Từ trái qua: ông Tom Homan, bà Elise Stefanik và ông Lee Zeldin, những người vừa được ông Trump đề cử cho các vị trí trong chính quyền mới - Ảnh: Reuters
Đây là những người sẽ có tác động trực tiếp đến việc thực hiện các chính sách của ông trong nhiệm kỳ thứ hai.
Những lựa chọn đầu tiên của ông Trump đến nay cho thấy mức độ nghiêm túc của ông trong việc hiện thực hóa một loạt lời hứa khi tranh cử, bao gồm trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, cứng rắn hơn với Trung Quốc, thúc đẩy chủ nghĩa biệt lập, giải quyết các xung đột trên thế giới và cách tiếp cận môi trường rất khác so với chính quyền ông Biden.
Ưu tiên các cam kết
Việc sớm công bố nhân sự trong khi còn hơn hai tháng nữa mới tới ngày nhậm chức 20-1-2025, cho thấy ông Trump muốn tiến nhanh hơn với các ưu tiên của mình. Về mặt nhân sự, các thành viên nội các Trump 2.0 được lựa chọn cho đến nay là sự kết hợp giữa những người trung thành và các doanh nhân ủng hộ ông. Ông Trump muốn đảm bảo mình được bao quanh bởi những thành viên cùng chí hướng.
Hôm 7-11, ông Trump đã bổ nhiệm bà Susie Wiles làm chánh văn phòng Nhà Trắng, đánh dấu việc lần đầu tiên một phụ nữ đảm nhiệm vị trí này. Chánh văn phòng thực sự là người gác cổng cuối cùng, giúp định hình các ưu tiên của tổng thống và được coi là chức vụ cao cấp nhất trong nội các mà không cần phải qua Thượng viện phê chuẩn. Bà Wiles được ghi nhận vì đã dẫn dắt thành công chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Cho đến nay, báo chí dự đoán ông Trump đã bổ nhiệm thêm một số nhân vật như hạ nghị sĩ Elise Stefanik sẽ làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, cựu hạ nghị sĩ Lee Zeldin đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường.
Ông Trump cũng chọn ông Tom Homan, cựu quyền giám đốc Cơ quan Thực thi di trú và hải quan (ICE), làm "ông trùm biên giới" với nhiệm vụ giám sát chính sách trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Còn ông Stephen Miller, một trong những trợ lý phục vụ lâu nhất của ông Trump, dự kiến được chọn làm phó chánh văn phòng Nhà Trắng. Nữ Thống đốc bang South Dakota Kristi Noem cũng dự kiến được chọn làm bộ trưởng Bộ An ninh nội địa.
Bà Stefanik được coi là người ủng hộ nhiệt thành cho Israel, điều này cho thấy chính quyền tới đây của ông Trump có thể lại gia tăng những bất đồng với Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, ông Zeldin đã nhấn mạnh mong muốn bãi bỏ các quy định về môi trường. Ông nói rằng một số ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là "hủy bỏ các quy định đang buộc các doanh nghiệp phải gặp khó khăn" và nỗ lực hướng tới "sự thống trị về năng lượng" của Mỹ.
Ông Homan, Miller và bà Noem được biết đến với quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư. Với việc lựa chọn những người quen biết lâu năm vào vị trí liên quan kiểm soát nhập cư, ông Trump đang đảm bảo những người trung thành sẽ đứng đầu giám sát một chủ đề mà ông ưu tiên và đó là chìa khóa cho chương trình nghị sự trong nước của ông.
Theo quy trình trong Hiến pháp Mỹ, Thượng viện thường phải phê chuẩn các đề cử cấp cao của tổng thống, bao gồm các vị trí trong nội các và chức vụ đại sứ. Tuy nhiên vị trí "ông trùm biên giới" lại không cần sự phê chuẩn này, cho thấy ông Trump muốn trao quyền cho người thân tín, ông Homan, để tập trung xử lý vấn đề nhập cư - một ưu tiên nhận được nhiều ủng hộ từ cử tri của ông.
Tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc
Về chính sách liên quan an ninh quốc gia và đối ngoại, ông Trump được cho là đang lựa chọn hai nhà lập pháp Florida nổi tiếng với lập trường cứng rắn với Trung Quốc và Iran cho các vai trò chủ chốt trong nội các sắp tới.
Hạ nghị sĩ Mike Waltz của tiểu bang Florida, một người trung thành với ông Trump và từng là cựu chiến binh phục vụ ở Afghanistan, Trung Đông và châu Phi, dự kiến được chọn làm cố vấn an ninh quốc gia cho ông. Với vai trò này, ông Waltz được kỳ vọng sẽ xử lý các xung đột địa chính trị mà chính quyền của ông Trump dự kiến đối mặt trong nhiệm kỳ hai, bao gồm cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như giữa Israel và Hamas.
Các báo Mỹ ngày 12-11 cũng loan tin ông Trump chọn thượng nghị sĩ Marco Rubio làm ngoại trưởng. Ông Rubio, 53 tuổi, hiện là phó chủ tịch Ủy ban Thượng viện về tình báo đối ngoại và cũng là thành viên Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Hạ viện.
Cả ông Rubio và ông Waltz đều có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, thường chỉ trích các nước châu Âu không chi tiêu đủ cho quốc phòng như cam kết và nghi ngờ khả năng các đồng minh châu Âu đáp ứng mục tiêu phòng thủ của NATO.
Trong một báo cáo vào tháng 9, ông Rubio nhận định Trung Quốc là "đối thủ mạnh nhất mà Mỹ phải đối mặt trong trí nhớ của chúng ta". Về cuộc chiến tại Ukraine, ông chia sẻ với Đài NBC: "Tôi không đứng về phía Nga - nhưng thật không may, thực tế là cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc bằng một giải pháp thương lượng".
Trump 2.0 sẽ mạnh mẽ hơn?
Với việc Đảng Cộng hòa đã giành quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện trong cuộc bầu cử vừa qua như thông tin ngày 11-11 trên truyền thông Mỹ, tổng thống đắc cử Donald Trump có điều kiện thuận lợi để bổ nhiệm những người trung thành vào nội các.
Sự ủng hộ mạnh mẽ từ Quốc hội được cho là sẽ giúp ông Trump rộng tay thực hiện các chính sách ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai một cách hiệu quả và mạnh mẽ hơn so với nhiệm kỳ đầu.
Thêm nhiều nhân vật được ông Trump "chọn mặt gửi vàng"
Từ rạng sáng 13-11 (giờ Việt Nam), ông Trump thông báo "chọn mặt gửi vàng" nhiều nhân vật cho nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền Trump 2.0 sắp tới.
Theo đó, cựu giám đốc tình báo quốc gia John Ratcliffe được ông Trump chọn làm giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA). Ông Ratcliffe là đồng minh thân cận của ông Trump, từng giữ chức giám đốc tình báo quốc gia vào cuối nhiệm kỳ trước của ông Trump.
Ông Trump cũng chọn bà Kristi Noem, thống đốc bang South Dakota, cho vị trí bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ. Tổng thống đắc cử Trump nhấn mạnh bà Kristi có lập trường rất mạnh mẽ về an ninh biên giới, và cũng là thống đốc bang đầu tiên cử Vệ binh quốc gia đến Texas để chống lại khủng hoảng ở biên giới Mỹ.
Song song đó, ông Trump cũng xác nhận tỉ phú Elon Musk sẽ là lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ, với đồng lãnh đạo là cựu ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy.
Ông Trump cũng chọn ông Pete Hegseth - một cựu binh và người dẫn chương trình của Fox News - làm bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Tờ New York Times nhận định đây là lựa chọn nằm ngoài tiêu chuẩn thông thường cho vị trí này.
NGHI VŨ