Thứ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Liew Chin Tong phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: STAR MEDIA GROUP
Trong hai ngày 8 và 9-1, các chuyên gia kinh tế, xã hội hàng đầu Đông Nam Á đã đến Kuala Lumpur (Malaysia) để thể hiện quan điểm của bản thân về triển vọng kinh tế khu vực ASEAN trong năm 2025.
Những thảo luận trên nằm trong khuôn khổ Hội nghị Người dẫn dắt quan điểm kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Opinion Leaders Conference: Outlook for 2025) - một sáng kiến của Malaysia trong năm Chủ tịch ASEAN 2025.
Hội nghị quy tụ hàng trăm đại biểu là chuyên gia kinh tế đầu ngành từ các quốc gia, tổ chức kinh tế hoặc cơ quan truyền thông uy tín thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với 9 buổi thảo luận xung quanh những chủ đề lớn như xây dựng xã hội trung lưu toàn Đông Nam Á, hướng đi của ASEAN trong giai đoạn địa chính trị phức tạp, đưa kinh tế xanh và kinh tế số thành động lực phát triển của ASEAN...
Cần thiết hoàn thiện chuỗi cung ứng khu vực
Hội nghị quy tụ đông đảo chuyên gia kinh tế trong khu vực - Ảnh: STAR MEDIA GROUP
Một trong những chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong các phiên thảo luận là sự cần thiết xây dựng chuỗi cung ứng nội khối ASEAN.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Indonesia Liew Chin Tong khẳng định trước những biến động liên tục về địa chính trị trong những năm qua, khái niệm về một chuỗi cung ứng toàn cầu duy nhất đã dần mất sức hút.
Thay vào đó là xu hướng chia tách các chuỗi cung ứng theo ranh giới địa chính trị hoặc sự gần gũi khu vực. Việc này nhằm tránh các rủi ro đi kèm với một chuỗi cung ứng quá dài mà thế giới đã đối mặt trong đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ.
Bên cạnh đó, khả năng công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu của các nước cũng có giới hạn riêng. Trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, đã phát triển thịnh vượng nhờ xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, các thị trường này đang chứng kiến sụt giảm dân số nói chung và tầng lớp trung lưu nói riêng, trong khi năng lực sản xuất của ASEAN đã tăng vọt. Do đó, các nền kinh tế ASEAN không thể mãi mãi xem Mỹ là điểm đến xuất khẩu đầu tiên hay lựa chọn cuối cùng.
Trong bối cảnh này, bản thân ASEAN cần đẩy mạnh giao thương nội khối. Ông Liew trình bày tầm nhìn của Malaysia về việc các thành viên ASEAN cần ngừng xem nhau là đối thủ cạnh tranh và tìm cách bổ sung cho nhau nhằm hình thành một chuỗi cung ứng khu vực bền bỉ.
Khu vực kinh tế đặc biệt Johor - Singapore là mô hình điển hình và có tiềm năng mở ra một tương lai hứa hẹn.
Phản hồi sáng kiến này, Phó tổng thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng kinh tế Satvinder Singh khẳng định ASEAN sở hữu lợi thế là nơi mà mọi bên có thể hợp tác mà không sợ chuỗi giá trị sản xuất bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng địa chính trị.
"Các bên đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ... đều có thể đến ASEAN và xem đây là nơi họ có thể cùng tạo ra những giải pháp toàn cầu mà thế giới cần. Đó là thế mạnh của ASEAN. Do đó, tôi cho rằng sự đứt gãy toàn cầu sẽ mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội".
Tiến tới xã hội trung lưu ASEAN
Phó tổng thư ký ASEAN Satvinder Singh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: NGỌC ĐỨC
Ngoài chuỗi cung ứng khối, ông Liew cũng tuyên bố Malaysia có tầm nhìn đưa ASEAN trở thành xã hội thịnh vượng với đa số là tầng lớp trung lưu.
Thứ trưởng Malaysia chia sẻ: "Trong hai thập kỷ tiếp theo, ASEAN sẽ trở thành xã hội tầng lớp trung lưu và là thị trường tiêu dùng quy mô lớn, chứ không chỉ là khu vực sản xuất như công thức công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu xưa cũ.
Để làm điều này, chúng ta cần đảm bảo các thành viên ASEAN không cùng nhau lao xuống đáy vực bằng việc cạnh tranh qua chi phí nhân công, giảm thuế hoặc miễn thuế".
Trước những nhận định này, ông Singh cảnh báo những thách thức về nhân khẩu mà các nước ASEAN phải đối mặt trên con đường tiến tới xã hội thu nhập trung bình cao.
Đứng đầu trong đó là những nền kinh tế như Singapore, Thái Lan, Việt Nam... đang có dân số già đi nhanh chóng.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần lưu ý một số vấn đề như năng lượng và an ninh lương thực trong con đường hướng đến phát triển bao trùm và bền vững.
Ông Singh chia sẻ: "Về khía cạnh kinh tế, biến đổi khí hậu và tính bền vững luôn đứng ở vị trí trung tâm trong mọi chương trình nghị sự của mọi mảng kinh tế ASEAN.
Tôi nghĩ rằng những năm tới sẽ có ngày càng nhiều hành động được thực hiện thông qua sự lãnh đạo của các chính phủ, bao gồm vai trò lãnh đạo của Malaysia trong năm nay khi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch ASEAN.