Iran sở hữu hệ thống tên lửa, rocket, drone mạnh bậc nhất Trung Đông - Ảnh: AFP
Báo New York Times ngày 12-4 dẫn lời ông Afshon Ostovar, phó giáo sư về các vấn đề an ninh quốc phòng tại trường đào tạo sau đại học của hải quân Mỹ: "Có lý do mà đến nay Iran vẫn chưa bị tấn công. Không phải do các đối thủ của Iran sợ họ, mà là vì các nước ấy nhận ra một cuộc chiến với Iran sẽ là một cuộc chiến cực kỳ nghiêm trọng".
Phát ngôn trên phản ánh đúng cách Mỹ, Israel và các đồng minh phương Tây nhìn nhận Tehran - một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất Trung Đông.
Quân đội tinh nhuệ, đồng minh đông đảo
Theo đánh giá thường niên năm 2023 của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), các lực lượng vũ trang Iran là một trong những đội quân có quân số đông nhất ở Trung Đông.
Tehran hiện sở hữu ít nhất 580.000 binh sĩ thường trực và 200.000 quân dự bị. Số quân này được chia thành hai đội quân là Quân đội Cộng hòa Hồi giáo Iran (IA) và Vệ binh Cách mạng hồi giáo Iran (IRGC).
Điểm đặc biệt chính là Lực lượng Quds thuộc IRGC. Đây là nhóm tinh nhuệ chịu trách nhiệm cho việc cung cấp vũ trang, huấn luyện và hỗ trợ hệ thống các đội quân ủy nhiệm tại Trung Đông.
Các đội quân này được gọi chung là "trục kháng chiến", bao gồm nhiều lực lượng thường xuyên được điểm tên trên mặt báo thời gian qua như lực lượng Hezbollah ở Lebanon, phiến quân Houthi ở Yemen, phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza...
Trên danh nghĩa, các đội quân ủy nhiệm này không thuộc Iran. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự đều đánh giá họ trung thành với Iran, sẵn sàng ứng cứu Tehran nếu nước này bị tấn công.
Công nghiệp quốc phòng phát triển
Người dân Iran xuống đường dự lễ tang những người thiệt mạng trong vụ tấn công khu lãnh sự của Tehran ở Syria - Ảnh: AFP
Xét về trang bị, quân đội Iran cũng được xem là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất khu vực Trung Đông. Chiến lược quân sự của nước này nhấn mạnh sự răn đe thông qua việc phát triển tên lửa tầm xa độ chính xác cao, drone và các hệ thống phòng không.
Trong cuộc chiến với Iraq hồi những năm 1980, rất ít quốc gia chịu bán vũ khí cho Iran. Do đó, sau khi cuộc chiến này kết thúc, lãnh đạo Iran đã lệnh cho IRGC dồn sức phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước, đảm bảo Tehran không bao giờ phải phụ thuộc nước ngoài về quốc phòng.
Đến nay, kho vũ khí của Tehran đã lớn bậc nhất Trung Đông, bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên đến 2.000km, một lượng lớn drone có tầm bay từ 2.000 - 2.500km có khả năng bay thấp để tránh radar... Số vũ khí này cho phép Iran tấn công bất kỳ vị trí nào tại Trung Đông.
Hạm đội của Iran cũng khá mạnh với các tàu cao tốc và tàu ngầm cỡ nhỏ. Lực lượng này có thể làm chao đảo mọi tàu thuyền đi ngang vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz.
Bất chấp những điểm mạnh trên, các chuyên gia cùng nhận định tiềm lực quân sự Iran vẫn kém xa Mỹ, Israel và nhiều nước châu Âu.
Không quân là điểm yếu lớn nhất của nước này, với việc hầu hết máy bay chiến đấu của Tehran là số được Mỹ viện trợ cho chế độ tiền nhiệm trong những năm 1960, 1970. Điều tương tự cũng diễn ra với hệ thống xe tăng và xe bọc thép của nước này.
Tuy nhiên, lợi thế về quân số và am hiểu địa hình, địa vật vẫn khiến Iran là đối thủ đáng gờm của phương Tây tại Trung Đông. Với vị trí chiến lược của khu vực này với chuỗi cung ứng toàn cầu, cả thế giới đều không muốn thấy viễn cảnh cuộc đụng độ có thể sắp nổ ra giữa hai thế lực này.