Chuyên mục  


base64-173531573749051423014.jpeg

Tổng thống Putin trong cuộc họp báo ở Leningrad, Nga ngày 26-12 - Ảnh: REUTERS

Mặc dù cả Nga và Ukraine đều đang cố gắng chỉ tấn công các nhóm hạ tầng phục vụ hoạt động quân sự, nhưng thiệt hại của mỗi bên dường như đều đang đứng trước những rủi ro vượt quá khả năng kiểm soát.

Sức ép gia tăng với Nga

Hôm 25-12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố lực lượng Nga có mục tiêu gây mất điện hoàn toàn ở Ukraine.

Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ, quân đội Nga được cho là đã tiến hành một loạt cuộc tấn công phức hợp bằng nhiều loại tên lửa và máy bay không người lái lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine tại các khu vực Kharkov, Kiev, Dnipropetrovsk, Poltava, Zhytomyr, Ivano-Frankivsk và Zaporizhia chỉ trong đêm 24 rạng sáng 25-12.

Không chỉ vậy, tờ Kyiv Independent cũng khẳng định quân đội Ukraine đang kết thúc năm 2024 "trong khốn đốn" khi để mất dần lãnh thổ ở phía đông bắc tỉnh Kharkov và phía đông tỉnh Donetsk về tay quân đội Nga.

Ở chiều ngược lại, phía Nga dường như đang gặp nhiều rủi ro hơn. Trong đó, các tiến triển trên thực địa ở hai mặt trận Kursk và phía đông nam Ukraine của quân đội Nga đang bị "gây nhiễu" lớn bởi những nhân tố thuộc "vành đai bất ổn" do phong trào bài Nga (Russo-phobia) gây ra.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Nga ngày 20-12 đã lưu ý về tình trạng trục xuất cư dân nói tiếng Nga vẫn đang tiếp diễn ở các quốc gia vùng Baltic như Lithuania, Latvia, Estonia. Thêm vào đó, các cuộc biểu tình rầm rộ ở Georgia (Gruzia) nhằm chống lại quyết định hoãn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của chính phủ Thủ tướng Kobakhidze, tình hình bất ổn ở Serbia hay toan tính của Chính phủ Moldova muốn chiếm giữ bằng vũ lực nhà máy điện ở vùng Transnistria thân Nga đang đe dọa thu hẹp đáng kể các vùng ảnh hưởng của Nga ở khu vực Trung và Đông Âu.

"Vành đai bất ổn" nói trên còn được phát triển theo hướng "thọc sâu" vào lãnh thổ Nga bằng một loạt hoạt động xâm nhập để phá hoại từ bên trong của Cục An ninh Ukraine (SBU). Đích thân Tổng thống Putin đã khẳng định đây là những "hành vi khủng bố", đồng thời nhấn mạnh Ukraine đã liên tục thực hiện nhiều tội ác như vụ ám sát trung tướng Igor Kirilov của Nga vào ngày 18-12.

Gần đây nhất, báo cáo ngày 15-12 của Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) cho thấy họ đã ngăn chặn nhiều nỗ lực tấn công của điệp viên Ukraine vào các nhân viên cấp cao của Bộ Quốc phòng tại Matxcơva.

Thêm vào đó, sáng kiến xét bảo hiểm đối với các tàu chở hàng có liên quan đến Nga đang gây áp lực trực tiếp nhằm thu hẹp hoạt động xuất khẩu của Nga qua vùng biển Baltic.

Sáng kiến này hiện có sự tham gia của Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Litva, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển, và dự kiến tạo nên áp lực tổng thể khi phối hợp với các lệnh trừng phạt hàng hải tăng cường từ EU đến Nga khi Ba Lan tiếp quản chức chủ tịch EU từ Hungary vào đầu năm 2025.

Trong bối cảnh hạm đội Biển Đen của Nga vẫn chưa thể trở lại cảng chiến lược Sevastopol ở bán đảo Crimea do sự tấn công từ phía Ukraine, còn kết nối duy nhất đến biển Địa Trung Hải căn cứ quân sự Tartus của Nga tại Syria đang bị quân nổi dậy phong tỏa, thì áp lực trên biển Baltic lúc này càng khiến "vành đai bất ổn" của Nga mở rộng cả trên bộ lẫn trên biển.

ukraine-tri-an-thuong-binh-25-12-kiev-1735339232855295195581.jpg

Người dân khu phố ở Kiev, thủ đô Ukraine, mặc đồ truyền thống dịp Giáng sinh hát tri ân thương binh của cuộc chiến Ukraine - Nga vào ngày 25-12 - Ảnh: REUTERS

Chúng tôi không phản đối nếu điều đó xảy ra. Tại sao không phản đối? Vì Slovakia giữ quan điểm trung lập.
Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN phát biểu tại cuộc họp báo ở Leningrad hôm 26-12, cho rằng Slovakia là địa điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán trong tương lai về giải quyết xung đột với Ukraine.

Ngoại giao là con đường duy nhất

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhân tố rủi ro đang tích lũy theo chiều hướng gia tăng bất lợi cho các lợi ích của Nga ở châu Âu, động thái của Tổng thống Putin chấp nhận đề xuất trở thành trung gian hòa giải của Slovakia vừa qua không chỉ nhằm đề cao các quốc gia có sự "trung lập" giữa Nga và phương Tây, mà còn muốn tạo một "lối thoát" giúp Nga không mất hẳn các lợi ích đã xây dựng được tại châu Âu.

Cùng lúc với động thái chấp thuận Slovakia của ông Putin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày 26-12 cũng tuyên bố phía Nga không đặt ra điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán về Ukraine, mà đã thu gọn yêu cầu của Nga dựa trên hai nguyên nhân "gốc rễ".

Trong đó bao gồm yêu cầu NATO không tiếp tục mở rộng về phía Đông, đồng nghĩa với Ukraine phải tuyên bố trung lập vĩnh viễn, và yêu cầu Ukraine không được phân biệt đối xử với các hiện diện của nền văn hóa Nga.

Tuyên bố ngày 26-12 của ông Lavrov như vậy đã "đơn giản hóa" nhất có thể tất cả yêu cầu của phía Nga thành hai yêu cầu mang tính "gốc rễ" của cuộc khủng hoảng Ukraine.

Đây cũng là cách tiếp cận cấp thiết của chính quyền ông Putin lúc này nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra kịch bản "đứt gãy" hoàn toàn mối quan hệ truyền thống đã dày công xây dựng với EU từ trước đến nay.

Hai yêu cầu này tuy phù hợp với phương án mà phía Ukraine có đề cập nhằm đòi hỏi đảm bảo an ninh đơn lẻ từ các thành viên của NATO thay vì gia nhập NATO vào thời điểm này, nhưng quá trình phục hồi trở lại uy tín cho Nga và các đại diện của nền văn hóa Nga sau khi quân đội Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt dường như chưa được bất kỳ bên nào đề cập.

Do đó, đứng trước các yếu tố rủi ro ngày càng khó lường do sự mở rộng "vành đai bất ổn" về phía Nga, chính quyền Tổng thống Putin đã "bật đèn xanh" cho tiến trình ngoại giao nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine bằng cách cụ thể hóa các yêu cầu cụ thể để đạt được thỏa thuận hòa bình bền vững cho lợi ích an ninh của Nga.

Sự rõ ràng của Nga về lập trường chính là bước đi đầu tiên cho thấy tiến trình đàm phán với Ukraine đã kết thúc giai đoạn thăm dò, thực sự chuyển sang các bước đi thực tiễn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020