều này.

Ukraine đã rơi vào tình trạng thiếu vũ khí kể từ mùa hè năm ngoái, khi họ tiến hành chiến dịch phản công quy mô lớn nhằm giành lại các vùng lãnh thổ từ Nga. Tuy nhiên, chiến dịch thất bại khi Kiev đối mặt với phòng tuyến quá vững chắc của Moskva.

Viện Kinh tế Thế giới Kiel, tổ chức tư vấn của Đức, tính toán rằng trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm ngoái, cam kết vũ khí của các đồng minh cho Ukraine đã giảm hơn 87% so với cùng kỳ năm 2022.

"Cuối cùng, chúng tôi cần có được vũ khí tầm xa có độ chính xác cao, thiết bị rà phá mìn... và đạn pháo để đột phá mặt trận. Vẫn còn thời gian để làm việc này", Nemyria nói.

Bất chấp tình trạng thiếu nhất quán của các đồng minh, Ukraine vẫn tiếp tục huy động nguồn lực duy nhất mà họ có thể chủ động: Nhân lực.

Tuần trước, nước này thông qua lệnh huy động thứ ba kể từ năm 2014. Ukraine muốn tuyển thêm 300.000 quân, đưa quân số lực lượng vũ trang lên 1,2 triệu người vào cuối năm nay.

Lượng quân bổ sung gấp 6 lần số nhân lực mà họ đã huy động cho cuộc phản công năm ngoái, nhưng Ukraine cần có cam kết cung cấp vũ khí từ các đồng minh để trang bị cho họ. Điều này động nghĩa nhu cầu của Kiev sẽ chỉ ngày càng tăng lên.

Tân binh Ukraine tham dự lễ kết thúc khóa huấn luyện tại căn cứ quân sự gần Kiev ngày 3/4. Ảnh: AP

Nemyria lạc quan về triển vọng của Ukraine. Theo ông, Ukraine đã chứng minh cam kết của mình với châu Âu và đã phải trả giá bằng máu. Điều này có nghĩa Ukraine đang ngày càng trở thành một quốc gia châu Âu, và EU và Ukraine gắn kết với nhau trong cả chiến thắng lẫn thất bại.

"Mọi quốc gia trong lịch sử đều có khoảnh khắc của sự thật như vậy để chứng minh rằng các bạn có phải là một đất nước xứng đáng được tự do hay không", phó chủ tịch quốc hội Ukraine nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020