Tập Cận Bình sinh tháng 6/1953 trong một gia đình ưu tú. Cha ông là Tập Trọng Huân, người giữ nhiều chức vụ trong chính quyền trước khi được bổ nhiệm làm phó thủ tướng. Ông Tập từng mô tả cha mình là "người hết lòng cống hiến cho nhân dân" và cam kết sẽ tiếp nối bước đi của đấng sinh thành.
Tuy nhiên, ông Tập Trọng Huân bị cách chức vào năm 1962, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Ở tuổi 15, là một "thanh niên trí thức", ông Tập rời Bắc Kinh đến Lương Gia Hà, ngôi làng hẻo lánh ở vùng nông thôn nghèo thuộc tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, mang theo một chiếc túi nhỏ có dòng chữ "trái tim của mẹ" do mẹ ông, bà Tề Tâm, thêu.
Đây là một phần trong chủ trương của lãnh đạo Mao Trạch Đông, đưa các trí thức trẻ ở đô thị về vùng quê trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Ông Tập (giữa) trò chuyện với người dân tại một ngôi làng ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc, hồi năm 2015. Ảnh: Xinhua
Ông Tập đã dành 7 năm ở vùng nông thôn, làm việc và sống cùng với những người nông dân. Ông cũng tự gọi mình là nông dân khi kể về những năm tháng ở Lương Gia Hà. Giống như mọi người dân khác trong làng, ông chăm chỉ mỗi ngày làm các công việc như trồng trọt, chăn cừu, chở phân hay vận chuyển than.
Ông gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc tại đây và trở thành bí thư thôn, khởi đầu sự nghiệp chính trị. Chủ tịch Trung Quốc từng nói rằng mong muốn tha thiết của ông khi đó là "giúp cho dân làng có thịt ăn thường xuyên". Ông đã hướng dẫn họ đào giếng, làm kênh thủy lợi, xây dựng hố sản xuất khí methane đầu tiên của tỉnh.
Trải nghiệm này có ý nghĩa rất lớn đối với Chủ tịch Trung Quốc và ông thường kể về nó, ngay cả khi trở thành lãnh đạo cao nhất đất nước. Trong chuyến thăm Costa Rica năm 2013, ông đến thăm nhà một gia đình nông dân và kể về những năm tháng sống ở vùng nông thôn của mình.
"Hiếm có một lãnh đạo nào lại nói chuyện một cách say mê và đầy tự hào như vậy về việc từng là nông dân. Một số người có thể muốn bỏ qua khía cạnh đó, nhưng ông ấy không làm vậy. Ông ấy đề cao nó", Alberto Zamora, chủ đồn điền cà phê mà ông Tập tới thăm năm 2013, cho hay.
Chủ tịch Tập cho biết ông đã hiểu được ý nghĩa của từ "nhân dân" nhờ trải nghiệm ở Lương Gia Hà và điều này càng củng cố quyết tâm "phục vụ nhân dân", một nguyên tắc mà ông đã tuân thủ suốt nhiều thập kỷ qua.
Vào cuối những năm 1970, sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa với tấm bằng cử nhân hóa học, ông Tập làm thư ký cho bộ trưởng quốc phòng Cảnh Biểu, một đồng chí cũ của cha ông. Năm 1982, ông tình nguyện tới làm việc ở cấp cơ sở và chuyển đến Chính Định, huyện nghèo ở tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc, vì muốn "đấu tranh, làm việc chăm chỉ, và thực sự gánh vác một việc gì đó to lớn".
Bà Bành Lệ Viện, vợ ông, sau này nói rằng nhiều bạn cùng lớp của ông Tập đã ra nước ngoài và ông cũng có thể làm điều tương tự. Nhưng ông Tập vẫn quyết định ở lại và chọn con đường gian nan hơn.
Trong ba năm ở Chính Định, ông Tập làm phó bí thư huyện ủy rồi sau đó trở thành bí thư. Ông đạp xe đến tất cả các xã và tổ sản xuất của huyện để kiểm tra công việc.
Trong hơn 20 năm tiếp theo, ông Tập kinh qua nhiều chức vụ ở tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang, như phó thị trưởng, bí thư quận ủy, bí thư thành ủy, tỉnh trưởng, bí thư tỉnh ủy. Năm 2007, ông trở thành bí thư thành ủy Thượng Hải trước khi được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông tập (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh ở huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, năm 1973. Ảnh: Xinhua
Ông Tập giữ mối quan hệ gần gũi với người dân ở bất cứ nơi nào ông làm việc. Ông biến việc đến thăm nhà người dân trước mỗi dịp Tết Nguyên đán trở thành một truyền thống.
Trải nghiệm của ông Tập trong những năm tháng tuổi trẻ về cái đói và nỗi cực nhọc ở vùng nông thôn có thể giúp giải thích tại sao ông lại kiểm tra nhà bếp, phòng tắm và tầng hầm trong nhà người dân đầu tiên mỗi khi tới thăm. Ông cũng giữ thói quen trao đổi thư từ với mọi người từ nông dân, doanh nhân, học sinh, đến thành viên đoàn văn công hay những người lính canh gác biên giới.
Năm 1992, ông Tập trở lại Lương Gia Hà, tặng mỗi hộ gia đình ở đây một chiếc đồng hồ báo thức.
Năm 2013, sau khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập khởi xướng chiến dịch "xóa đói giảm nghèo có mục tiêu" và lập kế hoạch chi tiết nhằm hiện thực hóa kế hoạch này. Tổng cộng, hơn 255.000 tổ công tác và hơn 3 triệu cán bộ đã được cử về nông thôn để giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo. Khoảng 100 triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực trong thập kỷ qua, theo số liệu của Bắc Kinh.
Năm 2021, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 35.128 nhân dân tệ (gần 5.000 USD), tăng gần 80% so với năm 2012. Khoảng cách thu nhập thành thị - nông thôn được thu hẹp xuống còn 2,5:1.
Theo lời Chủ tịch Tập, tất cả những gì ông làm về cơ bản là vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Ông từng xuất bản một cuốn hồi ký trong đó viết: "Chúng ta phải yêu thương người dân như yêu cha mẹ mình, làm việc vì hạnh phúc của họ và giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn".
Đối phó đại dịch Covid-19 được cho là một trong những thách thức lớn nhất mà ông Tập phải đối mặt trên cương vị lãnh đạo đất nước. Ông Tập đã lãnh đạo Trung Quốc thực hiện chính sách "không Covid-19" một cách linh hoạt, duy trì tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức rất thấp.
Ông Tập cho biết với dân số khổng lồ, nếu Trung Quốc áp dụng các chính sách chống Covid-19 như miễn dịch cộng đồng, hậu quả sẽ không thể đong đếm được.
"Chúng ta thà chịu những thiệt hại tạm thời về phát triển kinh tế còn hơn là gây tổn hại đến tính mạng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em. Đánh giá tác động về mọi mặt, các biện pháp ứng phó với Covid-19 của chúng ta là tiết kiệm và hiệu quả nhất", ông nói.
Dưới bàn tay dẫn dắt của ông Tập, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã chứng kiến những thay đổi lớn lao, với quy mô nền kinh tế tăng hơn gấp đôi lên 16 nghìn tỷ USD, tình trạng nghèo đói cùng cực bị xóa bỏ và đạt được mức thịnh vượng vừa phải cho 1,4 tỷ dân của đất nước.
Mang lại những chuyển biến quan trọng, mở ra một "kỷ nguyên mới" cho "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", ông Tập được nhiều chuyên gia coi là người cầm lái có khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, theo đuổi hiện đại hóa toàn diện.
Ông Tập Cận Bình tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ ba tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh ngày 10/3. Ảnh: AFP
Stephen Perry, chủ tịch 48 Group Club, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London chuyên thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc và Anh, cho hay tất cả những gì ông nhìn thấy suốt những năm qua là động lực của Chủ tịch Tập luôn nằm ở người dân, nhân tố tối quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.
Vũ Hoàng (Theo NPR, Xinhua)