Dưới bầu trời đầy nắng, ca sĩ Bruce Springsteen say mê biểu diễn trong một sự kiện vận động tranh cử của Phó tổng thống Kamala Harris ở Clarkston, Georgia, hôm 24/10. Nhưng đằng sau vẻ ngoài yên bình, bầu không khí lo âu đang bao trùm sân vận động chật kín hàng nghìn thành viên đảng Dân chủ.
"Thành thật mà nói, tôi thực sự sợ hãi", Rebekah Williams, 46 tuổi, cư dân đến từ Atlanta, nói. Ý nghĩ phải vượt qua quãng thời gian trước khi cuộc bầu cử diễn ra khiến cô lo lắng, chưa kể đến những gì có thể xảy ra sau đó.
Những người tham dự cuộc vận động tranh cử của Phó tổng thống Kamala Harris ở Clarkston, Georgia, hôm 24/10. Ảnh: WSJ
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu. Chiến dịch tranh cử của cả cựu tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Harris đều đang dốc toàn lực vận động để có thể nới rộng khoảng cách với đối thủ, dù thế cạnh tranh đang vô cùng sít sao.
Giữa bầu không khí căng thẳng đó, nhiều cử tri nói rằng cuộc bầu cử năm nay khiến họ có cảm giác rất khác so với những lần trước đây. Nó không phải một cuộc ganh đua chính trị thông thường, mà giống như một cuộc chiến hỗn loạn có thể đe dọa nền dân chủ Mỹ về lâu dài.
"Tôi nhớ những cuộc bầu cử mà mọi thứ đều sẽ ổn thỏa bất kể kết quả ra sao", Phillip Appiah, nhà thầu 50 tuổi đến từ thành phố Stone Mountain, cho biết trong lúc xếp hàng trước xe bán đồ ăn trên bãi cỏ sân vận động James R. Hallford ở Clarkston. "Cuộc bầu cử sắp diễn ra không cho tôi cảm giác giống như trước kia".
Appiah không phải người duy nhất mang trong mình nỗi bất an. Theo một cuộc thăm dò do Wall Street Journal công bố hồi tuần trước, 87% cử tri nói rằng họ tin nước Mỹ sẽ phải chịu tổn hại vĩnh viễn nếu ứng viên của họ thua cuộc.
Trong số những người ủng hộ Harris, 57% nói họ cảm thấy "sợ hãi" nếu Trump được bầu, trong khi 47% cử tri của Trump có cảm nhận tương tự về ứng viên đảng Dân chủ. Ít nhất một nửa số cử tri cho biết họ lo bạo lực có thể xảy ra dù Trump hay Harris thắng cử và 53% nói rằng tình trạng chia rẽ trong xã hội vẫn sẽ tiếp tục gia tăng bất kể kết quả bầu cử ra sao.
Cuộc thăm dò trên cũng cho thấy Trump chỉ dẫn trước Harris với cách biệt nằm trong phạm vi sai số, tương tự kết quả nhiều cuộc khảo sát khác gần đây được thực hiện trên toàn quốc và tại các bang chiến trường. Ngay cả chuyên gia thăm dò dư luận Nate Silver, người nổi tiếng với việc dự đoán đúng kết quả bầu cử, cũng nói ông không thể đoán trước kết quả bầu cử năm nay sẽ đi theo hướng nào. Nhưng dường như tất cả đều có chung một cảm nhận rằng chia rẽ và bất ổn là điều khó tránh khỏi.
Giới chuyên gia chính trị không biết phải suy nghĩ thế nào. Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều chiến lược gia Dân chủ và Cộng hòa đều không thể chắc chắn về một chiến thắng cho ứng viên đảng mình khi họ đánh giá những yếu tố có thể thay đổi kết quả cuối cùng.
Các cuộc thăm dò có đang bỏ sót những cử tri bầu cho Trump, như những gì từng diễn ra năm 2016, hay các nhà khảo sát đang đếm quá cao nhóm này? Liệu chiến lược tiếp cận thực địa vượt trội của đảng Dân chủ có thể đưa họ lên vị trí cao hơn, hay khoản đầu tư đột ngột từ Elon Musk sẽ giúp đảng Cộng hòa bứt phá? Trong một cuộc đua sát nút như hiện nay, hầu như bất kỳ điều gì, một sự kiện thời tiết bất thường ở Wisconsin hay một bê bối mới nổ ra đều có thể mang tính quyết định.
Nhiều đảng viên Cộng hòa đang thể hiện sự tự tin, nhưng ở phía sau, không ít người thừa nhận họ không hoàn toàn chắc chắn.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có gã khổng lồ nào đó đang say ngủ ngoài kia", một chiến lược gia đảng Cộng hòa nói, đề cập đến những thế lực bầu cử ngầm mà các cuộc thăm dò không phát hiện ra. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Trump cuối cùng vượt quá kỳ vọng ở các nhóm cử tri quan trọng. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu Harris giành chiến thắng ở mọi bang chiến trường".
Phó tổng thống Kamala Harris phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử ở Clarkston, Georgia, hôm 24/10. Ảnh: AFP
"Tôi không còn cảm xúc nữa. Tôi không thể để các vấn đề chính trị khiến tôi trở nên bất an", Lauren Groh-Wargo, chiến lược gia đảng Dân chủ ở Georgia, người điều hành nhóm vận động cử tri Fair Fight Action do cựu ứng viên thống đốc Stacey Abrams sáng lập, cho hay. "Cuộc đua này rất cam go, bạn chỉ cần làm những gì bạn có thể và tập trung vào những gì bạn kiểm soát được".
Một nhà vận động hành lang của đảng Dân chủ ở Washington nói một cách ngắn gọn hơn: "Tôi không còn đủ kẹo cao su để xoa dịu nỗi lo lắng của mình nữa!".
Thông điệp của cả hai ứng viên đều làm gia tăng nỗi sợ hãi. Tuần trước, Harris đã gọi Trump là "phát xít" và tổ chức một cuộc họp báo để hướng truyền thông chú ý đến những bình luận từ cựu chánh văn phòng của Trump, người mô tả cựu tổng thống là "kẻ độc tài tương lai".
Trump trong khi đó gọi Harris là "mối đe dọa" đối với nền dân chủ, đang "cố gắng phá hủy đất nước chúng ta". Còn tỷ phú Musk, người đang vận động cho Trump tại Pennsylvania, lại cảnh báo cử tri rằng đất nước sẽ diệt vong và sẽ không còn cuộc bầu cử nào nữa nếu cựu tổng thống thất cử.
Nếu các cảnh báo nhằm mục đích thôi thúc cảm giác cấp bách trong cử tri, có vẻ như chúng đang thành công. Theo Phòng thí nghiệm Bầu cử của Đại học Florida, tính đến ngày 26/10, hơn 38 triệu người đã bỏ phiếu sớm trên khắp cả nước, trong tổng số khoảng 244 triệu cử tri đủ điều kiện bầu cử năm nay.
Bang Georgia chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục mỗi ngày kể từ khi cuộc bỏ phiếu sớm bắt đầu hôm 15/10. Trong dòng người xếp hàng để bỏ phiếu tại vùng ngoại ô Marietta, thành phố Atlanta hôm 24/10, hầu như tất cả cử tri đều bày tỏ lo lắng về những ngày sắp tới.
"Tôi không biết tương lai sẽ ra sao và tôi không nghĩ những người khác biết, vì vậy, mọi thứ thật căng thẳng", Scott Evans, 64 tuổi, nhà môi giới vay thế chấp, cho hay. "Tôi cảm thấy như đang sống ở một đất nước mà tôi không còn muốn thuộc về nó nữa. Không có ai đủ tốt để bầu cho họ".
Là một cử tri độc lập thiên về đảng Cộng hòa, Evans nói rằng nước Mỹ đang lao dốc đến khủng hoảng, bất kể ai chiến thắng cuối cùng.
"Thành thật mà nói, tôi nghĩ chúng ta sẽ gặp rắc rối, dù kết quả thế nào", ông cho biết.
Maria Selva, nhà môi giới bất động sản 52 tuổi đã bỏ phiếu cho Harris, lại bày tỏ lo ngại về việc nền dân chủ Mỹ đang xói mòn.
"Hầu hết mọi người nghĩ rằng, không sao cả, sau cuộc bầu cử này, bạn lại có cơ hội sau 4 năm nữa. Tôi thực sự nghi ngờ điều đó nếu Trump thắng cử", bà nói. "Tương lai đất nước thực sự đang gặp vấn đề".
Chồng bà, Luis Blanco, cho hay kế hoạch của ông để vượt qua căng thẳng trong ít nhất hai tuần tới là "tìm đến rượu".
Chiều 23/10 tại Zebulon, thị trấn nhỏ cách Atlanta một giờ lái xe về phía nam, hàng nghìn người ủng hộ Trump đã kéo đến Nhà nguyện Christ để nghe ứng viên của họ phát biểu, gây tắc nghẽn giao thông hàng km. Màn hình bên cạnh sân khấu nhấp nháy dòng chữ: "5/11: Ngày quan trọng nhất trong lịch sử đất nước". Dù vậy, nhiều người trong đám đông cũng mang tâm trạng bồn chồn.
"Nếu Trump không được bầu, mọi thứ sẽ trở nên quá muộn. Họ đang cố gắng tước đoạt nền dân chủ", Paul Schneider, chủ doanh nghiệp 67 tuổi đến từ thị trấn Sharpsburg, người mặc chiếc áo in ảnh chụp hồ sơ nhà tù của cựu tổng thống, nói.
Schneider cho hay ông tin chiến thắng bầu cử năm 2020 đã bị tước khỏi tay ứng viên đảng Cộng hòa nhưng ông đã kiềm chế phản ứng "để tránh nội chiến". Lần này, Trump sẽ không kìm nén nữa.
Nỗi lo lắng và bất an của những người ủng hộ Trump có vẻ cực đoan hơn các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ. Với họ, trạng thái thù địch đã được thiết lập, họ tin mình đang sống trong một chính quyền tồi tệ do phe Dân chủ kiểm soát. Nhiều người bày tỏ nghi ngờ về số phiếu bầu, tin rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị gian lận. Nhưng họ cũng có xu hướng lo lắng về tình trạng bất ổn hơn có thể xảy ra.
"Người dân chống lại chính phủ", Madison Bates, sinh viên 21 tuổi, nói. "Tôi tin chắc rằng nếu Trump không thắng, đó là điều sẽ xảy ra. Mọi người đã chán ngấy rồi. Bạn có thể thấy nó hàng ngày".
Đám đông người ủng hộ vây quanh cựu tổng thống Donald Trump ở Zebulon, Georgia, hôm 23/10. Ảnh: AFP
Patti Akin, 69 tuổi, đến từ thị trấn Senoia lân cận, cho biết bà và gia đình đã bỏ phiếu nên bây giờ, họ không còn gì để làm ngoài việc chờ đợi trong lo lắng. "Thật đáng sợ, bạn sẽ không biết cho đến khi tất cả lá phiếu được kiểm, liệu nó có chính xác hay không. Hãy xem những gì đã xảy ra vào năm 2020", bà nói.
Tại cuộc mít tinh của Phó tổng thống Harris ở Clarkston, mặt trời bắt đầu lặn khi đám đông chờ đợi cựu tổng thống Barack Obama bước lên sân khấu phát biểu, người sau đó cảnh báo họ rằng "chỉ vì Trump hành động ngớ ngẩn không có nghĩa rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy sẽ không nguy hiểm".
Nathan Mullin, nhân viên bán hàng 50 tuổi đến từ Stonecrest, cho biết ông "cực kỳ căng thẳng" khi xem các cuộc thăm dò ý kiến những ngày qua. Ông cũng có chung quan điểm rằng cuộc bầu cử năm nay thực sự khác thường.
"Thông thường, các cuộc bầu cử sẽ xoay quanh những thứ như ai có chính sách thuế tốt nhất hay ai sẽ giúp đỡ người nghèo", ông nói. "Hiện tại, nó hướng tới điều gì đó hoàn toàn khác".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)