Chuyên mục  


Rất nhiều giả thuyết, trong đó có cả các thuyết âm mưu, đã được đưa ra kể từ khi giám đốc điều hành (CEO) Telegram Pavel Durov bị cảnh sát Pháp bắt hôm 24/8. Sự việc cũng thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ trong nhóm ủng hộ quyền tự do ngôn luận, những người cáo buộc Pháp tìm cách kiểm duyệt nền tảng nhắn tin do Durov sáng lập.

Theo nền tảng này, kể từ khi ra mắt vào năm 2013, Telegram đã phát triển vượt bậc, thu hút gần một tỷ người dùng, được coi là công cụ liên lạc hiệu quả, bảo mật của những người bất đồng chính kiến, binh sĩ trên chiến trường và cả các nhóm tội phạm quốc tế.

CEO Telegram Pavel Durov tại Jarkata, Indonesia, hồi năm 2017. Ảnh: AP

Durov đã được tại ngoại sau khi nộp 5 triệu euro tiền bảo lãnh hôm 28/8. Ông bị điều tra về các tội danh, gồm đồng lõa trong việc quản lý nền tảng trực tuyến cho phép thực hiện giao dịch bất hợp pháp, phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy, lừa đảo, từ chối chia sẻ thông tin theo yêu cầu của giới chức, rửa tiền, cung cấp dịch vụ mã hóa cho tội phạm.

Theo Politico, cuộc điều tra được thúc đẩy bởi việc Telegram từ chối hợp tác với chính quyền trong một vụ án lạm dụng trẻ em. Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh sự việc "hoàn toàn không liên quan đến chính trị", vụ bắt người chưa từng có này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi xung quanh ông trùm công nghệ, cũng như mối quan hệ giữa ông với Paris và Moskva.

Durov quen biết Tổng thống Macron thế nào?

Mặc dù người Pháp bình thường có thể không biết nhiều về Telegram, ứng dụng này tự hào có ít nhất một người dùng trung thành ở Pháp là Tổng thống Macron.

Ông dùng Telegram ngay từ những ngày đầu chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của mình gần một thập kỷ trước và vẫn tiếp tục sử dụng nó bất chấp các thành viên nội các yêu cầu Tổng thống ngừng lại hồi năm ngoái.

Theo báo Le Monde, Durov và lãnh đạo Pháp đã gặp nhau "nhiều lần" kể từ lần đầu tiên Tổng thống Macron đắc cử.

Macron từ lâu đã vận động để Pháp trở thành đại bản doanh của các công ty công nghệ lớn. "Pháp sẽ là quốc gia dẫn đầu về siêu đổi mới, thay đổi và chuyển đổi sâu sắc", ông nói một tháng sau cuộc bầu cử năm 2017.

Tổng thống đã cố gắng thuyết phục Durov chuyển trụ sở Telegram đến Paris và đề nghị ông nhập quốc tịch Pháp, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Khi Durov bị bắt tại sân bay Le Bourget cuối tuần trước, CEO Telegram được cho là đã nói với cảnh sát rằng ông đến Paris để ăn tối với Tổng thống Macron, theo tuần báo Le Canard enchaîné. Tuy nhiên, ông chủ Điện Elysse hôm 29/8 quyết liệt phủ nhận thông tin trên.

"Tôi hoàn toàn không biết gì về chuyến thăm Pháp của Durov", ông nói trong chuyến thăm Serbia.

Nguồn tin thân cận với Macron nhấn mạnh rằng Tổng thống đang ở nhà nghỉ riêng của mình tại Le Touquet, miền bắc Pháp, vào ngày Durov bị bắt. Dù vậy, câu hỏi về mối quan hệ giữa Durov và ông Macron vẫn chưa được trả lời.

Durov có bao nhiêu hộ chiếu?

Người sáng lập Telegram sinh ra tại Nga, nhưng việc ông còn giữ hộ chiếu Nga hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Durov rời khỏi Nga năm 2014, chuyển tới định cư lâu dài ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), và đặt trụ sở Telegram tại đây. Ông cũng được UAE cấp quốc tịch vì điều này.

Tháng 4/2021, Durov khiến nhiều người ngạc nhiên khi thông báo ông đã được cấp quốc tịch Pháp. Phủ Tổng thống Pháp ban đầu từ chối chịu trách nhiệm về việc cấp quyền công dân cho Durov và nói với Politico rằng quyết định này do Bộ Ngoại giao đưa ra. Tuy nhiên, các nguồn tin tại Bộ Ngoại giao Pháp nói rằng họ không có hồ sơ nào cho thấy như vậy.

Đến ngày 29/8, Tổng thống Macron thừa nhận đã trao quốc tịch cho Durov vài năm trước theo chính sách "người nước ngoài danh dự", vì ông tin rằng đây là "điều tốt cho đất nước". Ông lưu ý rằng hành động này vốn nằm trong "chiến lược" từ lâu về đãi ngộ những cá nhân "tỏa sáng trên thế giới" và có nỗ lực học tiếng Pháp.

Durov được cấp quốc tịch Pháp từ năm 2021, nhưng Telegram vẫn đặt trụ sở chính tại Dubai. Hiện chưa rõ ông thông thạo tiếng Pháp đến mức nào và đã có đóng góp gì cho "tầm ảnh hưởng và sự thịnh vượng trong quan hệ kinh tế quốc tế của Paris", như tiêu chí của những "người nước ngoài danh dự" được cấp quốc tịch Pháp.

Đại diện Telegram cho biết ông chủ của họ hiện chỉ có hai hộ chiếu Pháp và UAE, nhưng người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Durov vẫn có quốc tịch Nga. Đây là lý do đại sứ quán Nga tại Paris yêu cầu được tiếp xúc lãnh sự với Durov sau khi ông bị bắt, nhưng không được phía Pháp đáp ứng.

Peskov thêm rằng ông không biết CEO Telegram còn sở hữu bao nhiêu quốc tịch khác. UAE cũng đã yêu cầu được tiếp xúc lãnh sự với Duros sau khi ông bị bắt, nhưng ông trùm công nghệ đã từ chối lời đề nghị giúp đỡ, theo một nguồn thạo tin.

Durov còn sở hữu quốc tịch của quốc đảo Saint Kitts và Nevis thuộc vùng Caribe thông qua một chương trình đầu tư cấp hộ chiếu cho những người có các khoản đóng góp tài chính lớn.

Đại sứ Saint Kitts và Nevis tại Paris đã xác nhận quốc tịch của Durov nhưng lưu ý rằng mối liên hệ giữa quốc gia này với ông chủ Telegram tương đối hạn chế.

Mối quan hệ giữa Durov và Nga?

Được nhiều người gọi là "Mark Zuckerberg của Nga", Durov cuối năm 2013 thành lập Telegram cùng anh trai Nikolai, chỉ vài tháng sau khi bị ép phải rút khỏi VKontakte, nền tảng mạng xã hội tại Nga và cũng do ông sáng lập.

Durov phàn nàn đã bị chính phủ Nga gây áp lực, yêu cầu phải cung cấp dữ liệu mã hóa của người dùng trên nền tảng VKontakte cho giới chức, song ông từ chối. CEO Telegram rời Nga năm 2014.

Bởi vậy, nhiều nhà quan sát đã rất ngạc nhiên khi các quan chức Nga liên tiếp lên tiếng bênh vực Durov sau khi ông bị bắt, thậm chí cảnh báo Pháp không "đàn áp chính trị" trong vụ án này.

Giới chức Nga khẳng định đã cung cấp "mọi hỗ trợ cần thiết", đồng thời cáo buộc Pháp đe dọa và "có nỗ lực trực tiếp nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận".

Durov tự nhận mình là người phản đối Điện Kremlin, nhưng thực tế có vẻ phức tạp hơn. Ngay cả sau khi rời khỏi đất nước và bán cổ phần tại VKontakte, Durov được cho là vẫn duy trì mối quan hệ với Nga.

Alisher Usmanov, nhà tài phiệt thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, có thể đã giúp tài trợ Telegram trong giai đoạn đầu.

Các kênh truyền thông ủng hộ Điện Kremlin đưa tin anh trai Durov là Nikolai, người cũng bị Pháp truy nã, đang sống ở St. Petersburg, làm việc tại Viện Toán học Steklov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga danh tiếng. Trang web của viện này liệt kê Nikolai Durov là một nhân viên.

Mặc dù là người đồng sáng lập Telegram, Nikolai luôn sống kín tiếng và nhường lại "ánh đèn sân khấu" cho em trai. Theo nền tảng này, Pavel hỗ trợ ứng dụng "về mặt tài chính", trong khi Nikolai "đóng góp về mặt công nghệ".

Theo trang tin độc lập Important Stories, dựa trên thông tin rò rỉ từ dữ liệu tình báo Nga, Durov đã tới Nga "hơn 50 lần" trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2021. Ứng dụng này được các binh sĩ Nga sử dụng rộng rãi để liên lạc trên chiến trường Ukraine. Đây cũng là phần mềm nhắn tin ưa thích của các blogger và nhà báo quân sự ủng hộ Điện Kremlin, các chính trị gia và cả những người dân Nga bình thường.

"Chúng tôi vẫn coi ông ấy là một công dân Nga và sẵn sàng hỗ trợ hết sức có thể. Chúng tôi sẽ theo dõi những diễn biến tiếp theo", phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov tuyên bố.

Vũ Hoàng (Theo Politico, Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020