Vụ lao xe vào chợ Giáng sinh thành phố Magdeburg ngày 20/12 khiến 5 người thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương. Nghi phạm Taleb Al Abdulmohsen, công dân Arab Saudi đến Đức sinh sống và làm nghề bác sĩ từ năm 2006, bị bắt tại hiện trường.
Giới chức an ninh Đức cho đến nay vẫn chưa thể trả lời rõ chất vấn từ truyền thông địa phương về trách nhiệm trong thảm kịch lần này. Vấn đề lớn nhất chưa được giải đáp là lỗ hổng trong các phương án bảo vệ chợ Giáng sinh, như mật độ cảnh sát có mặt tại khu chợ và thiết kế chướng ngại vật.
Trong gần một thập kỷ qua, Đức đã tăng cường bảo vệ những khu chợ Giáng sinh tại nước này sau một số vụ tấn công khủng bố kiểu sói đơn độc, trong đó hung thủ thường có mối liên hệ với các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS).
Nước này tăng số lượng camera giám sát lẫn cảnh sát bảo vệ chợ Giáng sinh, bao gồm lực lượng tuần tra lẫn cảnh sát chìm. Khu vực công cộng, tập trung đông người đi bộ được bố trí barrier bảo vệ, đề phòng những tình huống lao xe vào đám đông. Một số khu vực còn áp dụng quy trình kiểm tra từng khách một. Năm nay, Đức còn cấm dao tại mọi khu chợ Giáng sinh với mức phạt hơn 10.400 USD cho mỗi trường hợp vi phạm.
Cảnh sát Đức phong tỏa hiện trường chợ Giáng sinh ở Magdeburg vào ngày 21/12, sau vụ đâm xe khiến 5 người thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, nghi phạm Abdulmohsen vào đêm 20/12 vẫn lách được vành đai bảo vệ chợ Giáng sinh Magdeburg, lợi dụng lối ra vào vốn dành cho các phương tiện ưu tiên như xe cứu thương hay cứu hỏa.
Quan chức thành phố Ronni Krug lý giải chợ Giáng sinh Magdeburg phải có lối thoát hiểm khẩn cấp đủ rộng cho lực lượng cứu hộ và kiểm soát đám đông. Thành phố không muốn tái diễn thảm kịch vào năm 2010 ở Duisburg, khi 21 người vì bị chèn ép đến chết trong sự kiện Love Parade vì khu vực tổ chức không có đủ lối thoát hiểm. Ông nhấn mạnh kế hoạch bảo vệ các khu chợ Giáng sinh ở Magdeburg đã được thiết kế "cân nhắc mọi kiến thức ở mức tối ưu".
Hans-Jakob Schindler, chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn chính sách Dự án Chống Cực đoan (CEP), cho rằng cảnh sát địa phương đáng lẽ phải kiểm soát lối thoát hiểm nghiêm ngặt hơn.
"Đáng lẽ không thể có khoảng trống trong vành đai, phải chặn mọi phương tiện nằm ngoài nhóm được phép. Nghi phạm có vẻ đã biết trước lối ra vào sẽ mở vào lúc nào. Hắn thuê xe, tự lái đến khu chợ. Hắn biết rõ mình có thể lao xe vào chợ Giáng sinh", Schindler nhận định.
Ngoài hoài nghi về cách tổ chức bảo vệ các khu chợ mùa Giáng sinh, giới chức Đức còn đối diện chất vấn từ công chúng về đánh giá sai lầm hàng loạt cảnh báo về nghi phạm.
Holger Munch, lãnh đạo cảnh sát liên bang (BKA), ngày 21/12 nhận định nghi phạm vụ đâm xe ở Magdeburg là "trường hợp bất thường", dường như ám chỉ nghi phạm nằm ngoài nhóm ưu tiên giám sát nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, một loạt tờ báo và hãng tin Đức tiết lộ cơ quan an ninh và chính phủ Arab Saudi từng gửi cảnh báo cho chính phủ Đức về Abdulmohsen.
Dẫn nguồn tin an ninh, DPA cho biết giới chức Riyadh cảnh báo Berlin về Abdulmohsen vào năm ngoái và đề nghị dẫn độ. Der Spiegel viết rằng mật vụ Arab Saudi đã nhiều lần cảnh báo với các đồng nghiệp tại Đức về nghi phạm này.
Cơ quan Liên bang về Di trú và Tị nạn (BAMF) ngày 21/12 cho biết họ từng nhận cảnh báo qua mạng xã hội về Abdulmohsen vào năm 2023 và đã chuyển thông tin cho cơ quan điều tra liên quan. Die Welt tiết lộ cảnh sát bang Saxony-Anhalt và cảnh sát liên bang từng xem xét trường hợp Abdulmohsen vào năm ngoái, nhưng cuối cùng kết luận nghi phạm "không phải mối đe dọa rõ rệt".
Lãnh đạo BKA xác nhận với đài phát thanh ZDF rằng Abdulmohsen từng có một số lần bị cảnh sát chất vấn. Trong những lần đó, người này dùng lời lẽ sỉ nhục, thậm chí đưa ra mối đe dọa, nhưng cảnh sát vẫn đánh giá người này không có xu hướng bạo lực.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) đến hiện trường vụ đâm xe ở chợ Giáng sinh Magdeburg ngày 21/12. Ảnh: AFP
Trên mạng xã hội, Abdulmohsen thường xuyên chỉ trích chính phủ Arab Saudi, tuyên bố mình đã từ bỏ Hồi giáo và ủng hộ đảng cực hữu Đức AfD. Trong những năm gần đây, nghi phạm còn chỉ trích chính phủ Đức về chính sách nhập cư và cộng đồng Hồi giáo ở nước này. Ông này cáo buộc chính quyền Đức đang muốn "Hồi giáo hóa" châu Âu.
Vài tháng gần đây, Abdulmohsen đăng trên X nhiều thông điệp bạo lực. Nghi phạm tuyên bố vào tháng 5 rằng "Chủ nghĩa khủng bố ở Đức phải chịu xét xử. Có lẽ, tôi sẽ chết trong năm nay để thực thi công lý". Vào tháng 8, nghi phạm đăng thông điệp tương tự: "Nếu nước Đức muốn chiến tranh, chúng tôi quyết đấu. Nếu nước Đức muốn giết chúng tôi, chúng tôi sẽ tàn sát họ, dù có bỏ mạng hay phải vào tù thì tôi cũng tự hào".
"Liệu có con đường nào dẫn đến công lý ở Đức mà không phải cho nổ tung đại sứ quán Đức hay tàn sát bừa bãi công dân Đức không? Nếu ai biết, vui lòng cho tôi biết", Abdulmohsen từng viết.
Mina Ahadi, chủ tịch Hội đồng Cựu tín đồ Hồi giáo Trung tâm (ZdE), một nhóm hoạt động xã hội tại Đức, nói Abdulmohsen đã quấy rối tổ chức của bà suốt nhiều năm qua. "Ông ấy điên cuồng tin theo những thuyết âm mưu cực hữu. Ông ấy không chỉ thù ghét Hồi giáo, mà thù ghét luôn cả những người không có cùng nỗi hận thù với mình", Ahadi nói.
"Tôi không suy đoán về động cơ, song điều duy nhất tôi có thể xác nhận là nghi phạm đã thể hiện lập trường bài Hồi giáo. Điều này dễ thấy", Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser ngày 21/12 nói. Công tố viên Đức xác định yếu tố được xem xét khi xác định động cơ của Abdulmohsen là ông ta "bất mãn với cách Đức đối xử người tị nạn Arab Saudi".
Bộ trưởng Faeser và lãnh đạo các cơ quan cảnh sát, tình báo dự kiến trả lời chất vấn trước quốc hội vào ngày 30/12, giữa các chỉ trích về lỗ hổng an ninh trong vụ đâm xe ở Magdeburg. Bà Faeser cuối tuần qua cam kết sẽ "điều tra đến cùng" để làm rõ trách nhiệm trong thảm kịch, đồng thời xem xét liệu các cơ quan an ninh có đánh giá sai cảnh báo về Abdulmohsen hay không.
Thanh Danh (Theo DW, CNN, NDTV)