Chuyên mục  


hinh-anh-cho-bai-nobel-hoa-binh-read-only-1728660302350513676973.jpg

Người dân Nhật Bản vui mừng khi đọc thấy bản tin đặc biệt của tờ Yomiuri Shimbun cho biết Tổ chức Nihon Hidankyo vừa giành được giải Nobel hòa bình tại Tokyo (Nhật Bản) vào ngày 11-10 - Ảnh: REUTERS

Nihon Hidankyo là "tổ chức toàn quốc duy nhất của những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki", những người này được gọi là "hibakusha" trong tiếng Nhật.

Tri ân các hibakusha

Tổ chức Nihon Hidankyo coi mục tiêu chính của mình là ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và loại bỏ vũ khí hạt nhân, đảm bảo nhà nước bồi thường thiệt hại do bom nguyên tử, đồng thời cải thiện các chính sách và biện pháp về bảo vệ và hỗ trợ các hibakusha.

Trong thông cáo Ủy ban Nobel ghi nhận tổ chức này đã "làm việc không mệt mỏi" để nâng cao nhận thức về hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong nhiều thập niên, Nihon Hidankyo đã cố gắng thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân thông qua việc thu thập lời kể của các nhân chứng và gửi các phái đoàn hằng năm tới tham gia các hội nghị Liên Hiệp Quốc và những hội nghị hòa bình.

Chính trải nghiệm của các hibakusha với tư cách nhân chứng sống của bom nguyên tử vào tháng 8-1945 là bằng chứng vô cùng thuyết phục về sự thảm khốc của vũ khí hạt nhân.

Ủy ban Nobel nhận xét họ đã "giúp tạo ra và củng cố sự phản đối rộng rãi đối với vũ khí hạt nhân trên khắp thế giới bằng cách kể những câu chuyện cá nhân, tạo ra các chiến dịch giáo dục dựa trên kinh nghiệm của chính họ và đưa ra các cảnh báo khẩn cấp chống lại việc phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân".

Do đó, việc giải Nobel hòa bình, trị giá 11 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1 triệu USD), được trao cho một tổ chức cơ sở với toàn bộ thành viên và người lãnh đạo đều là những người sống sót của vụ nổ bom nguyên tử năm 1945 vừa mang ý nghĩa ghi nhận công trạng vừa gửi đi thông điệp mang tính nhắc nhở, cảnh báo.

Theo thời gian, các hibakusha đang già đi nhanh chóng và lần lượt qua đời. Ủy ban Nobel cho biết: "Một ngày nào đó, các hibakusha sẽ không còn ở cùng chúng ta với tư cách là nhân chứng của lịch sử".

Quả thật, ngày càng ít nhân chứng sống có thể chứng minh sự vô nghĩa của việc sở hữu bom nguyên tử hay vũ khí hạt nhân khi vụ nổ đã xảy ra từ hơn 79 năm trước.

Hiện nay, theo Bộ Y tế Nhật Bản, độ tuổi trung bình của 106.000 người còn sống sót là gần 86 tuổi. Giải thưởng Nobel hòa bình năm nay được trao như một sự tri ân cho những nỗ lực của các thành viên Nihon Hidankyo trước khi mọi thứ quá trễ.

Cảnh báo thảm họa hủy diệt

Giải thưởng năm nay cũng còn là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tình hình an ninh thế giới hiện nay. Ủy ban Nobel nói rằng mặc dù một điều đáng khuyến khích là đã không có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong chiến tranh suốt gần 80 năm qua, nhưng điều đáng báo động là thế giới đang đối mặt nhiều nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân từ châu Âu, Trung Đông và cả ở khu vực châu Á.

Ủy ban Nobel nhìn nhận thế giới đang xảy ra chiến tranh và xung đột có lẽ ở mức độ chưa từng có trong thời gian gần đây, từ Trung Đông đến Ukraine, cả ở Sudan và Myanmar.

Giải Nobel hòa bình năm nay cũng gửi đi một thông điệp đanh thép rằng thế giới vẫn còn nhiệm vụ lớn hơn nữa là bảo vệ các thế hệ tiếp theo khỏi nỗi kinh hoàng của chiến tranh hạt nhân.

Ông Jorgen Watne Frydnes, người đứng đầu Ủy ban Nobel ở Na Uy, cho biết: "Các cường quốc hạt nhân đang hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí của họ. Các quốc gia mới dường như đang chuẩn bị sở hữu vũ khí hạt nhân; và những tuyên bố hăm dọa sử dụng vũ khí hạt nhân được thực hiện như một phần của cuộc chiến đang diễn ra".

Đây không phải lần đầu tiên Ủy ban Nobel trao giải cho các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân. Trước đó, giáo sư Joseph Rofblat và Hội nghị Pugwash về khoa học và các vấn đề thế giới đã cùng nhận giải vào năm 1995 vì những đóng góp trong việc giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân.

Đến năm 2017, Tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân đã giành được Nobel hòa bình. Và chưa đến 10 năm sau, lại một tổ chức nữa được trao giải.

Bóng ma của vũ khí hạt nhân

Về mốc thời gian, đây cũng là một dịp đặc biệt để nhắc nhở thế giới rằng chúng ta cần phải nhìn lại những gì đã trải qua và học hỏi từ nó. Thế giới chưa bao giờ thật sự thoát khỏi bóng ma của vũ khí hạt nhân cũng như vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Năm tới cũng sẽ đánh dấu kỷ niệm 80 năm ngày Mỹ thả bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8-1945. Tổ chức Nihon Hidankyo là tiếng nói quan trọng nhắc nhở chúng ta về bản chất hủy diệt của vũ khí hạt nhân.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020