Các trợ lý của tổng thống Bashar al-Assad lúc đó đang vạch các ý tưởng giúp ông truyền tải thông điệp trước toàn thể người dân, trong lúc đoàn quay phim đã dựng camera và đèn, chỉ chờ ghi hình.
Kênh truyền hình nhà nước Syria sẵn sàng phát sóng sản phẩm hoàn thiện: Phát biểu từ người đứng đầu đất nước công bố kế hoạch chia sẻ quyền lực với các thành viên phe đối lập nhằm chấm dứt 13 năm nội chiến một cách hòa bình, theo ba người tham gia vào quá trình chuẩn bị bài phát biểu.
Theo một nguồn tin tại Dinh Tổng thống trên đồi Mezzeh ở phía tây Damascus, ông Assad không thể hiện dấu hiệu bất an nào và tiếp tục làm việc tại đây, dù các cánh quân nổi dậy đang áp sát thủ đô.
Tổng thống Bashar al-Assad phát biểu tại thủ đô Damascus, Syria, hồi năm 2020. Ảnh: AFP
Các phụ tá của ông được thông báo rằng quân đội chính phủ đã tăng cường lực lượng phòng thủ thủ đô, trong đó có cả Sư đoàn Thiết giáp số 4 hùng mạnh do tướng Maher al-Assad, em trai tổng thống, chỉ huy.
Họ tin rằng thủ đô sẽ trụ vững, nhưng rồi tất cả đều phải chịu một cú sốc. Khi trời chạng vạng tối, tổng thống đã rời khỏi thủ đô, bí mật bay đến căn cứ quân sự Hmeimim của Nga ở tỉnh Latakia, rồi lên máy bay tới Moskva xin tị nạn, theo 6 quan chức chính phủ và an ninh Trung Đông.
Assad rời đi bí mật đến nỗi một số phụ tá của ông vẫn ở lại Dinh Tổng thống nhiều giờ sau đó, ngóng chờ một bài phát biểu không bao giờ được thực hiện. Sau nửa đêm, tin tức tổng thống rời đi bắt đất lan truyền, khiến họ bỏ chạy trong hoảng loạn, để lại cánh cổng dinh thự mở toang.
Chính quyền Assad sụp đổ, chấm dứt 50 năm gia tộc ông lãnh đạo đất nước, làm xáo trộn bản đồ chiến lược Trung Đông và đưa Syria vào một quỹ đạo bất ổn mới.
Quá trình sụp đổ đó bắt đầu từ cuối tháng 11, khi quân nổi dậy ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria, bất ngờ phát động chiến dịch tấn công nhằm đẩy lùi quân đội chính phủ.
Cuộc nổi dậy dường như được tính toán rất kỹ về mặt thời gian. Tổng thống Assad khi đó đang ở châu Âu, tham dự sự kiện đặc biệt của gia đình. Con trai ông, Hafez al-Assad, đang bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Moskva.
Luận án tiến sĩ dài 98 trang của Hafez al-Assad với chủ đề "Các câu hỏi số học về đa thức trong trường số đại số" dường như không thu hút được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, nó có một lời đề tặng độc đáo: "Gửi tới những người lính Quân đội Arab Syria anh hùng, nếu không nhờ tinh thần hy sinh quên mình của họ, không ai trong chúng ta có thể hiện diện ở đây".
Nhưng tổng thống Assad đã không tới dự buổi bảo vệ luận án của con trai. Tại quê nhà, quân đội chính phủ Syria mà con trai ông ca ngợi đang sụp đổ chóng vánh trước đà tiến công của quân nổi dậy.
Trong 13 năm qua, tổng thống Assad không ngừng chiến đấu chống lại các nhóm vũ trang tìm cách lật đổ ông trong cuộc nội chiến khốc liệt đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người tại quốc gia này.
Iran và lực lượng đồng minh của họ, nhóm Hezbollah tại Lebanon, đã hỗ trợ quân đội Syria tác chiến trên bộ, trong khi không quân Nga yểm trợ trên không bằng các cuộc ném bom, giúp quân đội chính phủ Syria đảo ngược tình thế vào năm 2015, đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đẩy lùi quân nổi dậy về phía bắc.
Nhưng quân đội Syria đã không thể tiến xa hơn và cuộc chiến bước vào giai đoạn bế tắc từ năm 2020. Nền kinh tế Syria bị tàn phá nặng nề và nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở tây bắc, đông bắc, đông nam không nằm trong tầm kiểm soát của tổng thống Assad. Tuy nhiên, ông vẫn nắm quyền và gần đây đang nỗ lực thoát khỏi thế bị cô lập trên trường quốc tế.
"Cuộc sống vẫn bình thường và mọi người đều hướng tới tương lai", một nguồn tin trong Dinh Tổng thống từng làm việc nhiều năm bên cạnh ông Assad, nhớ lại.
Ngày 30/11, liên quân nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn dắt chiếm Aleppo, đô thị lớn thứ hai đất nước ở phía bắc Syria, gây sốc cho người dân khắp Trung Đông. Ông Assad vội vã trở về Damascus và đối diện với những gương mặt đầy lo lắng tại Dinh Tổng thống. Dù vậy, không ai nghĩ rằng thủ đô có thể bị ảnh hưởng, bởi quân nổi dậy sẽ phải vượt qua nhiều thành trì khác mới tiến được tới Damascus.
Nhận thức được rằng quân đội của mình đã bị suy yếu sau nhiều năm chiến đấu, tổng thống Assad tìm kiếm hỗ trợ từ các lực lượng nước ngoài từng giúp đỡ ông trước đây, như Nga, Iran, Iraq.
Tại Tehran, các chỉ huy cấp cao Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp để tìm cách hỗ trợ chính quyền Assad, theo ba quan chức Iran, trong đó có hai thành viên IRGC.
Hai ngày sau khi Aleppo thất thủ, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tới thủ đô Syria, khẳng định Damascus vẫn ổn định. Camera quay cảnh ông tới thăm các gia đình trên phố và ăn tại một nhà hàng nổi tiếng với người đồng cấp Syria. Ông tuyên bố trên truyền thông nhà nước rằng Iran sẽ sát cánh bên tổng thống Assad đến cùng.
Nhưng Iran không có nhiều lựa chọn.
Trong suốt cuộc nội chiến Syria, Iran đã cung cấp viện trợ quân sự mạnh mẽ cho chính quyền Assad, gửi các chỉ huy và chiến binh của riêng mình từ IRGC cũng như những tay súng tinh nhuệ Hezbollah hay các lực lượng đồng minh ở nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, Hezbollah đang bị suy yếu đáng kể sau cuộc chiến với Israel. Chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng đe dọa nhắm vào máy bay hay bất kỳ lực lượng mặt đất nào mà Iran muốn điều động đến Syria, khiến Tehran không còn công cụ để hỗ trợ tổng thống Assad một cách hiệu quả.
Ngoại trưởng Araghchi phát biểu trên truyền thông nhà nước rằng ông thấy tổng thống Assad bối rối và tức giận vì quân đội Syria không giữ được Aleppo, thêm rằng chính quyền Assad đã "không đánh giá chính xác tình hình".
Theo hai quan chức Iran, tổng thống Assad đã giải thích riêng với Ngoại trưởng Araghchi rằng các tướng lĩnh của ông gọi việc rút quân là một động thái chiến thuật để tăng cường phòng thủ cho Damascus.
Một người ủng hộ quan trọng khác của tổng thống Assad là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nga duy trì một căn cứ quân sự ở miền bắc Syria và một quân cảng tại Tartus, bên bờ Địa Trung Hải, cho phép Moskva mở rộng ảnh hưởng quân sự tại Trung Đông.
Nga trong những năm qua đã dồn nhiều công sức hỗ trợ quân đội Syria. Moskva cũng cố gắng làm trung gian hòa giải giữa tổng thống Assad và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người từ lâu đã ủng hộ quân nổi dậy. Song nỗ lực này chưa bao giờ đạt được tiến triển.
Trong những ngày đầu tiên quân nổi dậy tiến công sau khi Aleppo thất thủ, tổng thống Assad nhận thấy mối quan hệ giữa ông và Tổng thống Putin đột nhiên trở nên lạnh nhạt. Ông chủ Điện Kremlin đã ngừng nghe điện thoại từ lãnh đạo Syria, một nhân viên Dinh Tổng thống Syria và một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ.
Một số nguồn tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc với phía Nga, cảnh báo rằng mọi động thái can thiệp vào Syria hiện nay đều là "phí công vô ích".
Sau khi chiếm Aleppo, quân nổi dậy tiếp tục tiến về phía nam và kiểm soát thành trì Hama của chính quyền, tạo ra một cú sốc khác đối với tổng thống Assad.
Đà tiến công nhanh chóng của quân nổi dậy đã phơi bày thực trạng yếu kém của quân đội Syria. Khó khăn kinh tế và các lệnh trừng phạt quốc tế đã khiến ngân sách chính phủ cạn kiệt. Lương của binh lính giảm xuống chỉ còn dưới 30 USD một tháng. Quá nhiều quân nhân đã thiệt mạng, đến nỗi quân đội phải dựa vào lính nghĩa vụ. Họ không có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và chỉ được trang bị những vũ khí lỗi thời.
Quân nổi dậy cũng chủ yếu mang theo vũ khí hạng nhẹ. Nhưng họ có máy bay không người lái (UAV), một lợi thế lớn giúp họ tấn công các trung tâm chỉ huy của Syria, khiến binh sĩ chính quyền rơi vào cảnh hỗn loạn.
Các báo cáo tình báo quân sự Syria mô tả những đòn tấn công bằng UAV diễn ra liên tục trên khắp đất nước, khiến lực lượng chính quyền không có cách nào chống trả.
Tại Tehran, các chỉ huy quân sự đã báo cáo với lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei rằng quân nổi dậy đang tiến quá nhanh khiến họ không thể giúp đỡ, theo lời 4 quan chức nước này.
Quá kinh ngạc, lãnh tụ tối cao Iran cử cố vấn cấp cao Ali Larijani bí mật đến Damascus để khuyên tổng thống Syria hãy câu giờ bằng cách hứa cải tổ chính trị và sẽ thành lập một chính phủ mới gồm các thành viên của phe đối lập.
Larijani cũng thảo luận với tổng thống Assad các phương án rời khỏi đất nước, liệt kê các điểm đến như Tehran hay Moskva.
Nhận ra rằng tình hình sẽ không thể cứu vãn nếu chỉ dựa vào Nga hay Iran, tổng thống Assad cử ngoại trưởng đến Baghdad, thủ đô Iraq.
Ngoại trưởng Syria nói với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani rằng chính quyền Assad sụp đổ sẽ gây nguy hiểm cho nước này, theo ba viên chức khu vực có thông tin về các cuộc đàm phán. Ông cầu xin hỗ trợ từ quân đội Iraq, nhưng các lãnh đạo cấp cao nhất đất nước, từ Thủ tướng đến Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội, đều từ chối.
Các tay súng nổi dậy ăn mừng sau khi kiểm soát thủ đô Damascus, Syria, hôm 8/12. Ảnh: AFP
Về mặt công khai, giới chức Iran kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Nhưng ở hậu trường, họ kết luận rằng tổng thống Assad khó lòng trụ vững sau biến cố này. Họ bắt đầu lặng lẽ rút nhân viên ngoại giao và quân sự khỏi Damascus, theo 6 quan chức Iran am hiểu vấn đề.
"Họ nói với chúng tôi rằng quân nổi dậy sẽ đến Damascus vào cuối tuần và họ không có kế hoạch chiến đấu nào cả", một bản ghi nhớ nội bộ của IRGC có đoạn. "Người dân Syria và quân đội không muốn đối diện thêm một cuộc chiến tranh nữa. Mọi chuyện đã kết thúc".
Hoảng loạn đã bao trùm Damascus từ rạng sáng 7/12. Chỉ trong đêm, quân nổi dậy đã tiến tới Homs, thành phố lớn thứ ba Syria và là đô thị lớn cuối cùng nằm chắn giữa đường tấn công của họ với thủ đô.
Người dân đổ xô đến các cửa hàng để dự trữ thực phẩm trong trường hợp giao tranh trên đường phố nổ ra khiến họ bị mắc kẹt ở nhà. Những người khác đổ đầy xăng xe và tháo chạy khỏi thành phố.
Theo hàng chục báo cáo tình báo quân sự ngày 6 và 7/12, bên trong quân đội, rõ ràng là các binh sĩ của tổng thống Assad đã không thể làm gì để chống đỡ. Họ bị áp đảo, bỏ lại cả khí tài quân sự để tháo chạy.
"Quân nổi dậy có kế hoạch kiểm soát toàn bộ khu vực phía nam và sau đó tiến về thủ đô", một báo cáo khác lúc bấy giờ cho biết. "Điều này sẽ xảy ra trong vài giờ nữa".
Nhưng cơn khủng hoảng vẫn chưa lan tới Dinh Tổng thống. Ông Assad và đội ngũ nhân viên đang ở trong văn phòng, cố gắng xử lý một cuộc khủng hoảng mà họ không hiểu được mức độ nghiêm trọng của nó.
"Mọi người vẫn vạch ra các kịch bản", một nhân viên Dinh Tổng thống Syria nhớ lại. "Song không ai nghĩ tới kịch bản rằng Damascus sẽ thất thủ".
Các nhân viên dành cả ngày chờ đợi bài phát biểu từ tổng thống Assad, hy vọng bằng cách nào đó nó có thể ngăn chặn bước tiến của quân nổi dậy.
"Nhiều người nói rằng đã đến lúc ông ấy phải xuất hiện, để ủng hộ quân đội, trấn an mọi người", nguồn tin từ Dinh Tổng thống cho hay.
Nhưng việc ghi hình phát biểu liên tục bị hoãn lại mà không có lời giải thích. Đến chạng vạng tối, các nhân viên không còn biết chắc tổng thống Assad đang ở đâu.
Ở phía bên kia của Trung Đông, tại Doha, Qatar, nhiều nhà môi giới quyền lực trong khu vực đã tập trung lại để cố gắng tìm cách ngăn chặn tình hình ở Syria leo thang hơn nữa.
Nhiều đại diện quốc gia không hài lòng với tổng thống Assad nhưng chấp nhận thực tế rằng ông đã sống sót trong hơn một thập kỷ nội chiến và họ không tin rằng quân nổi dậy có thể duy trì đoàn kết cho Syria.
Trong số các quan chức từ 5 quốc gia Arab, cộng với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, không ít người lại kết luận rằng mọi chuyện đã quá muộn với tổng thống Assad, theo ba quan chức từ các quốc gia tham dự cuộc họp.
Tối hôm đó, quân nổi dậy tiến vào Homs, làm dấy lên nỗi lo sợ rằng Damascus sẽ sớm trở thành mục tiêu tiếp theo.
"Sau khi Homs thất thủ, mọi thứ trở nên rất căng thẳng và không ai biết điều gì đang diễn ra, cả bên trong lẫn bên ngoài Dinh Tổng thống", người trong cuộc cho biết.
Tổng thống Assad vẫn im lặng. Đó là lý do người dân sống gần tư dinh của gia đình Assad ở thủ đô Damascus đã giật mình khi những người lính canh la hét vào rạng sáng 8/12: "Mọi người, chạy đi, chạy đi! Chúng đang tới!".
"Ông ấy rời bỏ chúng ta rồi", một người hàng xóm nhớ lại lời lính canh hò hét khi đó.
Theo một người lính có họ là Mohammed, tình trạng hỗn loạn cũng bao trùm đơn vị tình báo không quân ở nơi khác trong thành phố.
Anh cho biết khi quân nổi dậy áp sát Damascus, lệnh bảo vệ thủ đô được đưa ra. Nhưng trên điện thoại, họ nhìn thấy hình ảnh đồng đội của mình ở nơi khác cởi bỏ quân phục và chạy trốn.
Sau khi màn đêm buông xuống, mệnh lệnh đã thay đổi. Mohammed nhớ lại anh được yêu cầu "đốt mọi thứ, tài liệu, hồ sơ và ổ cứng".
"Lúc đó, tôi và các đồng đội đều mơ hồ đoán ra rằng chính quyền đang sụp đổ", anh nói.
Mohammed cũng thay quần áo thường dân và rời khỏi căn cứ. Nhưng bên trong Dinh Tổng thống, các trợ lý vẫn kiên nhẫn chờ đợi bài phát biểu của ông.
"Ý nghĩ ông ấy đã bỏ trốn chưa bao giờ xuất hiện trong đầu chúng tôi", nhân viên Dinh Tổng thống khẳng định.
Khung cảnh đổ nát tại một khu vực ở phía nam thủ đô Damascus, Syria, hôm 22/12. Ảnh: AFP
Sau nửa đêm, họ nhận được một cuộc gọi thông báo tổng thống đã rời khỏi đất nước. Tiếp đó, người đứng đầu bộ phận an ninh gọi điện thông báo lính canh đã rút và ông cũng sẽ rời đi.
Nỗi kinh hoàng ập đến. Người nhân viên cho biết ông chạy đến xe của mình, thấy Dinh Tổng thống trống rỗng và cổng để mở toang. Ông vội vã bỏ trốn và nhận ra rằng tổng thống Assad chưa bao giờ lên kế hoạch cho một bài phát biểu.
Ông tin rằng đây chỉ là một chiến thuật nhằm đánh lạc hướng đội ngũ nhân viên trong lúc tổng thống chuẩn bị rời đi. "Ông ấy đã lừa chúng tôi", nhân viên này cho hay.
Sáng 8/12, quân nổi dậy tiến vào Damascus, chiếm Dinh Tổng thống và các mục tiêu quan trọng, tuyên bố lật đổ chính quyền. Từ căn cứ Latakia, ông Assad được phía Nga sơ tán bằng máy bay tới Moskva, nơi vợ con ông đang chờ sẵn. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cấp quy chế tị nạn trên cơ sở nhân đạo cho gia đình ông Assad.
8 ngày sau, ông Assad mới đăng thông điệp đầu tiên trên Telegram, tuyên bố ông vẫn ở lại thủ đô Damascus thực hiện nhiệm vụ của một tổng thống tới sáng sớm 8/12. "Việc tôi rời khỏi Syria không có kế hoạch từ trước và cũng không diễn ra trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến như một số tin đồn", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, FT, Economic Times, AFP)